Kinh tế Việt Nam năm 2009 đạt được thành công lớn. Theo ông,bài học rút ra được trong điều hành chính sách kinh tế năm qua là gì?
Ông Nguyễn Đức Hòa: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2009 nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,32%; lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2009 so với tháng 12/2008 tăng 6,52%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,4% năm 2008 xuống 12,3% năm 2009.
Từ thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 có thể rút ra 5 bài học quý báu.
Bài học thứ nhất là chủ động phân tích, dự báo tình hình; kịp thời đề ra chủ trương, chính sách và giải pháp phù hợp đồng thời chỉ đạo điều hành nhạy bén, linh hoạt, tập trung và quyết liệt.
Để triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, ngày 11/12/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP và ngày 9/01/2009 ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Trước diễn biến kinh tế những tháng đầu năm, ngày 6/4/2009, Bộ Chính trị đã ra Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2009 và các giải pháp chủ yếu đến cuối năm 2009; ngày 19/6/2009, kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XII đã ra Nghị quyết số 32/2009/QH12 điều chỉnh mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009.
Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ và các cấp, các ngành cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với tình hình mới và sớm đưa vào triển khai thực hiện.
Bài học thứ hai chính là lựa chọn tốc độ tăng trưởng kinh tế phải gắn với giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Đến lượt mình, tăng trưởng kinh tế tạo ra nguồn lực để ổn định kinh tế vĩ mô trên một trình độ mới.
Tuy nhiên, đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam và trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như năm 2009, nếu lựa chọn mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng cao có thể sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Trước tình hình này, lựa chọn tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững để giữ ổn định kinh tế vĩ mô là lựa chọn sáng suốt và phù hợp.
Tập trung ứng phó với suy giảm kinh tế phải đặc biệt quan tâm giữ vững mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội là bài học thứ ba rút ra được từ điều hành chính sách kinh tế năm vừa qua.
Trong hoàn cảnh kinh tế suy giảm, nhiều nước đang phát triển đã chuyển từ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội sang chiến lược tập trung tăng trưởng kinh tế. Theo chiến lược này, việc giải quyết các vấn đề xã hội vẫn được quan tâm, nhưng luôn là vấn đề đi sau chứ không phải là mũi nhọn của chiến lược.
Ở Việt Nam, mặc dù năm 2009 kinh tế chỉ tăng 5,32% nhưng chúng ta vẫn giữ vững mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ vậy, đời sống dân cư ổn định và có phần cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,4% năm 2008 xuống còn 12,3% năm 2009. Từ đó tạo thêm niềm tin của nhân dân, sự đồng thuận của xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ.
Bài học thứ tư là tập trung phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài vừa là định hướng, vừa là giải pháp có tính lâu dài đã được triển khai thực hiện trong suốt hơn 20 năm đổi mới vừa qua.
Bài học thành công của năm 2009 chính là ở chỗ cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng như toàn thể nhân dân đã nhận thức và triển khai thực hiện có hiệu quả định hướng, chính sách kinh tế này.
Cuối cùng, việc phát huy mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để các tầng lớp dân cư nhận thức và cùng chia sẻ khó khăn, tạo động lực tinh thần và sự thống nhất, nhất trí cao trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội cũng là bài học quý báu rút ra được trong năm qua.
Năm 2010 kinh tế Việt Nam được dự báo với nhiều yếu tố khả quan hơn năm 2009 với mục tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,5%, vậy động lực cho mức tăng trưởng này đến từ khu vực kinh tế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hòa: Những thắng lợi tương đối toàn diện đạt được trong năm 2009 đã tạo thêm tiềm lực vật chất, tinh thần và kinh nghiệm để bước vào thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 được kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XII thông qua với 18 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nuớc (GDP) tăng 6,5%.
Đây là mục tiêu cao, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của toàn xã hội. Tại thời điểm hiện nay rất khó xác định động lực tăng trưởng kinh tế năm 2010 của Việt Nam sẽ đến từ khu vực kinh tế nào vì cả ba khu vực đều có tiềm năng và thế mạnh, nhưng đồng thời cũng đều tiềm ẩn những yếu tố bất trắc, khó lường. Tuy nhiên, có thể dự đoán khái quát khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2010 sẽ phục hồi nhanh hơn và đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế năm 2010.
Khu vực dịch vụ năm 2009 đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP, năm 2010 có thể không giữ được vị trí này, nhưng vẫn là khu vực có đóng góp cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản với tỷ trọng chỉ chiếm khoảng 20% GDP, nhưng sự phát triển ổn định của khu vực này có vị trí đặc biệt quan trọng đối với bảo đảm an sinh xã hội vì Việt Nam có tới 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Ông có thể cho biết, để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 đã đề ra, chúng ta phải làm tốt những vấn đề gì?
Ông Nguyễn Đức Hòa: Như trên đã đề cập, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 rất nặng nề. Để thực hiện thành công, chúng ta phải tổng kết, đúc rút các bài học kinh nghiệm của năm 2009 để vận dụng và phát huy tốt hơn nữa. Đồng thời khẩn trương triển khai 12 nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 36/2009/QH12 ngày 6/11/2009 của Quốc hội và 8 nhóm giải pháp trong Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/01/2010 của Chính phủ.
Trong số các giải pháp, theo tôi cần đặc biệt chú trọng một số vấn đề cụ thể. Đó là tiếp tục chủ động ngăn chặn lạm phát cao trở lại vì trong nền kinh tế Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng giá.
Kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi nên nhu cầu hàng hóa sẽ tăng nhanh; những gói kích thích kinh tế lớn của nhiều nền kinh tế chắc chắn sẽ gây hệ lụy tăng giá một số loại hàng hóa mà Việt Nam thường phải nhập khẩu với khối lượng lớn. Mặt khác, chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khoá mở rộng mà Chính phủ thực hiện trong năm 2009 và còn đang duy trì cũng sẽ là một trong những nhân tố tác động làm gia tăng tốc độ tăng giá.
Các bộ ngành, địa phương cũng như giới doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội kinh tế thế giới phục hồi để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh việc giữ vững thị trường truyền thống, cần tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, đặc biệt là thị trường không đòi hỏi hàng hóa chất lượng quá cao hoặc không có hàng rào kỹ thuật khắt khe đối với hàng hóa Việt Nam.
Một số giải pháp khác cần làm theo tôi là chú trọng xây dựng mạng lưới phân phối và bán lẻ hàng hóa trong nước để khai thác tốt thị trường nội địa với sức mua của 86 triệu dân; khẩn trương xây dựng và triển khai các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nông dân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ phục vụ nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông nghiệp cần được tăng cường; đẩy mạnh công tác quy hoạch kinh tế-xã hội vùng và địa phương.
Tăng cường phối hợp liên kết các địa phương, liên kết vùng nhằm phát huy sức mạnh liên vùng, liên tỉnh, thành phố; đồng thời khắc phục hạn chế của mỗi địa phương, mỗi vùng, từ đó tạo sức tăng trưởng mạnh, hiệu quả và bền vững.
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 01/4/2009 cho thấy Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, xin ông cho biết cần có các chính sách gì để tận dụng cơ hội này?
Ông Nguyễn Đức Hòa: Kết quả suy rộng từ điều tra mẫu trong Tổng điều tra dân số và nhà ở 01/4/2009 cho thấy tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-60 tuổi) chiếm 66%; tỷ trọng dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi) chiếm 34%. Các chuyên gia nhân khẩu học đánh giá Việt Nam đang có cơ cấu dân số tối ưu hay còn gọi là “cơ cấu dân số vàng”.
Để tận dụng cơ hội “vàng” này, cần triển khai nhiều chính sách và giải pháp đồng bộ, hiệu quả, trong đó trọng tâm là một số nhóm giải pháp cần tập trung chú ý.
Trước hết, cần phải thực hiện các chính sách, giải pháp sử dụng tối đa, hiệu quả nguồn lao động, giảm nhanh tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đang ở mức cao hiện nay; gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động bởi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đến nay chủ yếu vẫn là mô hình dựa vào tăng khối lượng các nguồn lực, nhất là lao động và vốn đầu tư.
Để thực hiện được mục tiêu này phải đẩy mạnh đầu tư, phát triển thêm nhiều ngành, nghề mới, tạo thêm chỗ làm việc mới, nhất là ở khu vực nông thôn. Đồng thời tìm kiếm và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động; tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở nước ngoài để đưa lao động tới làm việc.
Tiếp theo, cần tăng cường đào tạo chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cho người lao động vì trong thời đại tiến bộ khoa học và công nghệ hiện nay, người ta chú trọng hàm lượng chất xám của lao động hơn là khai thác số lượng lao động.
Trong khi đó, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật của Việt Nam tuy đã tăng lên nhưng đến nay mới chiếm 13,4% tổng người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 2,6% trình độ sơ cấp nghề; 4,7% trình độ trung cấp; 1,6% cao đẳng; 4,2% đại học và 0,2% trên đại học. Có những vùng tỷ lệ lao động qua đào tạo rất thấp như vùng Tây Nguyên tính chung mới đạt 9,8%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 6,6%.
Theo kinh nghiệm của các nước, thời kỳ dân số vàng thường kéo dài từ 15-40 năm, tuỳ thuộc chính sách dân số của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, tỷ lệ tăng dân số bình quân mỗi năm trong 10 năm 1999-2009 là 1,2%, nhưng một số vùng vẫn có tỷ suất sinh cao. Do vậy, phải tiếp tục thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình nhằm duy trì tốc độ tăng dân số hợp lý./.
Xin cảm ơn ông !