Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25 tháng 06 năm 2010
1. Tình hình hoạt động:
Vốn thực hiện 6 tháng đầu năm 2010 ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. So với dự kiến giải ngân từ đầu năm thì tiến độ giải ngân này là phù hợp.
Xuất khẩu của khu vực FDI kể cả dầu thô ước đạt 17,2 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu khác của khu vực FDI (không kể dầu thô) ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI gia tăng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm do nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt 16 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ.
2. Tình hình thu hút
Theo các báo cáo nhận được, trong 6 tháng đầu năm 2010 cả nước có 438 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký 7,9 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ 2009.
Trong 6 tháng đầu năm 2010, có 121dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 525 triệu USD, bằng 10,7% so với cùng kỳ năm 2009. Quy mô vốn đầu tư tăng thêmtrong 6 tháng đầu năm 2010 thấp hơn nhiều lần so với cùng kỳ.
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 6 tháng đầu năm 2010, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,43 tỷ USD, bằng 80,9% so với cùng kỳ 2009.
Theo lĩnh vực đầu tư:
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với 164 dự án đầu tư, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 2,87 tỷ USD, chiếm 34% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng.
Với 3 dự án đầu tư được cấp phép trong 6 tháng đầu năm nhưng lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước điều hòa đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký khá cao 2,2 tỷ USD, chiếm 25,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng đầu năm.
Kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 1,78 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng đầu năm.Trong đó, cấp mới chiếm tỷ lệ lớn với 12 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 1,75 tỷ USD.
Trong số các dự án cấp mới trong 6 tháng năm 2010, đáng chú ý có các dự án lớn được cấp phép là: dự án Công ty TNHH điện lực AES-TKV Mông Dương (BOT nhiệt điện Mông Dương 2) xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư là 2,1 tỷ USD; Dự án Công ty Sắt xốp Kobelco Việt Nam sản xuất phôi thép tại Nghệ An với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD; Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea của Hoa Kỳ,mục tiêu XD, KD Khu trung tâm hội nghị triển lãm, trung tâm thương mại, kd bất động sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 902,5 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Posco SS- Vina tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 620 triệu USD; Dự ánCông ty CP phát triển khu phức hợp thương mại Vietsin trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đối tác đầu tư:
Trong 6 tháng đầu 2010, có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư lớn nhất lần lượt là Hà Lan với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,2tỷ USD chiếm 26,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứngthứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,77 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký là 1,22 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo địa bàn đầu tư:
Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất trong 6 tháng đầu 2010 với 2,16 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Tiếp theo làQuảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 2,14 tỷ USD, 1,18 triệu USD và 1 triệu USD./.
File đính kèm: Bao cao FDI 06 - 2010.pdf
Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư