Tại cuộc họp diễn ra trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ giữ nguyên mức lãi suất siêu thấp hiện nay để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, trong khi tiếp tục bỏ qua những lo ngại về lạm phát.
|
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)
|
Trong hai ngày 27-28/4, 10 thành viên ban lãnh đạo FED, gồm cả Chủ tịch Ben Bernanke, sẽ thảo luận về việc liệu có tăng lãi suất cơ bản vốn được duy trì ở mức 0-0,25% kể từ tháng 12/2008 hay không. Mức lãi suất thấp lịch sử này được coi là nhân tố quyết định để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế.
Hiện triển vọng kinh tế Mỹ đã sáng sủa hơn. Các công ty đang bắt đầu tuyển dụng lao động, người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn và các nhà chế tạo cũng đang đẩy mạnh sản xuất.
Tuy nhiên vẫn còn những dấu hiệu khác cho thấy con đường phục hồi còn nhiều chông gai, với tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng ở mức gần hai con số và dự kiến sẽ tiếp đứng ở mức cao trong cả năm nay; trong khi các ngân hàng vẫn chưa khôi phục hoàn toàn hoạt động cho vay.
Trong lĩnh vực bất động sản, mặc dù doanh số bán nhà ở đã tăng mạnh trong tháng Ba, tình hình thị trường vẫn rất đáng ngại. Với những lý do như vậy, FED chắc chắn sẽ không thay đổi lãi suất.
Mặc dù vậy, giới đầu tư sẽ vẫn theo dõi sát sao cuộc họp này để xem liệu FED có giữ nguyên cam kết giữ lãi suất thấp bất thường trong một thời gian nữa hay không. Bất cứ sự thay đổi nào có thể được coi là dấu hiệu báo trước một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, và sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư rủi ro.
Theo các nhà phân tích, lãi suất sẽ được giữ nguyên và những tuyên bố của FED về chính sách tiền tệ cũng sẽ không có gì thay đổi, ngay cả khi ngân hàng này đưa ra những đánh giá lạc quan hơn về triển vọng kinh tế. Tuy nhiên, những đánh giá như vậy cũng có thể đồng nghĩa với việc FED đang tiến gần tới những thay đổi về chính sách.
Tại cuộc họp quyết định chính sách lần trước, FED nhận định các hoạt động kinh tế tiếp tục có sự cải thiện và thị trường lao động đang đi vào ổn định. Nhận định này lạc quan hơn so với những đánh giá đưa ra tại cuộc họp hồi tháng 1/2010.
Tuy nhiên, nội bộ FED sẽ tiếp tục có những tranh cãi về tốc độ thắt chặt chính sách và khi nào ngân hàng cần rút lại hàng nghìn tỷ USD.
Theo biên bản cuộc họp lãi suất lần trước, các thành viên ban lãnh đạo FED đã nghĩ tới chiến lược rút lại các gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ, song cho đến nay vẫn chưa đưa ra quyết định nào.
Một số người lo ngại rằng chính sách tiền tệ nới lỏng có thể thổi bùng lạm phát, gây ra những bong bóng tài sản mới, nếu vỡ tung có thể đẩy nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái khác.
Tuy nhiên, ông Bernanke và Janet Yellen, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, lập luận rằng sự "èo uột" của nền kinh tế sẽ giúp kiềm chế lạm phát, trong bối cảnh các nhà máy vẫn hoạt động chưa hết công suất, lương công nhân sẽ chưa thể tăng sớm, và các công ty vẫn thận trọng trong việc tăng giá do tiêu dùng chưa có dấu hiệu trở lại các mức trước khủng hoảng.
Theo điều tra của The Associated Press, FED sẽ bắt đầu tăng lãi suất ngắn hạn sớm nhất là vào quý 4/2010./.