(MPI Portal) - Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam giữa Chính phủ Việt Nam và các nước đối tác phát triển đã kết thúc sau hai ngày làm việc tại Hà Nội, với cam kết mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam với vị trí mới là nước đạt mức thu nhập trung bình. Mức cam kết viện trợ năm nay của các nhà tài trợ dành cho Việt Nam là khoảng 7,9 tỷ USD (năm 2009 là 8,063 tỷ USD) để giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung vào các khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững. Trong đó, viện trợ đa phương là 4,6 tỷ USD, viện trợ song phương là 3,3 tỷ USD.
|
Bà Victoria Kwakwa Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh Minh Hậu (MPI Portal)
|
Ngân hàng Thế giới (WB) là nhà tài trợ lớn nhất với cam kết hơn 2,6 tỷ USD. Tiếp đến là Nhật Bản với hơn 1,7 tỷ USD, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ 1,5 tỷ USD, Hàn Quốc hơn 411 triệu USD, các tổ chức phi chính phủ quốc tế hơn 270 triệu USD, Pháp hơn 221 triệu USD...Như vậy tính đến nay, qua 18 kỳ tài trợ, số vốn tài trợ cho Việt Nam tính cả lần này là hơn 64 tỷ USD. Con số này thể hiện lòng tin của các nhà tài trợ, các nước đối tác phát triển dành cho Việt Nam.
Tổng kết Hội nghị, bà Victoria Kwakwa đã đánh giá cao kết quả thảo luận liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội mà Việt Nam đối mặt khi bước vào giai đoạn phát triển mới, sẽ đem lại cơ hội và thách thức. CG lần này được tổ chức khi Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng, đạt đựơc nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức mà Việt Nam phải giải quyết, một số rủi ro đang nổi lên khi Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp. Nhiều đại biểu đã đưa ra các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường quản trị nhà nước, giảm thiểu tham nhũng, giúp cho xã hội phát triển bền vững và hoà nhập.
Trong thảo luận về vĩ mô, các đại biểu đều nhất trí Việt Nam đã đạt được tiến bộ lớn và cần phải có những hành động cụ thể, hiệu quả. Việt Nam đã hội nhập vì vậy phải có năng lực và công cụ để tránh những cú sốc so với nền kinh tế thế giới.
Cần tăng cuờng tính minh bạch, cách quản lý kinh tế vĩ mô, tạo lòng tin, tránh bóp méo thị trường, áp lực chỉ số giá. Cần có công cụ quản lý gián tiếp thay vì các công cụ hành chính, cần có sự thay đổi phù hợp chính sách tiền tệ, tài khoá, thêm những biện pháp để ổn định quản lý khu vực kinh tế nhà nước, tách vai trò quản lý của Chính phủ với tập đoàn, áp dụng mô hình quản lý hiện đại, giám sát minh bạch Báo cáo tài chính, ban hành luật mới liên quan đến kiểm toán tại các tập đoàn.
Chính phủ Việt Nam cần tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư và khu vực công để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nguy cơ tham nhũng, cần đưa ra những biện pháp làm giảm nhẹ rủi ro.
|
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tại Hội thảo. Ảnh Minh Hậu (MPI Portal)
|
Đại diện Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam đã đạt đựơc bước tiến dài trong việc giảm đói nghèo nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Các nước đối tác hoan nghênh Chính phủ đã có những nỗ lực giảm các chương trình xóa đói giảm nghèo. Cần có phương pháp tiếp cận khác nhau với những đối tượng, nhóm người khác nhau. Xây dựng giải pháp phù hợp với từng điạ phương, trao quyền cho những người được hưởng lợi, cộng đồng dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, Việt Nam đã trở thành một nước thu nhập trung bình thấp trong năm 2010, điều này cũng có nghĩa rằng các khoản vay ưu đãi, các khoản viện trợ không hoàn lại sẽ tiếp tục giảm, chuyển thành các khoản vay thương mại. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với Việt Nam trong việc hoàn thành các mục tiêu của Thiên niên kỷ về bảo vệ môi trường, chống lại căn bệnh HIV/AIDS…
Trong bối cảnh đó, quan hệ đối tác mới giữa Nhóm 6 Ngân hàng phát triển và Chính phủ được mở ra. Cùng với hoạt động truyền thống nhằm cải thiện tình hình thực hiện các dự án ODA, Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển đã thảo luận và đàm phán với Chính phủ về những vấn đề đang nổi lên của nước có thu nhập trung bình thấp như tăng cường cải thiện hệ thống quốc gia về quản lý đấu thầu; quản lý tài chính; đánh giá tác động xã hội và môi trường cũng như cải tổ các Ban quản lý dự án.
Kết thúc Hội nghị, đại diện Chính phủ Việt Nam Bộ trưởng Võ Hồng Phúc Khẳng định Việt Nam là quốc gia sử dụng tốt ODA và Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ này. Ông cũng cảm ơn đại diện các các nhà tài trợ đã có những ý kiến đóng góp thẳn thắn mang tính xây dựng nhằm giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững./.
Tùng Linh - Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư