Chương trình Hội thảo giao thương chuyên ngành sắn Việt Nam-Trung Quốc lần thứ hai đã được tổ chức ngày 7/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Chế biến sắn lát khô
|
Tham dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành và đại diện doanh nghiệp các tỉnh, thành phố phía Nam; gần 40 doanh nghiệp nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn, doanh nghiệp cung cấp thiết bị chế biến tinh bột sắn và cồn của Trung Quốc.
Tại hội thảo, các diễn giả đã giới thiệu tình hình môi trường đầu tư, thương mại của Việt Nam và tổng quan thị trường sản xuất, chế biến sắn tại Việt Nam, các tiềm năng và cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư tới các doanh nghiệp Trung Quốc.
Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Trung Quốc đã gặp gỡ, trao đổi thông tin mua bán các sản phẩm sắn lát và tinh bột sắn, tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và chế biến sắn.
Theo ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam có diện tích trồng sắn lên đến hơn nửa triệu ha, thu hoạch trên 8 triệu tấn/năm. Một nửa trong số này được tiêu dùng trong nước làm lương thực cho người, chế biến thức ăn chăn nuôi, công nghiệp dược phẩm, xăng sinh học, cồn công nghiệp... Một nửa còn lại được xuất khẩu dưới dạng tinh bột hoặc sắn lát khô.
Sắn là một trong các nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2008, Việt Nam đã xuất khẩu gần 4 triệu tấn sắn trị giá 800 triệu USD; năm 2009 xuất khẩu 3,3 triệu tấn, trị giá 574 triệu USD. Sáu tháng đầu năm nay xuất khẩu 1,14 triệu tấn sắn, trị giá hơn 300 triệu USD.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm sắn Việt Nam, chiếm tới hơn 90% kim ngạch xuất khẩu.
Hội thảo do Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) hợp tác với Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội công nghiệp tinh bột sắn Trung Quốc và Trung tâm Xúc tiến thương mại Trung-Việt đồng tổ chức./.
Hà Huy Hiệp
TTXVN/Vietnam+