Trong khi xuất khẩu mực, bạch tuộc của cả nước tăng trưởng âm thì xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Mỹ lại liên tục gặt hái được những thành tích ấn tượng cả về số lượng lẫn giá trị.
|
Mỹ đã vươn lên trở thành bạn hàng thuỷ sản lớn thứ 5 của Việt Nam.
|
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ một thị trường nhập khẩu “mờ nhạt”, đứng thứ 9 trong danh sách các thị trường nhập khẩu nhuyễn thể chân đầu của Việt Nam vào tháng đầu năm, Mỹ đã vươn lên trở thành bạn hàng lớn thứ 5 vào tháng sau đó với mức tăng trưởng đột biến đến 337,7% về khối lượng và 560,4% về giá trị.
Từ tháng 3 đến hết tháng 8, Mỹ đứng ổn định ở vị trí thứ 4, sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) trong các thị trường nhập khẩu nhuyễn thể chân đầu của Việt Nam, trong khi các thị trường khác luôn có sự biến động cả về khối lượng và giá trị nhập khẩu. Đây cũng là thị trường duy nhất giữ được mức tăng trưởng cao liên tục trong 8 tháng qua.
Do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng như nhiều mặt hàng thủy sản khác gặp rất nhiều khó khăn, khiến số lượng và kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 50.800 tấn nhuyễn thể chân đầu với tổng trị giá 178,9 triệu USD, giảm 12,2% về khối lượng và 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, vào những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ mực và bạch tuộc tại các thị trường càng tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay nguồn khai thác đang bị cạn kiệt do ảnh hưởng của nhiều cơn bão xảy ra liên tiếp. Bên cạnh đó, việc nhiều ngư dân chuyển nghề do chi phí đánh bắt tăng cao khiến nguồn cung cũng bị hạn chế.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu ở miền Trung và các tỉnh Bình Thuận, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50% các đơn hàng nhập khẩu mực và bạch tuộc./.