Dự thảo đầu tiên về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 được công bố hôm nay được xây dựng trên các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường với mục tiêu tăng trưởng bình quân 7 - 8%/năm.
|
Theo Dự thảo, giai đoạn 2011 - 2015, GDP tăng trưởng bình quân từ 7 - 8%/năm
|
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo tham vấn cho Dự thảo phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Đây là Dự thảo đầu tiên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố và đưa ra lấy ý kiến đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các Viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội.
Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến lần này gồm 111 trang báo cáo chính và gần 60 trang phụ lục báo cáo với 2 nội dung chính là kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và kế hoạch phát triển2011-2015.
Kế hoạchnày được xây dựng trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.
Về kinh tế, các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn này là GDP bình quân 5 năm tăng 7%-8%/năm, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân 12%/năm,tỷ trọng đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015 khoảng 40-41% GDP.GDP năm 2015 đạt khoảng 200 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.100 USD, gấp 1,7 lần năm 2010.
Về xã hội, chỉ tiêu chủ yếu tới 2015 là tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 55%, quy mô dân số là 93 triệu người, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm 2%/năm, tỷ lệ thất nghiệp thành thị khoảng 4%.
Về môi trường, chỉ tiêu chủ yếu đặt ra tới năm 2015 là tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 42,5%, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch hợp vệ sinh khoảng 96%, dân cư thành thị được cung cấp nước sạch khoảng 98%....
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc xác định và dự báo được các mốc phát triển và chỉ tiêu mang tính đột phá cho kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm tới là rất khó.
Dự thảo cũng cần giải bài toán là làm sao cụ thể hoá được 2 giai đoạn của chiến lược phát triển 10 năm 2011-2020 khi mà Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 của nước ta là trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình.
Theo đánh giá tổng quát của Dự thảo, một số thành tựu chủ yếu đạt được trong giai đoạn 5 năm 2006-2010 là kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định; duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế (dự kiến bình quân 5 năm đạt khoảng 6,9%; GDP theo đầu người dự tính đến 2010 sẽ vượt mục tiêu đề ra và đưa nước ta ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp (dự kiến đạt 1.200 USD/đầu người)…
|
Theo một số ý kiến, Kế hoạch 5 năm cần tính tới 3 đột phá: hạ tầng đô thị, lao động nhân lực (nhất là lao động chất lượng cao) và cải cách thủ tục hành chính.
Mảng cải cách hành chính có ý nghĩa quan trọng để tạo môi trường kinh doanh, tháo dỡ rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp và chống tham nhũng. Hạ tầng cần tập trung vào một số lĩnh vực khi một số điểm hiện nay vẫn còn dàn trải, đặc biệt là vấn đề cảng biển, sân bay...
Các vấn đề thảo luận còn tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu, nhất là vấn đề về nâng giá trị gia tăng của ngành trong GDP, vấn đề tăng chỉ số hàm lượng công nghệ v.v. Nhiều đại biểu cho rằng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, cần xem xét sản phẩm cốt lõi quyết định sự phát triển của nền kinh tế để có chính sách ưu tiên...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011-2015 sẽ còn tiếp tục được đưa ra tham vấn cho đến khi hoàn thiện. Nội dung Kế hoạch phát triển này sẽ được đưa vào Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ được tổ chức vào tháng 1/2011.
Như đã đưa tin, đầu tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 751/CT-TTg về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề cương Kế hoạch này, trong đó nêu rõ mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.../.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ