Ngày 11/5, tọa đàm với chủ đề “Việt Nam và Công ước Vienne về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế" đã được Ủy ban tư vấn Chính sách Thương mại Quốc tế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) tổ chức tại Hà Nội.
|
Sản xuất tại phân xưởng may
|
Công ước Vienne năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) là một trong những công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất hiện nay.
Với 74 thành viên, CISG được coi là ví dụ điển hình thành công thống nhất hóa pháp luật về hợp đồng trên thế giới và thiện chí đàm phán để tạo ra những quy định công bằng về quyền và nghĩa vụ của bên mua và bên bán, phù hợp với các trường phái pháp luật khác nhau.
Theo như tính toán, CISG điều chỉnh khoảng 80% giao dịch thương mại quốc tế.
Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam vẫn chưa phải là thành viên của CISG dù giao dịch thương mại quốc tế đang ngày càng sôi động.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng, giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội nhận định, với tính chất là một văn bản thống nhất luật, CISG đã nhất thể hóa được nhiều mâu thuẫn giữa các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột pháp luật trong thương mại quốc tế và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển.
Do đó, khi gia nhập CISG, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng những lợi ích này khi tham gia vào thương mại quốc tế. Gia nhập CISG cũng đánh dấu mốc mới trong quá trình tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam.
Việc gia nhập CISG giúp Việt Nam hoàn thiện pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng và pháp luật về mua bán hàng hóa nói chung.
Các chuyên gia cũng lưu ý, CISG không bao trùm mọi vấn đề pháp lý có liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Do đó, để những hợp đồng này được ký kết và triển khai thuận lợi và an toàn về phương diện pháp lý, các bên ký kết hợp đồng vẫn đồng thời phải quan tâm đến các nguồn luật khác mà chủ yếu là luật quốc gia mà CISG không điều chỉnh.
Để Việt Nam có thể thu nhận lợi ích tốt nhất từ việc gia nhập CISG, theo các chuyên gia, cần xây dựng một lộ trình đầy đủ và hợp lý để Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc áp dụng Công ước này như nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, các cơ quan làm luật, thực thi pháp luật... đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về CISG./.