Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/10/2009-10:09:00 AM
Báo cáo một số vấn đề nổi lên trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp tháng 10 và 10 tháng năm 2009
1. Tình hình chung:
Từ đầu năm tới nay khu vực Miền Trung phải gánh chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng, khô hạn kéo dài, Tây Nguyên bị hạn, thiếu nước, mưa lũ ở Miền Trung đầu tháng 9 gây ngập úng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, cơ bão số 9 gây thiệt hại nặng cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, giá cả nhiều nông sản giảm mạnh từ cuối năm 2008, sản xuất không có lãi hoặc lãi ít, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn,...
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục tác động mạnh đến ngành nông nghiệp đang là ngành sản xuất hướng mạnh ra xuất khẩu. Giá nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới đã giảm mạnh (giá các mặt hàng nông sản chủ lực giảm từ 20-50%), kim ngạch xuất khẩu lâm sản, thủy sản gặp khó khăn, đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước; môi trường cạnh tranh trên thế giới và trong nước gay gắt hơn.
2. Sản xuất một số cây trồng chính:
Các tỉnh Miền Bắc: tính đến ngày 15/10/2009 đã thu hoạch 885,1 nghìn ha lúa mùa, chiếm 74,6% diện tích gieo cấy, trong đó các tỉnh vùng ĐBSH đã thu hoạch gần 80% diện tích trong điều kiện thuận lợi, vùng Đông Bắc thu hoạch 72% và vùng Tây Bắc thu hoạch 43% diện tích gieo cấy. Các tỉnh Bắc Trung bộ thu hoạch đạt 85,3% diện tích gieo cấy trong điều kiện gặt chạy lụt do ảnh hưởng của bão số 9. Nhìn chung tốc độ thu hoạch lúa mùa ở các vùng đều nhanh hơn cùng kỳ năm trước 15-27%, tạo điều kiện giải phóng đất gieo trồng cây vụ đông.
Bên cạnh việc thu hoạch sớm lúa mùa, thời tiết trong tháng cũng rất thuận lợi cho việc triển khai gieo trồng cây vụ đông. Tính đến trung tuần tháng 10, các địa phương miền Bắc đã gieo trồng được 331.7 nghìn ha cây vụ đông bằng 98,3% cùng kỳ năm trước, trong đó cây ngô đạt 137.3 nghìn ha bằng 95,7%, đậu tương đạt 72,8 nghìn ha, tăng 5,9%, rau các loại đạt 69,5 nghìn ha, tăng 1,3%, khoai lang, lạc đều đạt hơn 86% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng chú ý trong vụ đông năm nay là các địa phương có điều kiện chủ động trong việc bố trí thời vụ gieo trồng hợp lý, trừ cây ngô thời vụ gieo trồng không nhiều, các cây trồng khác thời vụ đang còn khá dài. Dự kiến diện gieo trồng các cây vụ đông sẽ tăng nhanh trong nửa cuối tháng 10 và trong các tháng 11 và 12 tới.
Các tỉnh Miền Nam: cơ bản đã kết thúc thu hoạch lúa hè thu/thu đông, chuyển trọng tâm sang xuống giống lúa vụ mùa và vụ đông xuân sớm. Tính đến ngày 15/10/2009, các địa phương đã xuống giống hơn 750 nghìn ha lúa mùa sớm và hơn 220 nghìn ha lúa đông xuân sớm. Tốc độ xuống giớng lúa mùa đạt sấp xỉ cùng kỳ năm trước, còn lúa đông xuân chỉ bằng 94,3% cùng kỳ. Riêng các tỉnh ĐBSCL, diện tích xuống giống lúa mùa đạt gần 410 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước, còn lúa đông xuân mới xuống giống đạt 145 nghìn ha, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài lúa, trong tháng các địa phương tiếp tục gieo trồng và thu hoạch rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày vụ hè thu và vụ mùa. Tính đến ngày 15/10/2009, tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông tương đương cùng kỳ 2008, trong đó ngô đạt 145 nghìn ha, khoang lang 36 nghìn ha, đậu tương 69 nghìn ha, rau, đậu các loại 70 ha.
Nếu thuận lợi về thời tiết, sản lượng thóc năm 2009 ước đạt 39,2 triệu tấn, tăng khoảng 1,1% so với năm 2008, đảm bảo được an ninh lương thực trong nước (BQ đầu người đạt 505 kg) và thực hiện được chỉ tiêu xuất khẩu gạo 5,5 - 6,0 triệu tấn. Ngô tiếp tục phát triển tốt; Diện tích ngô ước đạt 1.170 nghìn ha, tăng khoảng 3,9% so với 2008; sản lượng ước đạt 5 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2008, vượt 0,5 triệu tấn so với kế hoạch 2009. Tính chung, sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 44,2 triệu tấn (Quốc hội thông qua là 43 triệu tấn), tăng 0,7 triệu tấn so với năm 2008.
Diện tích một số cây ăn quả vẫn tăng 820.000 ha, chủ yếu là cây có múi, xoài do nhu cầu trong nước tăng. Một số cây khác do quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khó khăn về thị trường nên diện tích giảm. Nhãn giảm 10 nghìn ha, dứa giảm 4.600 ha, vải, trôm trôm giảm 2.400 ha so với năm trước.
Cà phê:
Thời tiết năm nay thuận lợi cho phát triển cà phê. Giá cà phê nhân khoảng 25.000 đồng/kg, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là mức khá cao, người trồng cà phê vẫn có lãi (lãi khoảng 25%). Diện tích cà phê năm 2009 ước đạt 527 nghìn ha, chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, năng suất gần 2,1 tấn/ha, sản lượng ước đạt 1.109 nghìn tấn, tăng 53,2 nghìn tấn so với 2008, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội thông qua là 980 nghìn tấn. Các tỉnh miền núi phía Bắc trồng mới 460 ha cà phê chè.
Cao su:
Nhu cầu tiêu thụ cao su giảm nên giá giảm. Tính bình quân 9 tháng, giá xuất khẩu cao su khoảng 25-26 triệu đồng/tấn mủ khô, giá thành cao su ở các công ty khoảng 21-23 triệu đồng (lương công nhân giảm theo, tiết kiệm chi phí sản xuất nên giá thành giảm), giá thành cao su tiểu điền vào khoảng 15-17 triệu đồng/tấn mủ khô, người sản xuất vẫn có lãi tuy có giảm nhiều so với năm 2008. Thời tiết năm nay thuận lợi cho phát triển cây cao su. Diện tích cao su năm 2009 ước đạt 648 nghìn ha, năng suất 17 tạ/ha, sản lượng 710 nghìn tấn vượt so với mục tiêu kế hoạch do Quốc hội thông qua là 646 nghìn tấn.
Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở các tỉnh phía Bắc:
- Trên lúa Hè thu: tại Nghệ An bệnh phát sinh gây hại nặng 4035 ha, trong đó có hàng nghìn ha bị nhiễm rất nặng cần phải tiêu huỷ. Tính đến ngày 10/10 đã tiêu huỷ 3564 ha chuyển trồng ngô và một số cây màu khác. Ngoài ra, trên địa bàn các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Ninh Bình, Hải Phòng, Hoà Bình, Quảng Ninh lúa bị hại trên diện tích hẹp. Diện tích nhiễm trên 22130 ha, trong đó đã có 6873 ha bị mất trắng.
- Trên lúa mùa: tổng diện tích nhiễm 8790 ha, trong đó có 5740 ha nhiễm nặng, tập trung ở các tỉnh Nghệ An (tính đến 12/10 nhiễm 7849 ha, đã tiêu huỷ 1697 ha), Thanh Hoá diện tích bị nhiễm 942 ha, đã tiêu huỷ 114 ha.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo nghiên cứu các nguyên nhân gây bệnh để đề xuất biện pháp xử lý tận gốc nguồn bệnh.
3. Chăn nuôi:
Sản xuất chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2009 phát triển tốt hơn so với cùng kỳ 2008. Giá cả thức ăn và giá bán sản phẩm tương đối ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi tiếp tục phát triển.
Tình hình chăn nuôi gia súc ăn cỏ không có biến động lớn, dịch bệnh LMLM được kiểm soát, chăn nuôi de, cừu, bò sữa thuận lợi. Giá sữa tươi thu mua cho nông dân đang ổn định ở mức 7.400-8.100 đồng/lít có lợi cho nông dân. Công ty sữa Quốc tế triển khai vùng nguyên liệu sữa bò tại Ba Vì, hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa và bán sữa cho Công ty.
Tình hình dịch bệnh:
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 19/10/2009, không có ổ dịch mới phát sinh, cả nước không còn địa phương nào có dịch cúm gia cầm. Về dịch LMLM, hiện cả nước còn 11 tỉnh là: Quảng Nam, Đắc Nông, Tuyên Quang, Đắc Lắc, Nghệ An, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Quảng Ninh, Gia Lai và Hoà Bình có dịch LMLM chưa qua 21 ngày. Về dịch tai xanh ở lợn, hiện không có ổ dịch mới phát sinh, cả nước không còn địa phương nào có ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Lãnh đạo Cục Thú y, các cơ quan thú y vùng đi chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.
4. Lâm nghiệp:
Tính đến ngày 22/10/2009, diện tích trồng rừng tập trung trên cả nước là 172,2 nghìn ha, đạt 75,8% kế hoạch, tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 40,4 nghìn ha, tăng 59,2% so cùng kỳ năm trước và đạt 78,8% kế hoạch. Chăm sóc rừng trồng đạt 219 nghìn ha, tăng 46,3% kế hoạch và bằng 89,8% so cùng kỳ năm trước. Trồng cây nhân dân đạt 170 triệu cây, bằng 85% kế hoạch và bằng 98,8% so cùng kỳ năm trước. Khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng dặm đạt 754,4 nghìn ha, vượt 49,1% kế hoạch và bằng 116,2% so cùng kỳ năm trước. Khoán bảo vệ rừng đạt 2516,4 nghìn ha, vượt 65,1% kế hoạch và bằng 118,3% so cùng kỳ năm trước. Thực hiện khai thác gỗ đạt 2955 nghìn m3, đạt 67,5% kế hoạch, tăng 7% so cùng kỳ năm trước.
5. Thuỷ sản:
Khai thác thủy sản:
Hoạt động khai thác trên biển trong tháng của các tàu bị giảm. Nguyên nhân sản lượng thuỷ sản đánh bắt giảm so với tháng trước là do giá các loại thuỷ hải sản tiếp tục giảm mạnh, chi phí đầu vào tăng và tình hình khai thác bị ảnh hưởng của các đợt bão, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi. Tình hình tàu của một số địa phương bị phía nước ngoài bắt giữ khi đang đánh bắt trên biển vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến việc bám biển sản xuất của ngư dân. Các nghề khai thác chính như lưới cản, lưới vây…đạt sản lượng trung bình. Tuy nhiên, do giá dầu tăng đã kéo theo chi phí chuyến biển tăng cao, trong khi giá thu mua không tăng nên ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân.
Tháng 10 ước đạt 155 nghìn tấn. ước sản lượng khai thác 10 tháng đạt 1833 nghìn tấn đạt 83,3% so kế hoạch, tăng 4,6% so cùng kỳ. Trong đó khai thác biển ước đạt 1.682 nghìn tấn, khai thác nội địa ước đạt 151 nghìn tấn.
Nuôi trồng thủy sản:
Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 10 đạt 200 nghìn tấn, 10 tháng đạt 2145 nghìn tấn, tăng 89,4% so với kế hoạch, tăng 3,8% so cùng kỳ 2008. Nuôi cá tra tại các địa phương tháng 10 có lãi thấp, giá thành sản xuất khoảng 14.500-15000 đồng/kg, người nuôi có lãi 500-1000 đồng/kg hoặc hoà vốn.
6. Giá cả thị trường:
Lương thực: Giá lúa gạo nhìn chung không có biến động lớn. Giá lúa tăng nhẹ so với tháng trước, lúa tẻ thường phổ biến ở mức 3.600-4.900 tùy loại.
Thịt lợn: đứng giá so với tháng trước: lợn hơi khoảng 28.000-30.000đ/kg, giá lợn đùi giảm ở mức 60.000đ/kg, giá thịt nạc vai 62.000đ/kg, thịt rọi 55.000đ/kg.
Các loại thực phẩm khác không nhiều biến động: giá các loại thịt gà, bò, tôm, cá ít biến động: vịt hơi khoảng 18.000-20.000đ/kg (giảm nhẹ), giá thịt bò khoảng 90.000-100.000 ngàn đ/kg (đứng giá), thịt gà hơi 70.000đ/kg (giảm đứng giá); tôm càng xanh khoảng 160 ngàn/kg; cá tra 22.000đ/kg; cá diêu hồng 28.000-30.000 đ/kg.
Giá các loại rau xanh nhìn chung tăng nhẹ so với tháng trước: Cải xanh 5.000đ/kg (tăng 500đ/kg); rau cải ngọt 5.000đ/kg (tăng 1.000đ/kg), rau muống 5.000đ/kg (giảm 1.000đ/kg), xà lách 5.000đ/kg (giảm 2.000đ/kg), hành tươi 5.000đ/kg (giảm 1.000đ/kg), cà chua 7.000đ/kg (tăng 1.000đ/kg).
Giá phân bón trong nước giảm đáng kể: Giá urê Trung Quốc khoảng 5.360đ/kg (giảm 400đ/kg), giá Urê Phú Mỹ sản xuất 5.400đ/kg (giảm 400đ/kg), Urê Liên Xô 6.000đ/kg (đứng giá); phân lân 10.500-11.400đ/kg (đứng giá); phân DAP (Philipin nhập khẩu) 12.400đ/kg (giảm 600đ/kg), DAP Trung Quốc 7.000đ/kg (giảm 400đ/kg)
7. Tình hình thiên tai
Tình hình thiệt hại cơn bão số 9 từ ngày 28/9-3/10/2009 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. ước tính thiệt hại về người và của như sau:
- 172 người chết (Hà Tĩnh 5; Quảng Bình 2; Quảng Trị 10; TT- Huế 15; Đà Nẵng 8; Quảng Nam 30; Quảng Ngãi 36; Bình Định 9; Kon Tum 50), số người bị thương là 860 người, nguyên nhân chủ yếu do mưa, lũ và gió quá lớn.
- Diện tích rau màu bị thiệt hại 54.613 ha, diện tích ao, hồ, tôm cá vỡ 3.225 ha, cá tôm bị mất 17.555 tấn, trâu bò chết 16.700 con.
Khối lượng đất đá, trôi, sạt lở: 1.266.708m3. Khối lượng đất đá, trôi, sạt lở: 6.500.878m3.
Ước tổng thiệt hại do cơn bã số 9 gây ra:14.312 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương bị thiết hại do bão là 626 tỷ đồng và 17.000 tấn gạo.
8. Tình hình thực hiện vốn đầu tư XDCB (Phần do Bộ NN-PTNT quản lý).
Tình hình thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung .
Tình hình thực hiện khối lượng xây dựng cơ bản và giải ngân vốn ngân sách tập trung do Bộ Nông nghiệp & PTNT quản lí thực hiện tháng 10 và10 tháng năm 2009 như sau:
Khối thuỷ lợi: Khối lượng thực hiện 10 tháng ước đạt 1.863 tỷ đồng, bằng125,6% kế hoạch, trong đó:
Các dự án nhóm A, các dự án ODA đạt 2.210 tỷ đồng, bằng 98% kế hoạch, trong đó có các dự án thực hiện cao như dự án ADB3, WB3, WB4, dự án Phan Rí - Phan Thiết, tuy nhiên còn một số tiến độ triển khai thực hiện thấp chưa đạt mục tiêu tiến độ yêu cầu : Dự án ADB4, dự án Phước Hoà;
Khối Nông nghiệp: Khối lượng thực hiện 10 tháng ước đạt 379,2tỷ đồng, bằng 76,9% so với kế hoạch; Trong đó, các dự án có khối lượng thực hiện và giải ngân cao : Dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai vay vốn ADB. Dự án Phát triển chè và cây ăn quả, dự án Đa dạng hoá nông nghiệp đang thực hiện công tác hoàn thiện quyết toán dự án và trình Chính phủ các thủ tục để tiến hành đàm phán với nhà tài trợ giai đoạn 2 của dự án;
Các Dự án Khoa học và công nghệ nông nghiệp, Các tiểu dự án thuộc chương trình Phát triển ngành nông nghiệp, Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung có khối lượng thực hiện và giải ngân thấp;
Khối Lâm nghiệp: Khối lượng thực hiên 10 tháng ước đạt 123,6 tỷ đồng, bằng 53,7% kế hoạch;Các dự án ODA có tiến độ thực hiện cao : dự án Trồng rừng phòng hộ các tỉnh Miền Trung (vay vốn JBIC), dự án Phát triển lâm nghiệp tại 4 tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế;
Một số dự án khối lượng thực hiện và giải ngân thấp: Dự án Phát triển lâm nghiệp và cải thiện đời sống đồng bào Tây Nguyên, Dự án Phát triển lâm nghiệp các tỉnh Sơn La -Hoà Bình, các dự án nhóm B, C, các dự án của các vườn Quốc gia sử dụng vốn trong nước đạt kết quả thấp;
Khối Thuỷ sản: Khối lượng ước đạt 25,5 tỷ đồng, bằng 106,2% kế hoạch; Các dự án xây dựng các Cảng cá, Khu neo đậu tránh trú bão của tàu đánh bắt xa bờ đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công; Tuy nhiên, các dự án Nâng cấp và mở rộng Trung tâm Chất lượng, an toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản tại các vùng đều thực hiện và giải ngân chậm;
Các công trình thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ
Khối lượng thực hiện 10 tháng ước đạt 2.345,7 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch, giải ngân 1.934 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch, trong đó:
- Các công trình theo quyết định 171/2006/QĐ- TTg : Khối lượng ước đạt 2.075,6 tỷ đồng, bằng 61,9% kế hoạch, gồm:
- Các dự án cấp bách bổ sung: Khối lượng thực hiện ước đạt 125,9 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch;
- Các dự án đồng bằng sông Hồng: Khối lượng ước đạt 144,2 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch.
9. Nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm:
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng, chủ động phòng chống rét trâu, bò trong mùa đông năm 2009.
- Tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của một số ngành hàng có số lượng lớn đang bị giảm giá và khó tiêu thụ như lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản, đồ gỗ nhằm duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất và đảm bảo kim ngạch xuất khẩu năm 2009.
- Triển khai các nhiệm vụ về trồng và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, chặt phá rừng trái pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách, nhất là từ các gói kích cầu đầu tư của Chính phủ.
- Tăng cường thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo lâu dài cho các vùng khó khăn và các hộ dễ bị tổn thương, thực hiện các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc nghèo./.

File đính kèm:
NongnghiepT10.09.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1446
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)