(MPI Portal) – Sáng ngày 03/6/2011, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Diễn đàn hiệu quả viện trợ lần thứ 3 với sự chủ trì của ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Max von Bonsdorff, Tham tán Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Phần Lan. Tham dự Diễn đàn có bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các nhà tài trợ, Văn phòng Quốc hội, các Bộ ngành, địa phương và cơ quan báo chí.
|
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
|
Diễn đàn là sự kiện diễn ra trước thềm Hội nghị Các nhà tư vấn giữa kỳ năm 2011. Khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện chính sách, thể chế ODA thông qua xây dựng Đề án định hướng thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay từ các nhà tài trợ giai đoạn 2011 – 2015, đồng thời thay thế Nghị định 131/2006/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA. Đây cũng là chủ đề chính của Diễn đàn năm nay.
Trong bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu có nhiều biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh tế của các nhà tài trợ, cùng với việc Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, dự kiến khối lượng và loại hình viện trợ dành cho Việt Nam cũng sẽ thay đổi đáng kể. Những điều chỉnh này sẽ được thể hiện trong Đề án ODA 2011 – 2015 nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015.
Theo đó, phạm vi của Đề án sẽ được mở rộng hơn so với Đề án ODA giai đoạn 2006 – 2010 theo hướng không chỉ bao gồm nguồn vốn ODA (viện trợ không hoàn lại và vay ưu đãi) mà bao gồm cả các khoản vay kém ưu đãi của các nhà tài trợ. Để đảm bảo tính khả thi, Đề án ODA 2011 – 2015 được xây dựng theo hướng đảm bảo cân đối giữa “cung và cầu” về ODA và các khoản vay kém ưu đãi của các nhà tài trợ trong 5 năm tới. Đối với nhu cầu, sẽ xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên, nhu cầu sử dụng nguồn vốn theo nguyên tắc mang lại hiệu quả sử dụng cao nhất. Đối với nguồn cung, sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ để xác định khả năng cung cấp các nguồn vay này và lĩnh vực các nhà tài trợ quan tâm.
Xác định Đề án là một phần không tách rời của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015, Đề án sẽ đưa ra các nguyên tắc về phân bổ các nguồn lực sao cho hiệu quả nhất thông qua sự phân công lao động và bổ trợ dựa trên lợi thế so sánh giữa các nguồn vốn (ODA, vay kém ưu đãi, INGO, đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư từ khu vực tư nhân…). Riêng đối với khu vực kinh tế tư nhân, Đề án sẽ tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để khu vực này được tiếp cận nguồn vốn ODA nhiều hơn, đặc biệt là thông qua hình thức hợp tác công – tư, để cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro với Chính phủ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên.
|
Ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (phải) và ông Max von Bonsdorff, Tham tán Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Phần Lan (trái) đồng chủ tọa Diễn đàn. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
|
Đề án cũng sẽ đưa ra các nguyên tắc, định hướng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng ODA trong thời kỳ phát triển mới. Các nguyên tắc này sẽ được thể hiện trong Nghị định thay thế Nghị định 131/2006/NĐ-CP, cụ thể là: Mở rộng phạm vi các khoản vay và tài trợ; Xác lập đầy đủ khuôn khổ thể chế và quản lý đối với các mô hình viện trợ như tiếp cận theo ngành, theo chương trình, hỗ trợ ngân sách chung, hỗ trợ ngân sách có mục tiêu; Cải tiến quy trình xây dựng, tổng hợp và phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ đảm bảo tính khả thi cao và tránh tình trạng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại do có những thay đổi trong quá trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án; Chú trọng đến vai trò của khu vực tư nhân; Tinh giản quy trình, thủ tục đối với những chương trình, dự án ODA có thay đổi dẫn đến thay đổi các Điều ước quốc tế cụ thể về ODA đã ký kết.
Theo kế hoạch, Dự thảo lần 1 Đề án ODA giai đoạn 2011 – 2015 sẽ hoàn thành và xin ý kiến đóng góp vào tháng 6/2011, Dự thảo lần 2 sẽ hoàn thành vào tháng 8 và trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2011.
Cũng tại Diễn đàn, ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày Báo cáo tiến độ hiệu quả viện trợ năm 2011, trong đó đưa ra các thành tích đạt được, thách thức và kiến nghị về quá trình thực hiện vốn ODA của các Bộ ngành, địa phương 6 tháng đầu năm, các hoạt động chủ yếu trong Chương trình hiệu quả viện trợ 6 tháng cuối năm trong bối cảnh Diễn đàn cấp cao lần thứ 4 (HLF-4) được tổ chức vào tháng 11/2011 tại Busan, Hàn Quốc.
Kết thúc Diễn đàn, các đại biểu đã xem xét và thông qua Thông điệp của đồng chủ tọa Diễn đàn Hiệu quả viện trợ gửi đến Hội nghị CG giữa kỳ năm 2011, với ba nội dung chính là: Tập trung các nguồn tài chính hợp tác phát triển hỗ trợ các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thông qua việc xây dựng Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA cho thời kỳ mới và Nghị định mới về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA; Thúc đẩy Chương trình nghị sự về nâng cao hiệu quả viện trợ tại Việt Nam; và Hướng tới Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ lần thứ 4 – Đóng góp của Việt Nam vào chương trình nghị sự toàn cầu./.
Hương Lan
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư