Việt Nam sẽ là nước đang phát triển đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Đông Á 2010, tại thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 6-7/6 tới.
Nói về điều này, trong buổi tọa đàm về công tác ngoại giao kinh tế và thông tin liên quan đến Hội nghị, ông Sushant Rao, Trưởng Bộ phận châu Á của WEF, cho rằng việc Hội nghị diễn ra tại Việt Nam cho thấy Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thế giới, đồng thời còn là thể hiện cam kết đối tác lâu dài giữa Việt Nam và WEF.
Mặt khác, theo ông Sushant Rao, với vai trò là Chủ tịch ASEAN và nền kinh tế phát triển năng động, mạnh mẽ, một thị trường tiềm năng lớn, Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho hội nghị, điểm đến thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Hội nghị WEF Đông Á lần thứ 19-2010 mang chủ đề “Nâng cao vai trò lãnh đạo của châu Á," sẽ có sự góp mặt của các lãnh đạo chính phủ cấp cao trong khu vực, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả và giới truyền thông quốc tế.
Ông Vũ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao, cho biết đến nay đã có hơn 320 đại biểu xác nhận tham dự hội nghị, trong đó có các doanh nghiệp hàng đầu thế giới là thành viên WEF.
Trong khuôn khổ hội nghị sẽ diễn ra năm phiên họp toàn thể, hơn 10 phiên thảo luận song song, các cuộc làm việc, cùng hai tiệc tối chiêu đãi của lãnh đạo nước chủ nhà và lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.
Trước thềm hội nghị, từ 2-5/6, dự kiến có khoảng 10 sự kiện, hoạt động được WEF tổ chức. Trong thời gian hội nghị, WEF cũng thu xếp cho các doanh nghiệp và chính khách gặp gỡ song phương, các sự kiện của Nhóm Lãnh đạo Trẻ toàn cầu (Young Global Leaders), các cuộc tranh luận trực tuyến…
Trong buổi tọa đà do Bộ Ngoại giao phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/5, ban tổ chức cho biết nước chủ nhà Việt Nam cũng sẽ có nhiều hoạt động bên lề nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa và tiềm năng của Việt Nam. Trong đó có các cuộc triển lãm về các doanh nghiệp Việt Nam, hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam hướng tới phát triển bền vững,” xuất bản một số ấn phẩm về Việt Nam.
Hội nghị lần này cũng được xem là dịp tạo bước đột phá, thúc đẩy quan hệ với các đối tác nhằm mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ Việt Nam.
Ông Sushant Rao hy vọng hội nghị sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế Đông Á - khu vực phát triển mạnh nhất thế giới hiện nay, và sau diễn đàn các nước Đông Á sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, hậu khủng hoảng kinh tế, chống đói nghèo.
Hiện Việt Nam đã có 12 doanh nghiệp là thành viên WEF, trong đó có hai thành viên sáng lập và 10 thành viên Nhóm các doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng toàn cầu (GCC)./.