Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/05/2010-11:36:00 AM
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ả rập Xê út
(MPI Portal) – Sáng ngày (27/05/2010), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ả rập Xê út” dưới sự chủ trì của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, Hội đồng Phòng Thương mại Ả rập Xê út và các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Thứ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt đã giới thiệu “Chính sách môi trường đầu tư vào Việt Nam” là cơ hội tốt để giới thiệu về môi trường, cơ hội đầu tư tại Việt Nam cũng như trao đổi các giải pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Ả rập Xê út.
Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài và được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá là “Điểm đến đầu tư” tiềm năng và triển vọng.
Ông đã nhấn mạnh 5 lợi thế quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là:
- Thứ nhất, Việt Nam có chế độ chính trị xã hội ổn định là một nhân tố giúp các nhà đầu tư nước ngoài an tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
- Thứ hai, Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong thời gian dài. Việt Nam đã có 11.523 dự án ĐTNN với vốn đăng ký trên 185 tỷ USD. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế Việt Nam, bình quân chiếm gần 30% vốn đầu tư toàn xã hội, trên 35% tổng giá trị xuất khẩu, 27% nguồn thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động. Đến nay, dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục gia tằng, vốn đăng ký qua các năm lần lượt là: năm 2006 đạt 12,3 tỷ USD, năm 2007 đạt 21,3 tỷ USD, tăng 73,1%; năm 2008 đạt trên 71 tỷ USD, tăng 3,3 lần năm 2007.
- Thứ ba, Việt Nam có thị trường tiêu thụ của trên 86 triệu người, với mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Thị trường Việt Nam được kết nối với thị trường của hơn 500 triệu dân của ASEAN và thị trường rộng lớn của các tỉnh miền nam Trung Quốc thông qua hệ thống giao thông thuận lợi về đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không...
- Thứ tư, Việt Nam là nền kinh tế thị trường mới nổi, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội rất lớn, thị trường bất động sản cùng các khu đô thị đang hình thành và phát triển; Việt Nam có nhiều tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển các dự án thăm dò khai thác dầu khí, khoáng sản, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng…
- Thứ năm, Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, coi khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước do đó Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước.
Ả rập Xê út là một trong những quốc gia thuộc khu vực Trung Đông luôn được Việt Nam đánh giá là đối tác tiềm năng quan trọng. Với các thế mạnh về kinh nghiệm về phát triển công nghiệp năng lượng, cơ sở hạ tầng, xây dựng, dịch vụ vận tải, tài chính…, mà còn là những đối tác quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của Việt Nam.
Theo lời phát biểu của ông Talal A.Mirza, Chủ tịch Phòng Thương Mại Makah, Ả rập Xê út nhận định thế mạnh lớn của Việt Nam là thị trường lớn ở khu vực, có kinh nghiệm phát triển công nghiệp năng lượng, cơ sở hạ tầng, xây dựng, dịch vụ vận tải, tài chính, khả năng thanh toán cao…có nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh. Một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp Ả rập Xê út quan tâm đến hợp tác đầu tư:
- Đầu tư trong lĩnh vực dầu mỏ: Trong chuyến thăm Ả rập Xê út tháng 4 vừa qua của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là sự kiện quan trọng, mở ra một chương trình mới trong quan hệ song phương, nhiều thoả thuận hợp tác trong đó có hợp tác về dầu và việc thành lập Ủy ban Hỗn hợp hai nước đã được ký kết nhằm tạo khung pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Trong việc hợp tác lĩnh vực dầu khí không những trong việc hợp tác khai thác mà còn tính tới hơp tác trong công nghiệp hoá dầu.
- Nông nghiệp Việt Nam: Là lĩnh vực rất quan trọng, Ả rập Xê út là lãnh thổ rộng lớn nhưng thiếu nguồn nước, trong khi đó Việt Nam lại có nguồn tài nguyên nước rất phì nhiêu. Trong nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng rất lớn: như xuất khẩu gạo là một vấn đề rất quan tâm.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau đóng góp ý kiến, các doanh nghiệp của hai bên cùng nhau trao đổi thẳng thắn để quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ả rập Xê út bền vững để tìm ra các cơ hội hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp tiếp tục giữ mối liên hệ thường xuyên, tăng cường khảo sát thị trường, tích cực tham gia vào các hội chợ triển lãm tại mỗi nước và tổ chức các sự kiện hội thảo, hội nghị doanh nghiệp để qua đó phát hiện ra nhu cầu và nắm bắt khả năng hợp tác cụ thể với nhau./.
- Kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2009 đạt 4,55 triệu US, trong đó Việt Nam xuất khẩu 103 triệu USD và nhập khẩu 352 triệu USD
- Việt nam xuất khẩu sang Ả rập Xê út bao gồm: Hải sản, vải các loại, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, gạo, hạt điều, hạt tiêu, sản phẩm máy tính, than đá, chè...
- Hàng nhập khẩu gồm có: chất dẻo nguyên liệu, khí gas, sắt thép, ôtô các loại hoá chất phân bón…
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1431
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)