Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/12/2010-20:08:00 PM
Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng núi phía Bắc giai đoạn 2011-2020
(MPI Portal) - Thực hiện chương trình triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020, ngày 07/12, tại Thái Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng núi phía Bắc giai đoạn 2011- 2020 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng núi phía Bắc giai đoạn 2011-2020. Ảnh Thanh Sơn (MPI Portal)
Khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra một số ý kiến chỉ đạo nhằm phát triển nguồn nhân lực các tỉnh vùng núi phía Bắc giai đoạn 2011-2020.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày Báo cáo định hướng Quy hoạch mạng lưới các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) ở các vùng núi phía Bắc và chức năng đào tạo cho các tỉnh, vùng của các trường ĐH, CĐ ở Thái Nguyên. Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày Quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề cấp tỉnh và cấp vùng ở các vùng núi phía Bắc.
Các đại biểu đã được nghe Báo cáo dự thảo Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2010-2020 của các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Thái Nguyên, Cao Bằng, Quảng Ninh. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của các tỉnh.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo Giải pháp liên vùng về phát triển nhân lực cho khu vực trung du miền núi phía Bắc. Trung du miền núi phía Bắc được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng phía Bắc; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu, là vùng có đồng bào dân tộc sinh sống gắn bó lâu đời, mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng. Vùng trung du miền núi (TDMN) phía Bắc chiếm 28,9% về diện tích tự nhiên và 13,0% về dân số so với cả nước nhưng mới sản xuất ra 6% GDP; giá trị gia tăng nông, lâm ngư nghiệp chiếm 11,4%; công nghiệp xây dựng chiếm 3,8% và khu vực dịch vụ chiếm 5,5% so với cả nước (giá thực tế năm 2008). GDP bình quân đầu người của vùng năm 2008 mới đạt 8,5 triệu đồng/người.năm, bằng 46,55% bình quân đầu người cả nước. Đồng bào ở vùng núi cao thuộc các xã đặc biệt khó khăn vẫn có mức sống rất thấp, thu nhập trung bình chỉ khoảng 30-40% so với mức bình quân toàn vùng. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới ở nhiều xã vùng cao biên giới lên tới 80%. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ từ 47,9% năm 1995 lên 54,8% năm 2000 và 62% năm 2008, sau khủng khoảng giảm còn 58,4%. Tỷ trọng GDP nông lâm ngư nghiệp giảm từ 52,1% năm 1995 xuống 45,2% năm 2000 và 38% năm 2005, lại tăng lên 40,6% năm 2008.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh Thanh Sơn (MPI Portal)

Vùng TDMN phía Bắc trong những năm vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực về tăng trưởng kinh tế, bước đầu phát huy được nhiều lợi thế vùng song vẫn chưa thật sự tận dụng hết thế mạnh và tiềm năng vốn có của mình. Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đóng góp một số giải pháp nhằm nâng cao vị thế kinh tế của vùng TDMN phía Bắc, đẩy nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội vùng cao hơn nhịp độ phát triển chung của cả nước; cải thiện rõ rệt hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng; khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản, thế mạnh về đất đai, khí hậu, thuỷ điện, lợi thế về cửa khẩu để phát triển các ngành kinh tế, từng bước thu hẹp dần mức chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế của vùng so với mức bình quân chung của cả nước. Hoàn thành định canh, định cư và đưa dân trở lại biên giới, khắc phục được tình trạng di dân tự do vào phía Nam và các vùng khác; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Xây dựng và triển khai Quy hoạch phát triển nhân lực cho khu vực trung du miền núi phía Bắc giai đoạn 2011-2020 không chỉ đem lại hiệu quả thiết thực cho vùng mà còn từng bước góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước./.
Thanh sơn
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1564
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)