I. BỐI CẢNH TÁC ĐỘNG:
Trên thế giới: theo các chuyên gia kinh tế, cho đến nay, có thể nhận định nền kinh tế thế giới đã dần trở lại quỹ đạo. Giai đoạn suy thoái kéo dài với những ảnh hưởng mạnh mẽ đến hầu khắp các nền kinh tế các khu vực đã dần qua đi. Tuy nhiên, mức độ hồi phục của các nền kinh tế còn chưa ổn định và ở mức thấp, đặc biệt đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ đã là đòn bẩy giúp thị trường chứng khoán nước này hồi phục mạnh mẽ. Trong khi đó thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á mặc dù đã có những chuyển biến đáng kể, song vẫn chưa thực sự ổn định. Tuy nhiên, việc kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng khá (khoảng 8,9%, thấp hơn một chút so với dự kiến trước đó là 9%) dự báo sẽ là động lực lớn đối với sự tăng trưởng châu Á nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung.
Trong nước: mặc dù chưa có những đánh giá sâu về tác động của các chính sách điều hành của Chính phủ, đặc biệt là các gói kích thích kinh tế, song có thể khẳng định các biện pháp điều hành của Chính phủ trong thời gian qua là khá hợp lý, hiệu quả, góp phần quan trọng giúp nền kinh tế sớm vượt qua đáy suy thoái và đang hồi phục với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, những khó khăn của thời kỳ hậu suy thoái tiếp tục đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với các mục tiêu của Chính phủ. Việc có nên tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ kinh tế như trong giai đoạn vừa qua hay không vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, đòi hỏi phải có những đánh giá sâu, tổng thể về những tác động của các chính sách này. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng theo quy đạo, đạt được những mục tiêu dài hơi của Chính phủ, hạn chế được những tác động tiêu cực từ nền kinh tế khu vực và thế giới, đòi hỏi công tác điều hành của Chính phủ phải tiếp tục được tăng cường.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN THÁNG 10 VÀ 10 THÁNG NĂM 2009
1. Phát triển các ngành dịch vụ:
1.1. Các chỉ tiêu chính:
a. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng:
Với những tín hiệu tích cực từ phía thị trường trong nước và thế giới, hoạt động thương mại thời gian qua đã có được những bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Liên tục kể từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước đạt mức tăng trưởng khá, đặc biệt là trong những tháng quý II trở lại đây.
Tổng mức bán lẻ tháng 10 dự kiến đạt khoảng 105.457 tỷ đồng, tăng gần 2,5% so với tháng trước. Tính lũy kế sau 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ trên cả nước ước đạt 958.274 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2008.
Xét theo lĩnh vực: các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong sự tăng trưởng chung vẫn là thương mại, khách sạn, nhà hàng và du lịch.
Xét theo cơ cấu thành phần kinh tế: kinh tế cá thể tiếp tục đóng vai trò chủ đạo với tỷ trọng lớn nhất (56,6%), tiếp đến là kinh tế tư nhân (30,6%), kinh thế nhà nước (9,3%), kinh tế tập thể (1%), kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (2,5%)
(Số liệu Tổng cục Thống kê)
b.Chỉ số giá tiêu dùng:
Trong tháng 10, do tác động của giá thế giới, đặc biệt là giá dầu thô, thêm vào đó là những tín hiệu tích cực của thị trường trong nước, giá cả các loại hàng hóa trên thị trường tiếp tục tăng song không có những đột biến xấu. Sự tăng lên của chỉ số giá phản ánh đúng những diễn biến tích cực của thị trường và nền kinh tế. Đây là những động thái đã được dự báo do kết quả của công tác điều hành thị trường, đặc biệt là tác động của gói kích cầu thông qua miễn, giảm, giãn thuế, hỗ trợ lãi suất và việc tăng cường phát triển thị trường, xúc tiến thương mại.
Dự báo chỉ số giá (CPI) tháng 10 tăng khoảng 0,37%. Tính sau 10 tháng đầu năm, chỉ số số giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng ở mức 4,49% so với tháng 12/2008.
Những nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhiều nhất gồm có phương tiện đi lại (+7,08%), nhà ở, vật liệu xây dựng (+10,2%).
Dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng khá trong những tháng cuối năm do tác động tích cực của nền kinh tế và sự hồi phục mạnh của nhu cầu tiêu dùng. Trong những tháng cuối năm, với những diễn biến khó dự báo của giá dầu thế giới và tình hình thị trường đòi hỏi Chính phủ tiếp tục phải có những điều hành kịp thời, hợp lý, đảm bảo kiềm chế giá hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
(Số liệu Tổng cục Thống kê)
1.2. Tình hình phát triển ngành du lịch:
Tháng 10 năm 2009 là tháng có nhiều hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm của các địa phương. Một loạt các hoạt động văn hoá, nghệ thuật được tổ chức công phu và mang đậm dấu ấn dân tộc được diễn ra tại Hà Nội nhằm chào mừng 55 ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954-10/10/2009) và chào mừng Thăng Long – Hà nội 999 năm tuổi. Tại Bình Thuận cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hoá thể thao đa dạng nhằm hướng tới kỷ niệm năm du lịch của tỉnh. Đặc biệt mới đây Quan họ Bắc Ninh được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đã tôn vinh thêm nền văn hoá đa dạng của chúng ta. Một sự kiện quan trọng nữa là cuối tháng 10 chúng ta sẽ khai mạc đại hội Thể dục thể thao Châu Á trong nhà lần thứ 3 năm 2009 tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Ninh.
Tại Quảng Ninh, ngày 19/10, công ty du lịch Tân Hồng cũng đã tổ chức đón tầu biển cao cấp Sevensea Mariner mang theo 641 du khách (quốc tịch Mỹ, Canada, Úc, Anh…) tham quan Hạ Long, Hà Nội, Yên Tử. Đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và dịch bệnh trong nhiều tháng qua.
Tháng 10 cũng diễn ra môt loạt các hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch tại các nước bạn như : khai mạc tuần lễ “ Những ngày văn hoá Việt Nam 2009” tại Anh từ ngày 19-31/10/2009; tuần lễ Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Berlin ngày 16/10 nhằm giới thiệu những di sản văn hoá nổi tiếng như Hạ Long, Huế, Hội An, Mỹ Sơn.
Tuy nhiên do vẫn bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và dịch cúm A/H1N nên số lượng khách du lịch đến Việt Nam vẫn giảm.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 ước đạt 227.859 lượt khách, giảm 25,1 % so với tháng trước. Tổng số khách du lịch quốc tế trong 10 tháng ước đạt trên 3.012 triệu lượt khách, giảm 16,3% so cùng kỳ năm ngoái. Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong tháng 10 chủ yếu từ một số thị trường như: Mỹ 74,8%, Đài Loan 68,2%, Úc 74,3%, Pháp 82,2%, Canada 81,9% so với tháng trước. Đặc biệt số lượng khách Trung Quốc giảm nhẹ 2,3% so với tháng trước nhưng lại tăng 40.7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 chủ yếu vẫn bằng đường hàng không đạt 157.869 lượt khách bằng 71,2 % so với tháng trước, khách du lịch đi bằng đường bộ giảm 16,9%, trong khi lượng khách du lịch đi bằng đường biển lại tăng 43,1% so với tháng trước, tuy nhiên vẫn giảm 49,6% so với cùng kỳ năm trước. .
Xét theo mục đích chuyến đi, số lượng khách du lịch đi theo mục đích nghỉ ngơi, du lịch giảm 24.6% so với tháng trước, khách du lịch đi theo mục đích công việc giảm 21,1% so với tháng trước, khách du lịch đi theo mục đích thăm thân nhân giảm 35% và theo mục đích khác giảm 31.1%.
Từ nay đến cuối năm chúng ta cần có nhiều biện pháp kích cầu hơn nữa để thúc đẩy hoạt động du lịch đang có xu hướng ngày càng trầm lắng.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hoá:
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 10 năm 2009 đạt 4,75 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2,15 tỷ USD.
10 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 46,33 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 18,82 tỷ USD, giảm 6,2%.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 12,1 triệu tấn, tăng 8% về lượng nhưng giảm 43% về kim ngạch; dệt may 7,47 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ; giày dép 3,2 tỷ USD, giảm 16,1%; gỗ và sản phẩm gỗ 1996 triệu USD, giảm 14%; linh kiện điện tử 2,22 tỷ USD xấp xỉ cùng kỳ 2008; thuỷ sản 3,48 tỷ USD, giảm 8,7%; gạo 5,33 triệu tấn, tăng khoảng 32,8% về lượng nhưng giảm 7,8% về kim ngạch; dây điện và cáp điện 651 triệu USD, giảm 24,7%; cao su 539 nghìn tấn, tăng 2,5% về lượng nhưng giảm 41,2% về giá trị...
Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, giá bình quân đa số các mặt hàng đều giảm so với 10 tháng đầu năm 2008. Cụ thể: dầu thô giảm 47,7%, than đá giảm 25,7%, gạo giảm 31,2%, cà phê giảm 29,1%, cao su giảm 42,6%...
Về thị trường xuất khẩu, xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu đều giảm. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Hoa Kỳ với tỷ trọng gần 19,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2008; thị trường EU chiếm tỷ trọng 16,3% và giảm 14,6%; thị trường ASEAN chiếm tỷ trọng 15,9% và giảm gần 22,5%; thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng 10,5% và giảm gần 32%; thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 7,8% và giảm 7,9%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 năm 2009 ước đạt 6,65 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2,5 tỷ USD.
10 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 55,11 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước đạt 19,96 tỷ USD, giảm 16,2%.
Tình hình nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 10 tháng đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm ngoái: xăng dầu 11 triệu tấn (xấp xỉ về lượng và giảm 47,8% về kim ngạch), phân bón 3,66 triệu tấn (tăng 30% về lượng và giảm 18% về kim ngạch), sắt thép 8,1 triệu tấn (tăng 8,2% về lượng và giảm 30,6% về kim ngạch), ... Như vậy, có thể thấy, kim ngạch nhập khẩu của cả nước giảm chủ yếu do giá trung bình của hàng hóa nhập khẩu giảm so với năm 2008, trong khi đó về lượng của hầu hết các mặt hàng đạt xấp xỉ hoặc tăng so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng 10 năm 2009, kim ngạch nhập khẩu từ Châu Á giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2008, ước đạt 42,4 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu từ Châu Âu giảm 28,5% đạt 6,17 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu từ Châu Mỹ giảm 8,8%, ước đạt 3,87 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam vẫn nhập khẩu chủ yếu từ Châu Á với tỷ trọng gần 77% tổng kim ngạch.
Nhập siêu tháng 10 khoảng 1,9 tỷ USD. Như vậy, trong 10 tháng đầu năm, tổng nhập siêu lên tới 8,78 tỷ USD, chiếm 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
2.3. Đánh giá:
Có thể thấy trong 10 tháng đầu năm 2009, tình hình xuấtkhẩu tiếp tục chịu một số khó khăn sau:
- Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch lớn giảm so với cùng kỳ, do khó khăn về thị trường xuất khẩu: thủy sản giảm 8,7%, giày dép giảm 16,1%...
- Giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng xuất khẩu cũng giảm mạnh: dầu thô giảm 47,7%, than đá giảm 25,7%, gạo giảm 31,2%, cà phê giảm 29,1%, cao su giảm 42,6%...
3. Phát triển thị trường trong nước:
3.1. Đánh giá chung:
Trong những tháng qua, thị trường thế giới chứng kiến sự tăng mạnh của giá dầu mỏ. Lần đầu tiên sau hơn 1 năm, giá dầu đã vượt mức cao nhất, đạt trên 80 USD/thùng. Sự tăng giá của dầu mỏ thế giới là tín hiệu tốt, phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của OPEC, nguồn cung dầu mỏ hiện vẫn đảm bảo, việc giá xăng dầu thế giới tăng lên không hẳn do tác động của nhu cầu trên thị trường mà chịu ảnh hưởng đáng kể của giá USD. Với chiều hướng tích cực của nền kinh tế thế giới, việc giá dầu tiếp tục tăng là có thể xảy ra, song khả năng dầu vững giá trong dài hạn là chưa thể khẳng định.
Trong nước, thị trường hàng hóa tiếp tục diễn biến khá sôi động. Một số mặt hàng phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu như xăng dầu, sắt thép tiếp tục được điều chỉnh tăng giá do tác động của giá thế giới và tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên những điều chỉnh này vẫn nằm trong tầm kiểm soát và không gây những ảnh hưởng lớn tới mặt bằng giá các hàng hóa và dịch vụ khác trên thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, thị trường trong nước tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn. Thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh trong những tháng vừa qua, đặc biệt là tác động của cơn bão số 9 đã gây ra những thiệt hại đáng kể đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân nhiều địa phương.
Trên thị trường tài chính, tiền tệ: tháng 10 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, giá vàng tăng nhanh cùng với sự ấm lên của thị trường nhà đất là những tín hiệu phản ánh rõ ràng những biến chuyển tích cực của nền kinh tế nói chung, trong đó có hoạt động thương mại.
3.2. Kết quả thực hiện của một số ngành hàng trọng yếu:
a. Xăng dầu:
Giá dầu thô thế giới tháng 10 có chiều hướng tăng mạnh và đã bị đẩy lên trên 81 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 1 năm qua. Tại sở giao dịch Niu Oóc, giá dầu thô kỳ hạn tháng 12/2009 đã tăng 2,25 USD, hay 2,84% đạt 81,37 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 09/10/2008. Giá dao động trong khoảng từ 77,64 USD đến 82 USD/thùng. Tại Luân Đôn, giá dầu thô brent kỳ hạn tháng 12/2009 đã tăng 2,45 USD hay 3,17% đạt 79,69 USD/thùng, giá dao động trong khoảng từ 76,04 đến 80,26 USD/thùng.
Trong công tác điều hành kinh doanh xăng dầu, ngày 15/10/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để thay thế cho Nghị định số 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, theo đó, kể từ ngày 15/12/2009 các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước sẽ được chủ động điều chỉnh giá bán lẻ khi giá xăng dầu thế giới có biến động và Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng được áp dụng vào thời điểm này để nhằm tham gia bình ổn giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Sau gần một tháng vận hành trở lại, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chế biến được hơn 150.000 tấn dầu thô, sản xuất gần 100.000 tấn sản phẩm các loại, trong đó có lô sản phẩm xăng A95 và khí Propylene đầu tiên đã được kiểm định tiêu chuẩn chất lượng theo đúng thiết kế. Theo thông tin từ nhà thầu Technip và Ban quản lý dự án Dung Quất thì Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang tiếp tục cân chỉnh lại những lỗi kỹ thuật còn tồn tại để đưa nhà máy vào vận hành đồng loạt từng phân xưởng với 100% công suất, sau đó sẽ tiến hành nghiệm thu từng phần. Đến cuối năm nay sẽ chuyển giao nhà máy về cho Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn.
Lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 10 ước thực hiện đạt 1.100 nghìn tấn, bằng 94,5% so với tháng trước, lũy kế đạt 90,5% kế hoạch năn 2009; Xuất khẩu tháng 10 ước thực hiện đạt 1.200 nghìn tấn, bằng 112% so với lượng xuất khẩu tháng 9, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt trên 100% kế hoạch xuất khẩu năm 2009.
b. Sắt thép:
Kể từ tháng 9 đến nay, mặc dù thu nhận nhiều tín hiệu tích cực từ phía nền kinh tế thế giới, song thị trường thép vẫn khá ổn định. Giá nguyên liệu thép thế giới đang có dấu hiệu chững lại. Giá phôi thép tại các thị trường duy trì ở mức 485 – 500USD/tấn FOB (phôi nguồn CIS), 505 – 520USD/tấn CFR (Đông Nam Á).
Tại thị trường trong nước, do sự tăng mạnh của nhu cầu tiêu thụ đã khiến thị trường thép có những tăng trưởng tích cực. Giá thép trên các thị trường trong cả nước hiện phổ biến ở mức 12 – 12,7 triệu đồng/tấn (miền Bắc) và 12,3 – 13,2 triệu đồng/tấn (miền Nam).
Về cung – cầu: sản lượng thép tháng 10 trên cả nước dự kiến đạt khoảng 360.000 tấn, tăng nhẹ so mức tháng 9. Theo đó, tính đến tháng 10, dự kiến lượng sản xuất thép kể từ đầu năm đến nay đạt khoảng 3,3 triệu tấn. Cho đến nay, lượng tiêu thụ thép tiếp tục tăng lên tích cực. Dự kiến lượng thép tiêu thụ tháng 10 đạt khoảng 360.000 tấn, đưa lượng thép tiêu thụ cả nước trong 10 tháng đạt mức trên 3,4 triệu tấn. Lượng tồn kho thép hiện ở mức 160.000 tấn thành phẩm và khoảng 440.000 tấn phôi.
c. Xi măng:
Cuối tháng 9, đầu tháng 10, thời tiết mưa bão tại miền Trung và Tây Nguyên đã khiến hoạt động tiêu thụ xi măng không thuận lợi. Theo Bộ Xây dựng, lượng xi măng tiêu thụ trong nước tháng 10 giảm nhẹ so với tháng 9, ước đạt 3,2 triệu tấn, giảm 0,72 triệu tấn so với tháng 9. Giá bán xi măng trên thị trường phía Bắc ổn định, từ 860.000 - 1.1000.000 đồng, phía Nam từ 1.040.000-1.360.000 đồng/kg.
Các tháng còn lại của năm, do bắt đầu vào mùa khô nên nhu cầu tiêu thụ xi măng trên thị trường dự báo sẽ tăng. Do một số nhà máy đang triển khai đầu tư chậm tiến độ nên ước cả năm 2009 phải nhập 2,5 triệu tấn clinker. Tuy nhiên, với năng lực sản xuất hiện có, dự báo giá bán xi măng tiếp tục ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu
d. Phân bón:
Tháng 10/2009, giá chào phân bón trên thị trường thế giới giảm so với tháng 9, ở mức 235-245 USD/tấn FOB, nguồn cung dồi dào. Trong nước, do nhu cầu tiêu thụ thấp, tồn kho còn nhiều nên lượng nhập khẩu giảm. Giá bán lẻ urê nhập khẩu phổ biến ở mức 6.300-6.400 đồng/kg, giá bán lẻ urê Phú Mỹ phổ biến ở mức 5.900-6.100 đồng/kg, giảm 100-200 đồng so với tháng trước. Tháng 10/2009, lượng phân ure nhập khẩu ước đạt 120 nghìn tấn, giảm 35,8% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng, lượng nhập khẩu đạt 1.204 nghìn tấn, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo trong thời gian tới, cùng với việc bỏ hạn ngạch xuất khẩu phân bón, Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu trở lại, nhu cầu tiêu thụ trong nước bắt đầu tăng sẽ nâng đỡ giá phân bón, tuy nhiên do nguồn cung dồi dào và xu hướng ổn định của giá thế giới nên giá phân bón trong nước sẽ ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM
1. Về phát triển ngành du lịch
- Cần tiếp tục triển khai “Chương trình Ấn tượng Việt Nam” để thu hút sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp; Triển khai Chương trình Hành động Quốc gia về du lịch theo kế hoạch.
- Đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2006 – 2010 để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn và xây dựng chiến lược phát triển du lịch cho thời kỳ tiếp sau.
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các điểm du lịch có quy mô vừa và nhỏ nhằm sớm đưa vào khai thác, hoạt động.
- Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch mới, đa dạng, khai thác tiềm năng, đặc thù của từng vùng, miền. Tập trung hỗ trợ, phát triển hạ tầng du lịch cấp tỉnh.
- Tăng cường phối hợp giữa trung ương và địa phương trong hợp tác quốc tế, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện truyền thông quốc tế nhằm cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
- Đẩy mạnh quảng bá tại các thị trường chính, tích cực chuẩn bị các sự kiện du lịch có liên quan đến sự kiến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
2. Về xuất, nhập khẩu hàng hóa:
- Tiếp tục tạo các thủ tục thuận lợi cho doanh nghiệp được vay vốn từ chính sách hỗ trợ lãi suất 4%/năm để phát triển sản xuất, xuất khẩu đặc biệt đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực gồm thủy sản, gạo, cà phê, dệt may, da giày, sản phẩm gỗ...
- Tiếp tục điều chỉnh lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường. Đây là biện pháp hữu hiệu để kích cầu và thúc đẩy sản xuất.
- Xúc tiến xuất khẩu hàng hoá, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực ít bị tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế.
- Điều hành linh hoạt hoạt động buôn bán biên mậu theo hướng khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, cân đối nguồn nguyên liệu nhập khẩu
3. Về phát triển thị trường trong nước:
3.1. Giải pháp chung:
- Theo dõi sát tình hình cung – cầu, giá cả các mặt hàng trên thị trường để có những biện pháp điều hành kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo bình ổn thị trường.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường, đặc biệt là kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và hàng hóa nhập khẩu, tránh hiện tượng nhập lậu qua biên giới trong những thời điểm cuối năm.
3.2. Giải pháp cụ thể với các mặt hàng trọng yếu:
a. Xăng dầu:
- Theo dõi chặt diễn biến tình hình thị trường thế giới để có những điều hành linh hoạt, phù hợp (cả về mức thuế và giá).
b. Sắt thép:
- Tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp nhập lậu đặc biệt trong những tháng cuối năm, gây biến động thị trường, ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép trong nước.
c. Xi măng:
- Theo dõi chặt chẽ thị trường, đảm bảo đủ nguồn clinker để sản xuất, sẵn sàng đáp ứng tốt nhất nhu cầu xây dựng cuối năm tại các khu vực trong cả nước.
d. Phân bón:
- Theo dõi những biến động của giá phân bón thế giới để có những điều hành cung – cầu phù hợp, đảm bảo đủ nguồn cungcho sản xuất./.
File đính kèm: BaocaoTMDVT10.09.pdf
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư