Việc giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 2 đạt trên 1,4 tỉ USD đã nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam từ đầu năm đến nay lên trên 2,8 tỉ USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2009.
|
Đã có những lô hàng thủy sản đầu tiên của Kiên Giang xuất vào EU sau khi quy định chứng minh nguồn gốc chính thức có hiệu lực từ 1/1/2010
|
Trong số này, xuất khẩu nông sản đạt gần 1,5 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, thuỷ sản đạt 628 triệu USD, tăng trên 41% và lâm sản đạt 617 triệu USD, tăng gần 60%.
Tiếp đà tăng trưởng cuối năm 2009
Kết quả xuất khẩu khả quan của nhóm hàng nông lâm thủy sản trong 2 tháng qua là sự tiếp nối thành công của hoạt động xuất khẩu năm 2009 với kim ngạch trên 15,4 tỷ USD (chiếm gần 27% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước), vượt chỉ tiêu 14 tỷ USD Thủ tướng Chính phủ giao và đóng góp tích cực vào việc kìm hãm sự suy giảm của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chung năm 2009.
Nông, lâm, thủy sản chiếm 5 trong số 12 mặt hàng và nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước ta với các mặt hàng: thuỷ sản, gạo, đồ gỗ, cà phê và cao su.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục khẳng định vị thế của nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới: đứng đầu về xuất khẩu hạt tiêu và hạt điều, đứng thứ hai về xuất khẩu gạo (sau Thái Lan) và cà phê (sau Braxin), đứng thứ tư về xuất khẩu cao su (sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia), đứng thứ 6 về xuất khẩu thủy sản.
Thị trường xuất khẩu của nông, lâm, thủy sản cũng ngày càng mở rộng, đến nay đã có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, châu Á chiếm tỷ trọng lớn (trên dưới 70%) tổng lượng xuất khẩu với các thị trường chính như: Trung Quốc (rau quả, cao su, hạt tiêu, hạt điều…), Đài Loan (rau quả, đồ gỗ, chè…), Philippines, Indonesia và Malaysia (gạo), Nhật Bản (đồ gỗ, rau quả, chè, thủy sản…)…
Các sản phẩm chính xuất sang thị trường châu Âu là cà phê, mật ong, rau quả chế biến, đồ gỗ, thủy sản… Thị trường Hoa Kỳ nhập các sản phẩm chính như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, nước dứa đóng hộp, đồ gỗ, thủy sản… Các sản phẩm chính xuất sang châu Phi là gạo, chè…, sang châu Đại Dương là hạt điều, cà phê, đồ gỗ…
Từng bước vượt qua những thách thức mới
Năm nay, Việt Nam dự kiến đạt 16 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản (trong khi năm ngoái là 15,4 tỉ USD). Để đạt được mục tiêu cao hơn năm 2009 này, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng từ nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến người sản xuất, kinh doanh để thực hiện đồng bộ các biện pháp.
Bên cạnh thuận lợi là giá cả có thể thuận lợi hơn, thì một khó khăn cũng xuất hiện. Đó là việc nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam sau khi đã tăng đến mức đỉnh điểm trong năm 2009, sẽ khó có thể tăng nhiều trong năm 2010, muốn đẩy mạnh xuất khẩu cần tập trung vào tăng hiệu quả như nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ hàng chế biến sâu, xây dựng thương hiệu hàng hóa...
Ngành Công Thương đã xác định, ngoài các giải pháp chung như kiểm soát chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, xúc tiến thương mại ở các thị trường truyền thống và khai thác thị trường mới, kích cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng cần có các biện pháp cụ thể đối với từng mặt hàng chủ lực như tập trung điều tiết giá gạo bằng cách mở rộng ra các thị trường mới, giảm thuế xuất khẩu từ gỗ rừng trồng và gỗ vườn nhà xuống 0%.
Riêng với hàng thủy sản, cần có cơ chế quản lý theo định hướng giá sàn xuất khẩu và giá hướng dẫn thu mua nguyên liệu, đặc biệt là mặt hàng cá tra. Bởi theo quy định, từ ngày 1/1/2010, tất cả lô hàng hải sản muốn vào được thị trường EU đều phải chứng minh nguồn gốc như: chứng minh vùng biển khai thác, tàu khai thác… Hiện, nhiều nơi trong cả nước đã triển khai thực hiện những yêu cầu nói trên để bước vào sân chơi lớn đầy khó khăn này.
Tại Kiên Giang - địa phương có lượng thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường EU khá lớn, không chỉ có Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu mà cả ngư dân, Hội Nghề cá của tỉnh đều đã vào cuộc từ rất sớm, tập huấn cho ngư dân, doanh nghiệp, các hội nghề cá và thuyền trưởng, máy trưởng, hướng dẫn các mẫu biểu và cách ghi chép nhật ký khai thác vùng đánh bắt, toạ độ đánh bắt để giúp ngư dân nhớ được các địa điểm đánh bắt có chất lượng.
Mới đây, 60 lô hàng hải sản tương đương khoảng 200 tấn của 5 doanh nghiệp xuất khẩu tại tỉnh Kiên Giang vừa được cấp chứng nhận đủ điều kiện đưa vào thị trường EU. Đây là những lô hàng đầu tiên của địa phương xuất vào thị trường này sau khi quy định chứng minh nguồn gốc (IUU) chính thức có hiệu lực. /.
Vũ Trọng
Công thông tin điên tử Chính phủ