Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/06/2011-09:20:00 AM
Dấu hiệu tích cực trong thắt chặt đầu tư công
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, tốc độ tăng của tổng vốn đầu tư từ NSNN đã chậm lại so với cùng kỳ năm trước. Đây là xu hướng tích cực của việc thắt chặt đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Trong điều kiện bình thường, vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế; vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn có tác động rộng lớn hơn. Trong điều kiện lạm phát, việc cắt giảm đầu tư từ ngân sách lại là biện pháp kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Dưới đây là bảng so sánh tốc độ tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm 2010 (nguồn: Báo cáo ước tính hàng tháng của Tổng cục Thống kê):
Các con số trên cho thấy: Thứ nhất, tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đã chậm lại liên tục với số điểm phần trăm tương đối nhanh qua các tháng.
Tốc độ tăng của 2 tháng đầu năm (trước khi Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành vào 24/2) còn khá cao, nhưng sau đã đã giảm xuống và 5 tháng tốc độ tăng chỉ còn bằng khoảng 2/3 tốc độ tăng của 2 tháng đầu năm.
Lượng vốn tính theo giá thực tế thì tăng cao như vậy, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá bình quân so với cùng kỳ năm trước, thì tốc độ tăng trong các tháng trước đã chậm dần và thấp hơn nhiều. Tính chung 5 tháng còn bị giảm so với cùng kỳ năm trước (khoảng 0,4%).
Xu hướng này là tích cực, đúng với hướng chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Xu hướng này cùng với các giải pháp khác được thực hiện đã góp phần làm cho tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng sau cao hơn tháng trước đã bị chặn lại trong tháng 5 và có thể sẽ được tiếp tục trong những tháng tới.
Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục thực hiện thắt chặt đầu tư công một cách kiên trì để thực hiện nhiệm vụ ưu tiên là kiềm chế lạm phát.
Thứ hai, các đơn vị thuộc Bộ, ngành ở Trung ương đã gương mẫu thực hiện và cần tiếp tục cắt giảm.
Tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch đầu năm của các đơn vị này đã thấp hơn tỷ lệ thực hiện chung (36,1% so với 39%). Tốc độ tăng vốn tính theo giá thực tế cũng tăng thấp hơn tốc độ chung (tăng 10,9% so với thăng 14,8%) và nếu loại trừ yếu tố giá (như đã nói ở trên), thì đã giảm sâu hơn (khoảng 3,7%).
Trong các bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch vốn lớn nhất cũng mới đạt được 33,3% kế hoạch năm và chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch vốn lớn thứ hai mới đạt 31,1% kế hoạch năm và giảm tới 29,4% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Xây dựng mới đạt 33,4% kế hoạch năm và giảm 20,4%. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt kế hoạch cao hơn (36,8%), nhưng giảm 13,1%. Bộ Công Thương đạt 32,5% và giảm 2,3%. Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 32,8% và giảm 2,6%. Bộ Y tế đạt 39,9% và giảm 4,9%.
Thứ ba, các địa phương đạt tỷ lệ cao hơn (39,8%) và tăng cao hơn (15,9%), nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá bình quân so với cùng kỳ, thì nhìn chung cũng còn thấp. Những địa phương đạt tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung có Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cần Thơ, Hậu Giang, những địa phương tăng so với cùng kỳ cao hơn tốc độ tăng có Hà Nội, Lào Cai, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Khánh Hóa, Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang. Một số địa phương giảm so với cùng kỳ năm trước Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên- Huế, Quảng Ngãi. Những địa phương tuy tăng so với cùng kỳ, nhưng tăng thấp, nếu loại trừ yếu tố tăng giá sẽ còn bị giảm như Sơn La, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang.
Thứ tư, việc cắt giảm đầu tư công mới chỉ là bước đầu và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Các Bộ, ngành, các địa phương cần phải tiếp tục rà soát và cắt giảm mạnh hơn nữa, nhất là đối với những công trình, dự án nằm trong diện mà Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đề ra. Tốc độ tăng giá tháng 5 so với tháng 4 đã chậm lại và có thể sẽ tiếp tục chậm thêm trong những tháng tới; nhưng nếu tính sau một năm thì vẫn còn rất cao và vẫn còn trong xu hướng tiếp tục tăng, có thể lên đỉnh điểm vào tháng 8. Vì vậy chưa thể lơ là với việc kiềm chế lạm phát.
So với dự toán cả năm, tính đến 15/5 chi ngân sách đã tăng 37,3%, tuy thấp hơn tỷ lệ tương ứng của thu ngân sách (41,7%), nhưng cũng chưa thể chủ quan với việc giảm bội chi ngân sách theo tinh thần của Nghị quyết 11 của Chính phủ./.
Minh Ngọc
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1982
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)