Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/09/2009-10:00:00 AM
Quyết định của EC gây khó cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Trước những yêu cầu khắt khe trong Quy định 1005 của Ủy ban châu Âu (EC), có hiệu lực từ tháng 1/2010, ông Nguyễn Viết Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhất định.
Chế biến thủy sản tại Công ty thủy sản Bình An, tại khu công nghiệp Trà Nóc II, thành phố Cần Thơ
Theo quy định 1005 của EC về thiết lập hệ thống kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (IUU), mỗi lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) phải có bản cam kết của nhà máy chế biến về nguồn gốc sản phẩm, hoặc giấy chứng nhận khai thác trong trường hợp tổng sản lượng thủy sản đánh bắt được chế biến thành sản phẩm trong một lô hàng xuất khẩu, hoặc bản sao giấy chứng nhận khai thác trong trường hợp một phần sản lượng đánh bắt được chế biến thành sản phẩm xuất khẩu.
Các giấy tờ này phải được cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu xét duyệt trước khi hàng về đến cửa khẩu của nước đó.
IUU cũng nêu rõ, EU cấm nhập khẩu các sản phẩm thủy, hải sản có nguồn gốc khai thác đánh bắt bất hợp pháp. Trường hợp nước xuất khẩu nhập nguyên liệu chế biến từ nước khác thì sản phẩm xuất khẩu đó chỉ được chấp nhận khi có bản cam kết của nhà máy chế biến kèm theo giấy chứng nhận khai thác được các cơ quan có thẩm quyền của nước khai thác chứng thực.
Trong giấy chứng nhận khai thác và bản cam kết của nhà máy chế biến, EU yêu cầu khai báo rất chi tiết những thông tin về tàu đánh bắt, về doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm đó, vùng khai thác, loại hải sản và khối lượng khai thác...
Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, theo luật quốc tế, ngư dân có quyền đánh bắt trong phạm vi lãnh hải quốc gia mình, do đó yêu cầu cụ thể hóa vùng khai thác, ngày khai thác và thay đổi phương thức hoạt động trong cộng đồng ngư dân là điều rất khó.
Bên cạnh đó, do Việt Nam chưa có hệ thống giám sát, kiểm soát và chứng thực đáp ứng IUU, chưa có đội tàu khai thác quy mô lớn, hoạt động đánh bắt của ngư dân lại không tập trung, nên việc quản lý cũng như thông tin tới ngư dân về việc áp dụng các quy định mới của EC cũng sẽ gặp nhiều trở ngại.
Theo thống kê của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Việt Nam hiện có khoảng 130.000 tàu đánh bắt thủy hải sản, song chủ yếu hoạt động quy mô nhỏ. Tổng sản lượng thủy sản khai thác của cả nước đạt khoảng 2 triệu tấn/năm.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thành lập Tổ công tác để triển khai các yêu cầu theo quy định 1005 của EC. Tuy nhiên, theo nhận định của một thành viên trong tổ công tác, khó có thể hoàn thành các yêu cầu này bởi thời điểm IUU có hiệu lực còn chưa đầy 4 tháng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, EU hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với 26 trên tổng số 27 quốc gia thuộc EU nhập hàng thủy sản của Việt Nam. Năm 2008, lượng thủy sản xuất sang EU chiếm trên 40% tổng lượng thủy sản xuất khẩu và 25,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam luôn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà EU, thị trường luôn có yêu cầu khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đề ra.
Điều này không chỉ được ghi nhận qua lượng hàng xuất khẩu sang EU ngày càng tăng qua các năm, mà còn được tái khẳng định bằng việc giữa tháng 8 vừa qua, EC đã chấp thuận bổ sung thêm 30 doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách được cấp mã số đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản vào EU, nâng tổng số doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này lên con số 330.
Với kết quả này, Việt Nam là một trong những quốc gia ở châu Á có số lượng lớn doanh nghiệp được cấp mã số xuất khẩu thủy sản vào EU./.

TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1090
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)