Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/02/2011-19:44:00 PM
Chứng khoán châu Á tiếp tục biến động trái chiều

Trong phiên giao dịch ngày 16/2, các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục xu hướng biến động trái chiều, với thị trường chứng khoán Nhật Bản đứng vững ở mức cao trong 10 tháng với mức điểm mới nhờ đồng yen giảm giá, trong khi một số thị trường khác lại bị giảm nhẹ.
Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này giảm 0,13%.
Thị trường chứng khoán của các thị trường đang nổi tại châu Á đang hoạt động kém hơn các thị trường phát triển trong năm nay. Minh chứng cho xu hướng này, trong khi chỉ số MSCI của Nhật Bản tăng khoảng 7,5% kể từ đầu năm đến nay, thì chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) lại giảm hơn 2%.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn tỏ ra nghi ngờ về việc xu hướng đó sẽ tiếp diễn trong thời gian dài. Rodrigo Zorrilla, phụ trách các thị trường châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn Citigroup, cho biết chỉ trong hai tuần đầu của tháng 2/2011, đã có khoảng 10 tỷ USD rút khỏi các thị trường đang nổi và chảy sang Mỹ.
Ông nói rằng "Câu hỏi mà mọi người đặt ra hiện nay là liệu đây có phải là sự hoán vị cho câu chuyện thành công của các thị trường đang nổi hay chỉ là quá trình tái cân bằng danh mục đầu tư," đồng thời cho biết ông ủng hộ quan điểm thứ hai.
Ông nói: "Những điều kiện cơ bản tại châu Á hiện nay vẫn tốt. Và do hiện nay có một số lo ngại trên thị trường liên quan tới những vấn đề chính trị tại Trung Đông và nỗi lo lạm phát trên toàn thế giới, cho nên ngay sau khi những vấn đề này được giải quyết, chúng ta sẽ thấy xu hướng luồng vốn chảy ra sẽ chậm lại và chấm dứt."
Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, tiếp tục xu hướng đi lên của các phiên trước, chỉ số Nikkei-225 kết thúc phiên 16/2 vẫn vững vàng ở mức cao nhất trong 10 tháng khi ghi thêm 61,62 điểm, tương đương 0,57% so với phiên 15/2, lên 10.808,29 điểm, nhờ đồng yen giảm giá giúp hỗ trợ cổ phiếu của các công ty xuất khẩu.
Shinichiro Matsushita, nhà phân tích thị trường của công ty chứng khoán Daiwa Securities, nhận định đồng yen giảm giá đã giúp củng cố tâm lý thị trường, trong khi giới đầu tư khối ngoại hiện nay cũng đang tích cực mua vào cổ phiếu của các công ty phục vụ nhu cầu trong nước, đồng thời cho hay các cổ phiếu khối tài chính cũng đang rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhờ chỉ số Nikkei đang hoạt động tốt.
Chỉ số Nikkei đã tăng khoảng 18% giá trị kể từ tháng 11/2010, thời điểm mà các nhà đầu tư khối ngoại bắt đầu đua nhau mua vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, giúp tạo ra một sự chuyển dịch trong trọng tâm thị trường từ các nền kinh tế đang nổi sang các nền kinh tế phát triển.
Hideyuki Ishiguro, chiến lược gia của công ty chứng khoán Okasan Securities, nhận xét: "Việc cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Nhật Bản đang đứng ở các mức cao như hiện nay cho thấy nhu cầu mua vào rất lớn của nhà đầu tư khối ngoại."
Còn Hiroaki Osakabe, nhà quản lý quỹ của công ty Chibagin Asset Management, cho biết so với Mỹ và châu Âu, thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn đang đứng ở dưới các mức trước khi vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers dẫn đến cuộc suy thoái trên toàn cầu, đồng thời cho rằng một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn đang bị tụt hậu so với các thị trường khác mặc dù đã đạt được bước tăng điểm trong thời gian gần đây.
Tại thị trường chứng khoán Hongkong, chỉ số Hang Seng tăng 257,19 điểm (1,12%) lên 23.156,97 điểm, nhờ giới đầu tư đổ xô mua vào cổ phiếu của các công ty tài chính sau khi thị trường bị giảm 1% trong phiên trước. Còn tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite cũng đánh dấu phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp khi ghi thêm 24,95 điểm (0,86%) lên 2.924,19 điểm, nhờ cổ phiếu của các công ty sản xuất thép tăng mạnh nhờ giá sản phẩm tăng.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, số liệu lạm phát công bố ngày 15/2 cho thấy giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 4,9% trong tháng 1/2011 có thể kìm hãm đà tăng trên thị trường chứng khoán do những lo ngại về khả năng Bắc Kinh tiếp tục thắt chặt chính sách.
Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 không thay đổi nhiều so với phiên trước, khi chỉ giảm nhẹ 0,8 điểm xuống 4.930,2 điểm; trong khi chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Seoul giảm 21,41 điểm (1,06%) xuống 1.989,11 điểm.
Các thị trường chứng khoán khác trong khu vực như Singapore, New Zealand, Đài Loan và Indonesia cũng đi xuống./.
Phương Thảo
TTXVN/Vienam+

    Tổng số lượt xem: 1053
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)