Nhà phân tích Paka-on Tipayatanadaja thuộc Trung tâm nghiên cứu Kasikorn ở Bangkok nói Việt Nam sẽ xuất khẩu kỷ lục 6 triệu tấn thóc gạo năm nay và thậm chí có thể nhiều hơn vào năm tới, nếu Philippines - một trong những bạn hàng truyền thống của thị trường gạo Việt Nam - tăng cường mua vào khi giá hạ.
|
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn.
|
Giới thương gia và các nhà phân tích nhận định giá gạo sẽ không tăng trên thị trường do nguồn cung ở Đông Nam Á, khu vực sản xuất thóc gạo chính của thế giới, có thể nhích lên đáng kể vào cuối năm nay. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của các nước khu vực vẫn khả quan nhờ có mặt bằng giá cả tương đối thấp.
Việc Chính phủ Thái Lan lần đầu tiên thay đổi chính sách cam kết hỗ trợ giá thông qua chương trình mua thóc gạo trực tiếp với giá khá cao từ nông dân trong nhiều năm qua, cộng với nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo và sản lượng thóc của Myanmar cũng như của Campuchia tăng lên có khả năng sẽ đẩy giá gạo xuống chỉ còn 400 USD/tấn hoặc thậm chí thấp hơn. Đây là sự đảo ngược đáng kể so với mức giá đỉnh điểm 1.080 USD/tấn hồi tháng 4 năm ngoái, khi nhiều nước hạn chế bán ra do lo ngại sự khan hiếm nguồn cung.
Giá gạo Thái Lan đã sụt giảm từ đầu năm nay, khi nhu cầu trên thị trường chững lại vì hầu hết các nước nhập khẩu nhiều lương thực ở trong và ngoài khu vực đều mua đủ lượng thóc gạo dự trữ.
Hiện thời giá gạo loại Thái 100% B giao dịch ở mức 540 USD/tấn, được hỗ trợ một phần bởi chính phủ nước này quyết định kéo dài chương trình thu mua thóc gạo đến cuối tháng 9 để xoa dịu các cuộc biểu tình của nông dân.
Gạo Thái còn chịu sức ép giảm giá bởi nước này đã mua nhiều thóc gạo của nông dân, đưa lượng thóc gạo dự trữ trong các kho trong nước lên tới 6-7 triệu tấn.
Chủ tịch công ty CP Intertrade ở Bangkok Sumeth Laomoraporrn cho rằng hiện không có bất kỳ lý do gì khẳng định giá thóc gạo sẽ tăng lên. Trong khi các thương gia khác cho rằng giá cả sụt giảm sẽ khuyến khích nhu cầu tiêu dùng, nhất là khi các nhà nhập khẩu bắt đầu mua thêm thóc gạo dự trữ vào năm 2010 sau khi đã phải vật lộn để tìm nguồn lương thực với mức giá có thể chấp nhận trong năm ngoái.
Dự đoán, nguồn cung của các nước sản xuất và xuất khẩu gạo chủ chốt trên thế giới như Thái Lan, Việt Nam và Mỹ - nước xuất khẩu gạo nhiều thứ tư thế giới - đều sẽ tăng vào cuối năm nay. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng thóc của Việt Nam, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, sẽ đạt 35,99 triệu tấn trong năm nay.
Tại Ấn Độ, lượng thóc gạo dự trữ đã tăng mạnh từ 23,2 triệu tấn trong một năm trước lên 30,1 triệu tấn - mức được coi là đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng chưa đủ để đưa Ấn Độ tái trở thành nhà xuất khẩu lớn. Còn Myanmar đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn thóc gạo trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3 năm tới.
Tính tới cuối tháng 8 năm nay, Myanmar đã xuất khẩu 600.000 tấn, so với con số 666.400 tấn niên vụ 2008-2009 và 358.500 tấn của vụ trước đó.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan có thể đạt hoặc vượt 10 triệu tấn, nếu chính phủ quản lý và giải tỏa khôn khéo lượng gạo dự trữ trong nước trong lúc dự định sẽ bắt đầu thực hiện chính sách mới và không mua thóc gạo trực tiếp của nông dân từ vụ thu hoạch tới để cắt giảm ngân sách hỗ trợ và chi phí bảo quản./.