1. Tình hình chung:
Từ đầu năm tới nay khu vực Miền Trung phải gánh chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng, khô hạn kéo dài, Tây Nguyên bị hạn, thiếu nước, mưa lũ ở Miền Trung đầu tháng 9 gây ngập úng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, cơ bão số 9, số 11 gây thiệt hại nặng cho các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, giá cả nhiều nông sản giảm mạnh từ cuối năm 2008, sản xuất không có lãi hoặc lãi ít, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn,...
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục tác động mạnh đến ngành nông nghiệp đang là ngành sản xuất hướng mạnh ra xuất khẩu. Giá nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới đã giảm mạnh (giá các mặt hàng nông sản chủ lực giảm từ 20-50%), kim ngạch xuất khẩu lâm sản, thủy sản gặp khó khăn, đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước; môi trường cạnh tranh trên thế giới và trong nước gay gắt hơn.
2. Sản xuất một số cây trồng chính:
Các tỉnh Miền Bắc: tính đến ngày 15/11/2009 đã thu hoạch 1.152 nghìn ha lúa mùa, bằng 100,8% so cùng kỳ 2008, trong đó ĐBSH thu hoạch 553,8 nghìn ha, tăng 1% so cùng kỳ 2008. Các tỉnh Miền Nam thu hoạch khoảng 320 nghìn ha lúa mùa, tăng 3,4% so cùng kỳ 2008, trong đó ĐBSCL mới thu hoạch 31.8 nghìn ha.
Bên cạnh việc thu hoạch sớm lúa mùa, các tỉnh Miền Nam đã gieo cấy được 332.7 nghìn ha lúa Đông Xuân, trong đó ĐBSCL là 223.8 nghìn ha.
Các tỉnh Miền Bắc đang tích cực triển khai trồng cây vụ đông, tổng diện tích cây vụ đông đến nay ước đạt 412.8 nghìn ha, tăng 3,2% so cùng kỳ 2008, trong đó ngô 147 nghìn ha, khoai lang 44.6 nghìn ha, đậu tương 80 nghìn ha, rau, đậu các loại 109 nghìn ha.
Nếu thuận lợi về thời tiết, sản lượng thóc năm 2009 ước đạt 39,2 triệu tấn, tăng khoảng 1,1% so với năm 2008, đảm bảo được an ninh lương thực trong nước (BQ đầu người đạt 505 kg) và thực hiện được chỉ tiêu xuất khẩu gạo 5,5 - 6,0 triệu tấn. Ngô tiếp tục phát triển tốt; Diện tích ngô ước đạt 1.170 nghìn ha, tăng khoảng 3,9% so với 2008; sản lượng ước đạt 5 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2008, vượt 0,5 triệu tấn so với kế hoạch 2009. Tính chung, sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 44,2 triệu tấn (Quốc hội thông qua là 43 triệu tấn), tăng 0,7 triệu tấn so với năm 2008.
Diện tích một số cây ăn quả vẫn tăng 820.000 ha, chủ yếu là cây có múi, xoài do nhu cầu trong nước tăng. Một số cây khác do quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khó khăn về thị trường nên diện tích giảm. Nhãn giảm 10 nghìn ha, dứa giảm 4.600 ha, vải, trôm trôm giảm 2.400 ha so với năm trước.
Cà phê:
Thời tiết năm nay thuận lợi cho phát triển cà phê. Giá cà phê nhân khoảng 25.000 đồng/kg, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là mức khá cao, người trồng cà phê vẫn có lãi (lãi khoảng 25%). Diện tích cà phê năm 2009 ước đạt 527 nghìn ha, chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, năng suất gần 2,1 tấn/ha, sản lượng ước đạt 1.109 nghìn tấn, tăng 53,2 nghìn tấn so với 2008, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội thông qua là 980 nghìn tấn. Các tỉnh miền núi phía Bắc trồng mới 460 ha cà phê chè.
Cao su:
Nhu cầu tiêu thụ cao su giảm nên giá giảm. Tính bình quân 9 tháng, giá xuất khẩu cao su khoảng 25-26 triệu đồng/tấn mủ khô, giá thành cao su ở các công ty khoảng 21-23 triệu đồng (lương công nhân giảm theo, tiết kiệm chi phí sản xuất nên giá thành giảm), giá thành cao su tiểu điền vào khoảng 15-17 triệu đồng/tấn mủ khô, người sản xuất vẫn có lãi tuy có giảm nhiều so với năm 2008. Thời tiết năm nay thuận lợi cho phát triển cây cao su. Diện tích cao su năm 2009 ước đạt 648 nghìn ha, năng suất 17 tạ/ha, sản lượng 710 nghìn tấn vượt so với mục tiêu kế hoạch do Quốc hội thông qua là 646 nghìn tấn.
3. Chăn nuôi:
Sản xuất chăn nuôi 11 tháng đầu năm 2009 phát triển tốt hơn so với cùng kỳ 2008. Giá cả thức ăn và giá bán sản phẩm tương đối ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi tiếp tục phát triển. Tình hình chăn nuôi gia súc ăn cỏ không có biến động lớn, dịch bệnh LMLM được kiểm soát, chăn nuôi dê, cừu, bò sữa thuận lợi. Giá sữa tươi thu mua cho nông dân đang ổn định ở mức 7.400-8.100 đồng/lít có lợi cho nông dân.
Tình hình dịch bệnh:
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 22/11/2009, không có ổ dịch mới phát sinh, cả nước còn Điện Biên có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Về dịch LMLM, hiện cả nước còn 15 tỉnh là: Quảng Nam, Đắc Nông, Tuyên Quang, Đắc Lắc, Nghệ An, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Quảng Ninh, Gia Lai và Hoà Bình, Lai Châu, Hà Tĩnh, Lào Cai, Nghệ An, Phú Thọ, Phú Yên có dịch LMLM chưa qua 21 ngày. Về dịch tai xanh ở lợn, hiện không có ổ dịch mới phát sinh, cả nước không còn địa phương nào có ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Lãnh đạo Cục Thú y, các cơ quan thú y vùng đi chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.
4. Lâm nghiệp:
Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng:
Khoán bảo vệ rừng: 1.980.000 ngàn ha so với nhiệm vụ Quốc hội và Kế hoạch giao đạt 127% Kế hoạch.
Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng: 11 tháng ước đạt 657.600 ha đạt 130 % kế hoạch.
Chăm sóc rừng: 11 tháng ước đạt 121.000 ha đạt 84% kế hoạch.
Trồng rừng: 11 tháng ước đạt 217.000 ha, bằng 84 % so với kế hoạch. Trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng ước đạt 37.000 ha, bằng 62% so kế hoạch; rừng sản xuất 180.000 ha đạt 90% kế hoạch.
5. Thuỷ sản:
Khai thác thủy sản:trên biển trong tháng của các tàu bị giảm do ảnh hưởng của bão, giá dầu cao kéo theo chi phí chuyến biển tăng cao, trong khi giá thu mua không tăng nên ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân.
Tháng 11 ước đạt 167 nghìn tấn. ước sản lượng khai thác 11 tháng đạt 2010 nghìn tấn đạt 91.4% kế hoạch, tăng 4% so cùng kỳ 2008. Trong đó khai thác biển ước đạt 1.836 nghìn tấn, khai thác nội địa ước đạt 174 nghìn tấn.
Nuôi trồng thủy sản: Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 11 đạt 230 nghìn tấn, 11 tháng đạt 2.407 nghìn tấn, bằng 100.3% kế hoạch, tăng 7.5% so cùng kỳ 2008. Nuôi cá tra tại các địa phương tháng 11 vẫn có lãi, nhưng thấp, giá thành sản xuất khoảng 14.500-15000 đồng/kg, người nuôi có lãi 500-1000 đồng/kg hoặc hoà vốn.
6. Giá cả thị trường:
Lương thực: Giá lúa gạo nhìn chung tăng. Giá lúa tăng 400đ-600đ/kg so với tháng trước, lúa tẻ thường phổ biến ở mức 4200-6000 tùy loại; lúa OMCS khoảng 4.700đ/kg-4.900đ/kg (tăng 300-500đ/kg), lúa IR 50404 4.200đ/kg- 4.600đ/kg (tăng 600đ/kg), lúa Jasmine mới khoảng 4.900đ/kg-4.300đ/kg (tăng 100-400đ/kg) kéo theo giá gạo tăng khá: gạo Jasmine khoảng 8500-9500/kg (giảm nhẹ 100đ/kg), gạo CLC khoảng 9000-11500đ/kg (tăng 500đ/kg), gạo IR50404 dao động trong khoảng 6500- 7000đ/kg, tăng 300-700đ/kg
Thực phẩm: Thịt lợn đứng giá so với tháng trước: lợn hơi khoảng 28.000-31.000đ/kg, giá lợn đùi ở mức 60.000đ/kg; thịt nạc vai 62.000đ/kg, thịt rọi 55.000đ/kg.
Các loại thực phẩm khác không nhiều biến động: giá các loại thịt gà, bò, tôm, cá ít biến động: vịt hơi khoảng 18000-20000đ/kg (giảm nhẹ), giá thịt bò khoảng 100.000 ngàn đ/kg (đứng giá), thịt gà hơi 60.000-65000đ/kg (giảm 5000đ/kg); tôm càng xanh khoảng 160 ngàn/kg (đứng giá); cá tra 20000đ/kg (giảm 2.000đ/kg); cá diêu hồng 24.000-25.000 đ/kg (giảm 3.000đ/kg)
Rau các loại: Giá các loại rau xanh nhìn chung giảmso với tháng trước: Cải xanh 400đ/kg (giảm 1.000đ/kg); rau cải ngọt 4.500đ/kg (giảm 500đ/kg), rau muống 4.000đ/kg (giảm 1.000đ/kg), xà lách 7.000đ/kg (tăng 2.000đ/kg), hành tươi 10.000đ/kg (tăng 5.000đ/kg), cà chua 6.000đ/kg (giảm 1.000đ/kg).
Vật tư nông nghiệp: Giá phân bón trong nước giảm đáng kể: Giá urê Trung Quốc khoảng 5.200đ/kg (giảm 160đ/kg), giá Urê Phú Mỹ sản xuất 5.200đ/kg (giảm 200đ/kg), Urê Liên Xô 6.000đ/kg (đứng giá); phân lân 10.500-11.400đ/kg (đứng giá); phân DAP (Philipin nhập khẩu) 12.200đ/kg (giảm 200đ/kg), DAP Trung Quốc 6.800đ/kg (giảm 200đ/kg)
7. Tình hình thiên tai
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11 (từ đêm 01/11/2009 tại các tỉnh Trung Bộ và Nam Tây Nguyên đã có mưa to, nhiều nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 200 đến 400mm, đặc biệt tại Vân Canh (lưu vực sông Hà Thanh, tỉnh Bình Định) trên 1.000mm. Tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Nam Tây Nguyên lượng mưa chủ yếu tập trung trong đêm 1/11 đến trưa ngày 3/11; tại Khánh Hoà và Ninh Thuận mưa chủ yếu tập trung trong ngày 3/11.
Tình hình thiệt hại do bão:
- Người chết: 123 người (Bình Định: 22; Phú Yên: 79; Khánh Hoà: 14; Ninh Thuận: 01, Gia Lai: 05; Đắk Lắk: 02); Người mất tích: 01 người ( Phú Yên: 01).
- Nhà bị sập, trôi: 2.362 căn; Nhà tốc mái, hư hỏng: 48.455 căn.
- Lúa bị ngập, đổ: 19.2725 ha; Hoa màu hư hại: 15.550 ha. Ao cá, tôm bị ngập: 2.436 ha; Tàu, thuyền bị chìm: 337 cái;
Tổng giá trị thiệt hại khoảng 5.0169 tỷ đồng, trong đó Bình Định 1.100 tỷ đồng; Phú Yên: 2.405 tỷ đồng.
Để hỗ trợ cho các tỉnh thiệt hại nặng do cơn bão số 11, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1179/QĐ-TTg ngày 4/11/2009 hỗ trợ 225 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách cho các tỉnh BìnhĐịnh (70 tỷ ), Phú Yên (100 tỷ), Khánh Hoà (20 tỷ), Ninh Thuận (5 tỷ), Gia Lai (30 tỷ), xuất 10.000 tấn gạo từ Dự trữ quốc gia hỗ trợ cho nhân dân vùng bão các tỉnh nêu trên./.
File đính kèm: BCNong nghiep T11.09.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư