(MPI Portal) – Chiều nay (23/8/2010), tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Phát triển bền vững về kinh tế đã tổ chức họp tổng kết tình hình thực hiện phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế 5 năm qua (2006 – 2010) và lên chương trình tổ chức Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ 3 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh. Tham dự cuộc họp có các đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính, và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
|
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại cuộc họp, ông Lê Quang Tùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường kiêm Chánh Văn phòng Phát triển bền vững (PTBV) đã trình bày Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện PTBV về kinh tế thời kỳ 2006 – 2010. Trong định hướng chiến lược PTBV, mục tiêu đặt ra là đạt được sự tăng trưởng ổn định với cơ cấu kinh tế hợp lý, đáp ứng được yêu cầu nâng cao đời sống của nhân dân, tránh được sự suy thoái trong tương lai, tránh để lại gánh nợ nần cho các thế hệ mai sau. Mục tiêu PTBV đã được cụ thể hóa trong thời gian qua bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 7% so với kế hoạch đề ra là 7,5%-8%, theo đó GDP tính theo giá so sánh năm 2010 gấp 2 lần năm 2000. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Dự kiến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP là 40,3%, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp là 19,9% và tỷ trọng dịch vụ là 38,9%. Các chủ trương đường lối đổi mới của Đảng tiếp tục được thể chế hóa thành pháp luật, cơ chế chính sách ngày càng đầy đủ, đồng bộ hơn. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo, cân đối ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế thặng dư liên tục trong 3 năm 2006 – 2008. Nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức khá cao, tăng 18,6%/năm, chiếm trên 43% GDP, vượt mức kế hoạch đề ra. Nguồn vốn ODA cam kết năm sau tăng cao hơn năm trước, năm 2010 đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kết cấu hạ tầng có bước phát triển.
|
Ông Lê Quang Tùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường kiêm Chánh Văn phòng Phát triển bền vững trình bày Dự thảo Báo cáo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Bên cạnh những kết quả đó, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều điểm tồn tại cần khắc phục. Đó là kinh tế phát triển chưa bền vững: Tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng.Các số liệu thống kê từ năm 2003 đến nay cho thấy yếu tố vốn đóng góp vào tăng trưởng chiếm tới 52,7%, gấp 3 lần đóng góp của lao động (19,1%), còn đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) chỉ chiếm 28,2% (trong khi đó, chỉ số này ở các nước trong khu vực ASEAN là 35-40%, tại các nước phát triển là 60-75%). Chỉ số kinh tế tri thức năm 2008 là 3,02, xếp thứ 102/133 nước có khảo sát. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển thấp, chỉ số ICOR tiếp tục tăng cao (6,9% trong giai đoạn 2001 – 2008).
Dự thảo Báo cáo cũng đưa ra đánh giá về kết quả thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên về kinh tế nêu trong Định hướng chiến lược PTBV ở Việt Nam, bao gồm: Tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định; Thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; Thực hiện công nghiệp hóa sạch; Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; Phát triển bền vững vùng và địa phương.
|
Các đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Các đại biểu tham dự cuộc họp đã đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo, đồng thời thảo luận về nội dung dự kiến của Diễn đàn PTBV về kinh tế tại Hội nghị PTBV toàn quốc lần thứ 3 sắp diễn tại Hà Nội./.
Hương Lan
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư