Dự kiến mức giải ngân ODA năm nay đạt 3 tỷ USD- mức cao nhất từ trước tới nay được các nhà tài trợ đánh giá cao và là điểm sáng của bức tranh kinh tế nước ta trong năm 2009.
|
Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) - công trình sử dụng vốn ODA Nhật Bản
|
Trong tổng số vốn 5,914 tỷ USD mà các nhà tài trợ cam kết tại Hội nghị CG-2008, lượng vốn đã được ký kết đạt 3,85 tỷ USD (tính đến hết tháng 10/2009); kế hoạch giải ngân vốn ODA năm 2009 là 1,9 tỷ USD. Nhưng 10 tháng đầu năm, chúng ta giải ngân ước đạt 1,86 tỷ USD. Theo tính toán của Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KHĐT), mức giải ngân vốn ODA cả năm 2009 sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD, cao nhất kể từ khi Việt Nam tiếp nhận viện trợ ODA.
Xác định những “rào cản” trong giải ngân ODA
Kể từ khi các nhà tàitrợ quốc tế nối lại viện trợ phát triển cho Việt Nam vào tháng 11/1993, Việt Namđã tiếp nhận nguồn vốn ODA với tổng giá trị vốn cam kết của các nhà tài trợđạt hơn 48,4 tỷ USD; tổng vốn ODA giải ngân trong thời kỳ này đạt 22,12 tỷ USD.
Gần đây nhất, từ năm 2001 - 2008, số vốn ODA cam kết đạt 29,77 tỷ USD; số vốn đã ký kết đạt hơn 22 tỷ USD; giải ngân theo kế hoạch đạt 15,51 tỷ USD; thực hiện đạt 14,33 tỷ USD. Với nguồn vốn này, tỷ lệ giải ngân/cam kết đạt 57,8%; tỷ lệ giải ngân/ký kết đạt 64,9%; tỷ lệ giải ngân/kế hoạch đạt 92,4%. Số liệu này cho thấy mức độ giải ngân nguồn vốn ODA trong các năm gần đây đã được cải thiện đáng kể, nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn còn chậm.
Trong cuộc họp giao ban năm 2009 giữa Tổ công tác ODA của Chính phủ với Ngân hàng Thế giới (WB), 8 nguyên nhân cơ bản được xác định là những “rào cản” chung trong việc thực hiện các dự án ODA.
Đó là: Quá trình phê duyệt thủ tục của các cơ quan chủ quản cấp Bộ kéo dài; do phê duyệt đấu thầu chậm từ phía WB (như dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Mekong, dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội); quá trình “khởi động” dự án rất chậm; sự khác nhau giữa hướng dẫn của Chính phủ và các nhà tài trợ khiến nhiều dự án phải trình ngược trở lại cấp cao hơn, mất nhiều thời gian; sự điều phối chưa nhịp nhàng giữa cấp trung ương và địa phương; thiếu hụt và chậm chễ nguồn vốn đối ứng, bao gồm cả tiền đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư; việc thanh toán còn phức tạp cũng như có quá nhiều cơ quan kiểm soát chi; nguyên nhân cuối cùng là việc vượt định mức xây dựng trong quá trình đấu thầu và không linh hoạt trong việc điều chỉnh chi phí dự án cho từng gói hợp đồng cụ thể, dẫn đến việc phải đấu thầu lại.
|
Phối hợp chặt chẽ thúc đẩy giải ngân
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các cơ quan và địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản quy trình, thủ tục trong việc tiếp nhận và thực hiện nguồn vốn ODA; trao quyền nhiều hơn cho các chủ dự án trong việc thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu; phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ trong việc giải quyết dứt điểm việc thiếu hụt vốn ODA do tình trạng lạm phát trước đây, đảm bảo bố trí kịp thời và đầy đủ vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện các chương trình, dự án ODA.
Bên cạnh đó, cần thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống theo dõi, đánh giá các dự án ODA cấp quốc gia, làm cơ sở đưa ra các chính sách, giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân. Phối hợp với Tổ công tác ODA của Chính phủ và các nhà tài trợ giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện các dự án có nhiều vướng mắc, đặc biệt dự án ở tình trạng “báo động” và thúc đẩy các dự án có tiềm năng giải ngân thông qua các cuộc giao ban hàng tháng.
Sau nỗ lực cải thiện những bất cập từ các bên, tình hình giải ngân vốn ODA đã được thúc đẩy rất khả quan trong 6 tháng cuối năm 2009. Vì vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn ODA cung cấp cho Việt Nam năm 2010 có thể sẽ tăng lên, do sự xuất hiện của các kênh tín dụng mới.
Dự kiến, tổng giá trị ODA ký kết tại Hội nghị CG năm nay sẽ đạt khoảng 5,07 tỉ USD.Riêng lượng vốn ODA giải ngân năm 2010 dự kiến đạt 2,47 tỉ USD, tăng 30% so với kế hoạch giải ngân 2009. Các nhà tài trợ có khả năng ký các hiệp định giá trị lớn vẫn là các đối tác truyền thống như WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Nhật Bản, chiếm khoảng 70 – 80%./.
Vũ Trọng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ