Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 12 đã tăng 1,38 % so với tháng 11/2009 và tăng 6,52% so với tháng 12/2008. Với tốc độ này, CPI cả năm 2009 chỉ tăng 6,88% so với năm 2008 và lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 7%.
|
Ảnh minh họa
|
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, CPI tháng 12 tiếp tục tăng ở 10/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,07-2,06%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,11%.
Nhóm giao thông vận tải dẫn đầu với mức tăng 2,47%. Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức 2,06%. Xếp thứ 3 là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,4%.
Theo các chuyên gia kinh tế, CPI tháng 12 tăng cao là do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu vào cuối tháng 11/2009 đã khiến giá cước vận tải hành khách và hàng hóa của nhiều hãng vận chuyển đã tăng thêm khoảng 500 đồng/km trong tháng 12. Trong khi đó, tháng 12 là tháng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, giá lương thực trong nước tháng 12 tiếp tục tăng kỷ lục bởi Việt Nam thắng thầu nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo; các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc thu mua thóc lúa trong dân tại các tỉnh phía Nam để chuẩn bị cho niên vụ xuất khẩu năm 2010. Ngoài ra, giá lương thực tại nhiều tỉnh thành có xu hướng tăng ảo do việc mất cân đối giữa cung và cầu tại nhiều tỉnh, thành.
Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ nhập khẩu như bia, rượu, thuốc lá tăng mạnh trong tháng cuối năm nhưng do tỷ giá giữa đồng nội tệ và USD tăng cao; cộng với việc khan hàng nhập khẩu xa xỉ đã khiến cho nhóm hàng này tăng cao nhất trong 12 tháng qua.
Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng như xa xỉ phục vụ tiêu dùng Tết Canh Dần 2010 sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành đảm bảo nguồn hàng và các Sở Công Thương chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc ưu tiên dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Canh Dần .
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Thọ Xuân, nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng khoảng 20% và tại các tỉnh vào khoảng trên 10%.
Các địa phương như Hà Nội đã tạm ứng 250 tỷ đồng, thành phố Hồ Chí Minh tạm ứng hơn 400 tỷ đồng và tỉnh Bình Dương là hơn 100 tỷ đồng... hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng Tết./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ