Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/07/2019-19:58:00 PM
Học tập kinh nghiệm quốc tế xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025
(MPI) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ Biên tập đã dẫn đầu Đoàn công tác đi khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Pháp và E-xtô-ni-a từ ngày 03/7/2019 đến ngày 09/7/2019.

Đoàn Việt Nam tại Cuộc họpvề MDCR. Ảnh: MPI

Ngày 05/7/2019, tại Trụ sở của OECD, ở Paris, Đoàn đã có buổi làm việc với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) của Việt Nam. Báo cáo Đánh giá ban đầu MDCR của Việt Nam do Trung tâm Phát triển của OECD soạn thảo đã được trình bày, thu nhận các ý kiến góp ý từ hai phản biện chính là đại diện của Thái Lan và Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, đại diện các quốc gia thành viên khác của MLC-MDCR là Bra-xin, Cốt-xta Ri-ca, Ca-dắc-xtan, Mê-hi-cô, Phần Lan và các cơ quan chức năng của OECD cũng tham gia góp ý. MDCR của OECD cung cấp các công cụ để quốc gia đề ra các ưu tiên và đi tới hành động trên cơ sở phân tích có căn cứ vững chắc và các kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn quốc tế.

MDCR của Việt Nam sẽ hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 thông qua việc xác định các hạn chế đối với phát triển ở Việt Nam và các lĩnh vực ưu tiên hành động để kết nối năng lực cạnh tranh kinh tế với các mục tiêu xã hội và phúc lợi. Đồng thời, làm cho kiến thức chuyên môn của OECD trở nên sẵn có trong các lĩnh vực trọng tâm có tầm quan trọng cấp thiết đối với Việt Nam (nâng cấp công nghiệp, giáo dục,…) cũng như tích hợp phân tích với tầm nhìn mang tính chiến lược để làm cho các chính sách thích ứng được với bối cảnh đang thay đổi và dự đoán sự phát triển trong tương lai.

Chiều cùng ngày, các thành viên Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã làm việc chuyên sâu với các chuyên gia của Trung tâm Phát triển của OECD về khung phân tích chuyên sâu về những cơ hội và thách thức đối với phát triển của Việt Nam; Bảo đảm môi trường bền vững; Tăng cường giáo dục trung học để nâng cao kỹ năng, gắn với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Cải cách doanh nghiệp nhà nước để nâng cao năng suất; Cải thiện năng suất khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu.

Những trao đổi này giúp cho việc hoàn thiện MDCR cũng như cung cấp các thông tin, kinh nghiệm cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và một số thành viên của Đoàn có buổi làm việc với Ngài Masamichi Kono, Phó Tổng Thư ký của OECD về tình hình và triển vọng hợp tác giữa OECD và Việt Nam. Hai bên đánh giá cao những bước tiến mới trong quan hệ song phương và nhất trí việc OECD hỗ trợ Việt Nam xây dựng MDCR là một bước giúp Việt Nam tiếp cận gần hơn với OECD.

Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn thăm Vườn ươm kỹ thuật số (Station F) tại Paris, nghe giới thiệu về cơ sở vật chất và mô hình vận hành Vườn ươm. Đồng thời, có buổi làm việc với một số nhà khoa học, chuyên gia công nghệ người Việt Nam đang sống và làm việc tại Pháp.

Bộ trưởng chụp ảnh cùng đại diện Hội đồng điều hành và lãnh đạo Trung tâm Phát triển của OECD. Ảnh: MPI

Trước đó, ngày 03-04/7/2019, Đoàn công tác gồm một số thành viên Tổ Biên tập của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao đã làm việc với một số cơ quan của Pháp, gồm: Bộ Hành động và Ngân sách công về cải cách hành chính công và cải cách chính sách công; Bộ Kinh tế và Tài chính về hệ thống tái phân phối thu nhập và bảo hiểm thất nghiệp; Tổng ủy về bình đẳng lãnh thổ (CGET) về quy hoạch phát triển vùng và quản trị vùng.

Kết quả làm việc cho thấy, mục tiêu trong chiến lược cải cách hành chính công tại Pháp là tạo sự gần gũi, thân thiện, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công đối với người sử dụng và người cung cấp dịch vụ công thông qua việc đơn giản hóa và ứng dụng kỹ thuật số.

Để thực hiện thành công cải cách cần có sự quyết tâm chính trị cao, bảo đảm nguồn lực thực hiện (quỹ hỗ trợ thực hiện các dự án cải cách, chuyển đổi). Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, người chịu trách nhiệm, có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể. Cùng với đó, xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả các cải cách tạo ra cho người dân. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện sử dụng các công cụ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số…

Về chính sách xã hội, cải cách hệ thống bảo hiểm thất nghiệp theo hướng nâng thời gian làm việc từ 4 tháng trong 26 tháng cuối lên 6 tháng làm việc trong 24 tháng cuối mới được nhận bảo hiểm. Mục đích của cải cách này để hạn chế người nhận bảo hiểm nhận trợ cấp cao hơn mức đóng góp, khuyến khích người có trình độ, có bằng cấp đi tìm việc làm mới.

Các quỹ trợ cấp xã hội chiếm đến 1/3 GDP để chi cho rất nhiều loại trợ cấp như trợ cấp cho người nghèo, người cao tuổi, người tàn tật, người nước ngoài nhập cư… Pháp cũng đang tiến hành cải cách để giảm các loại trợ cấp, nâng cao hiệu quả công tác trợ cấp xã hội.

Về quản lý, phát triển vùng, tại Pháp có ba cấp hành chính là vùng, tỉnh, xã với các chức năng khác biệt nhau; cụ thể chức năng của vùng tập trung vào quy hoạch lãnh thổ, phát triển kinh tế, tái công nghiệp hóa; chức năng chính của chính quyền tỉnh tập trung vào bảo trợ, an sinh xã hội, phát triển du lịch…; chính quyền cấp xã cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ đô thị gắn với người dân.

Chính quyền địa phương có quyền tự chủ cao, nhất là tự chủ về tài chính (được ngân sách nhà nước cấp hoặc thuế thu được) và chịu sự quản lý của Hội đồng địa phương do bầu cử phổ thông đầu phiếu.

Gần đây, Pháp tiến hành phân vùng lại, giảm từ 22 vùng xuống còn 13 vùng. Khi phân vùng lại, hầu hết các vùng đều có biên giới với nước ngoài, mỗi vùng đều có 1-2 thành phố lớn, có địa phương phát triển và kém phát triển hơn…

Đoàn công tác làm việc tại Trung tâm Giới thiệu về e-Estonia. Ảnh: MPI

Trong hai ngày 08-09/7/2019, Đoàn đã khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế tại E-xtô-ni-a. Theo đó, Đoàn công tác đã làm việc với Trung tâm Giới thiệu về e-Estonia (Xây dựng và vận hành quốc gia điện tử ở E-xtô-ni-a), cụm doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Cluster); Văn phòng Chính phủ E-xtô-ni-a về kinh nghiệm của E-xtô-ni-a về cải cách kinh tế và cải cách hành chính nhà nước, về tình hình xây dựng Chiến lược phát triển dài hạn của E-xtô-ni-a 2035; Trung tâm Thông tin và Đăng ký E-xtô-ni-a (RIK) (“Registrite ja Infosüsteemide Keskus”), Bộ Tư pháp về Hệ thống thông tin nhà nước; nhà nước điện tử; đăng ký kinh doanh trực tuyến; Bộ Kinh tế và Truyền thông E-xtô-ni-a về cải cách kinh tế; chính sách phát triển các ngành; Chính phủ điện tử; những xu hướng mới, vấn đề phát sinh hiện nay và định hướng cải cách chính sách trong thời gian tới; Bộ Xã hội E-xtô-ni-a về chính sách lao động và việc làm, an sinh xã hội gắn với xây dựng chính phủ điện tử; Cơ quan hệ thống thông tin (RIA) thuộc Bộ Kinh tế và Truyền thông E-xtô-ni-a.

E-xtô-ni-a thực hiện chính sách số hóa nền kinh tế từ năm 1994, với việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, hạ tầng, bảo đảm mọi nơi đều truy cập được Internet và mỗi người dân có một thẻ căn cước điện tử (E-ID). Việc cấp thẻ căn cước điện tử được thực hiện từ năm 2001 và chữ ký số từ năm 2002.

Điều kiện cần hay nền tảng của hệ sinh thái quản trị điện tử E-xtô-ni-a bao gồm: Thẻ căn cước điện tử (E-ID); Phần mềm máy tính thống nhất và phi tập trung nhằm mục đích trao đổi dữ liệu trên nền tảng xa lộ X (X-road); Những ứng dụng tích hợp được phát triển độc lập bởi các cơ quan nhà nước theo một bộ quy tắc, quy trình thống nhất.

Hiện tại, người dân E-xtô-ni-a đang được hưởng một chính phủ kỹ thuật số 99,99% không giấy tờ, không quan liêu, rườm rà. Mọi thông tin cá nhân của người dân E-xtô-ni-a chỉ cần cung cấp một lần, cho một cơ quan, được mặc định số hóa. Việc truy cập thông tin cá nhân luôn đảm bảo minh bạch. Chỉ có kết hôn, ly hôn và mua bán bất động sản là ba dịch vụ không thực hiện trực tuyến bởi vì Chính phủ tin rằng những việc này cần phải có sự xuất hiện của toàn bộ những người liên quan.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ E-xtô-ni-agiới thiệu với Đoàn về Báo cáo E-xtô-ni-a 2035. Ảnh: MPI

Về kinh nghiệm xây dựng Chiến lược dài hạn của E-xtô-ni-a đến năm 2035, Văn phòng Chính phủ E-xtô-ni-a là cơ quan chủ trì xây dựng Chiến lược này. Trong quá trình xây dựng Chiến lược E-xtô-ni-a 2035, Chính phủ luôn tham khảo ý kiến người dân, nhất là về tầm nhìn đất nước E-xtô-ni-a mà người dân mong muốn nhìn thấy đến năm 2035.

Để phục vụ xây dựng Chiến lược, dự báo có 9 yếu tố tác động đến E-xtô-ni-a, bao gồm: Hệ thống chính trị và quản trị thay đổi; Bản chất của xung đột quốc tế và thách thức an ninh thay đổi; Giảm sức mạnh của các tổ chức quốc tế, tăng sức mạnh giữa các quốc gia; Sự thay đổi nhanh của công nghệ; Mô hình kinh doanh và làm việc thay đổi; Biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp; Sự khan hiếm của tài nguyên thiên nhiên tăng lên; Sự già hóa của dân số toàn cầu; Di cư và đô thị hóa gia tăng;

Mục tiêu bao trùm trong dự thảo Chiến lược quốc gia đến năm 2035 của E-xtô-ni-a là trở thành nước cộng hòa dân chủ độc lập và có chủ quyền, gìn giữ được ngôn ngữ và văn hóa E-xtô-ni-a với năm mục tiêu cụ thể là: Người dân sống ở E-xtô-ni-a thông minh, chủ động tích cực và mạnh khỏe; Nền kinh tế E-xtô-ni-a tham vọng, có tính đổi mới sáng tạo, có trách nhiệm; E-xtô-ni-a trở thành nơi sống và làm việc tốt nhất. Thiên nhiên E-xtô-ni-a được bảo vệ, xã hội cởi mở, quan tâm đùm bọc lẫn nhau và hợp tác; Nhà nước E-xtô-ni-a đổi mới sáng tạo, đáng tin cậy và đặt con người ở vị trí trung tâm.

Quá trình xây dựng Chiến lược này của E-xtô-ni-a bao gồm các bước: Xác định và phân tích các xu thế toàn cầu; Phân tích nhu cầu phát triển; Thảo luận về nhu cầu phát triển với các bên liên quan; Lấy ý kiến người dân đối với các mục tiêu mang tính chiến lược; Xác định các mục tiêu mang tính chiến lược với các bên liên quan; Hội thảo vùng trên khắp đất nước E-xtô-ni-a; Đề xuất các cải cách và các thay đổi chính sách; Hội thảo lấy ý kiến; Thảo luận và nhất trí bước đầu về các cải cách và các thay đổi chính sách; Hệ thống theo dõi và quản lý; Dự thảo lần thứ nhất; Tham vấn với các bên liên quan; Chương trình vận hành gắn kết dự thảo; Thông qua E-xtô-ni-a 2035 và Chương trình vận hành gắn kết.

Cách thức xây dựng Chiến lược phát triển E-xtô-ni-a đến năm 2035 và mục tiêu phát triển dài hạn của E-xtô-ni-a là bài học kinh nghiệm tốt cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam.

Kết quả khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 15647
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)