Ngày 6 tháng 5, Liên hợp quốc công bố một bản báo cáo hối thúc các chính phủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng các khoản chi cho xã hội nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của khu vực mạnh hơn dự kiến, đồng thời tăng cường nỗ lực đảm bảo việc phục hồi kinh tế một cách hợp lý hơn, cân bằng hơn và bền vững hơn.
|
Kinh tế châu Á đang hồi phục
|
Tân Hoa Xã ngày 6 tháng 5 dẫn phát biểu của tiến sĩ Noeleen Heyzer, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, nhấn mạnh các chính phủ cần nắm bắt cơ hội để đảm bảo thu được lợi ích từ phục hồi kinh tế bằng cách đầu tư vào các chương trình xã hội trực tiếp, mang lại lợi ích cho những người dân phải chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc khủng khoảng, xóa đói giảm nghèo và xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn.
Bản báo cáo nêu trên, nhan đề "Nghiên cứu kinh tế xã hội ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2010," là một ấn phẩm thường niên của ESCAP, cung cấp cho các chính phủ thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương - chiếm 62% dân số toàn cầu, thông tin về lộ trình hướng tới sự phát triển đồng bộ và bền vững hơn.
Tuy nhiên, sức ép gia tăng về lạm phát, đặc biệt là giá lương thực và hiện tượng bong bóng giá tài sản ở một số quốc gia ở khu vực đã làm cho năm 2010 trở thành phức tạp đối với các nhà hoạch định chính sách khi họ phải cân đối giữa duy trì đà tăng trưởng với sự ổn định tài chính.
Trong khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể góp phần kiềm chế sức ép lạm phát, các nhà hoạch định chính sách cần phải cân nhắc về việc liệu ngừng các gói kích thích tài chính có thể phá vỡ quá trình phục hồi kinh tế còn chưa chín muồi hay không.
Bản báo cáo trên cũng đề xuất thực hiện việc kiểm soát vốn nhằm dung hòa các luồng vốn đầu tư ngắn hạn, hậu quả của việc phát triển ồ ạt lượng tiền mặt ở các nước phương Tây đã làm nảy sinh hiện tượng bong bóng tài sản, sức ép lạm phát và tăng tỷ giá hối đoái ở các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việc phát triển dài hạn và bền vững đối với tất cả các nền kinh tế trong khu vực cần phải được đặt trên cơ sở xây dựng những động cơ mới của tăng trưởng bằng việc tái cân bằng khu vực cùng sức tiêu thụ lớn hơn thông qua tăng trao đổi thương mại bên trong khu vực, đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu dùng châu Á-Thái Bình Dương.
Bản báo cáo nêu trên cũng đánh giá năm 2010 có triển vọng đáng kể đối với các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực với ước đoán tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, đứng đầu là Trung Quốc 9,5%; Ấn Độ 8,3%.
Tiến sĩ Noeleen Heyzer cho biết Trung Quốc cần quan tâm tới việc kiểm soát lạm phát, đặc biệt vấn đề bong bóng bất động sản cũng như tỷ giá hối đoái. Mặt khác, Trung Quốc không chỉ cần dựa vào những gói kích thích kinh tế khổng lồ, mà còn cần phải tạo ra sự tăng trưởng bền vững, có nghĩa là đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đặc biệt ở các khu vực nông thôn để đảm bảo vấn đề bảo hiểm xã hội được đặt đúng chỗ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể tạo thêm càng nhiều công ăn việc làm cho người lao động càng tốt./.