Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 40 đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Ngozi Okonfo - Iweala đã kêu gọi các cường quốc trên thế giới thực hiện các dự án đầu tư và cho vay tại những nước nghèo có thu nhập thấp.
|
Hàng chục triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu
|
Đây là hành động nhằm giúp đỡ hàng chục triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP bên lề diễn đàn WEF, bà Iweala khẳng định các nước nghèo không phải là nguyên nhân gây ra "cơn bão" kinh tế-tài chính lớn nhất trong vòng 80 năm qua, song họ lại là nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Thông qua WEF, bà Iweala muốn kêu gọi các nước phát triển hướng các nguồn vốn vào những nước có thu nhập thấp, không có đủ khả năng tự thoát khỏi cuộc khủng hoảng đã đẩy 64 triệu người vào cảnh nghèo đói. Theo bà Iweala, người dân tại các nước nghèo thực sự muốn các nước giàu đầu tư tại đất nước của họ và tạo ra việc làm.
Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng này, mặc dù WB dự báo kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm nay và 3,2% trong năm 2011, song ngân hàng này nhận định rằng sự phục hồi đó vẫn mong manh và kinh tế thế giới vẫn đứng trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong những năm tới.
Trước đó, đề cập giải pháp đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, trên cương vị Chủ tịch Ban chấp hành nước đăng cai Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ diễn ra vào tháng 11/2010, cho rằng các chính phủ đã đóng vai trò hàng đầu trong việc khắc phục khủng hoảng thông qua việc mở rộng chi tiêu, nhưng khu vực tư nhân vẫn cần nhận "chiếc gậy" tiếp sức từ các chính phủ vì sự tăng trưởng bền vững.
Tổng thống Lee Myung-bak nhấn mạnh cần tổ chức hội nghị lãnh đạo các doanh nghiệp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 để củng cố kết quả tích cực của hội nghị chính thức, đồng thời tạo động lực để G20 trở thành một diễn đàn hiệu quả thúc đẩy sự thịnh vượng toàn cầu.
Về vấn đề bảo vệ môi trường và ngăn chặn sự nóng lên của Trái Đất, các nhà lãnh đạo cho rằng thế giới vẫn thiếu khoảng 350 tỷ USD đầu tư cho phát triển năng lượng sạch.
Theo báo cáo "Đầu tư Xanh: Hướng tới cơ sở hạ tầng có khí thải CO2 thấp" công bố tại hội nghị WEF, mỗi năm thế giới cần đầu tư khoảng 500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng năng lượng có khí thải CO2 thấp - nhân tố cần thiết để hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C.
Theo số liệu thống kê, năm 2009, thế giới chỉ đầu tư 145 tỷ USD cho phát triển năng lượng sạch, giảm 6% so với năm 2008, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, thỏa thuận Copenhagen mà các nước đạt được tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu hồi cuối năm ngoái chỉ đề cập cam kết của các nước phát triển đầu tư 100 tỷ USD vào các nước đang phát triển.
WEF cho rằng để có được nguồn tài chính bù đắp phần thiếu hụt trên cần ban hành các cơ chế chính sách phù hợp. Báo cáo của WEF cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách bộ công cụ gồm 35 cơ chế chính sách khác nhau có thể được sử dụng để thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch./.