Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Chính phủ Việt Nam, ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng các Bộ trưởng Kinh tế của 9 quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư về Đối xử đặc biệt với gạo và đường trong ASEAN.
|
Các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN tại buổi ký kết
|
Năm 2007, Nghị định thư về Đối xử đặc biệt với gạo và đường được ký kết trong khuôn khổ Hiệp định về Chương trình Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) cho Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) nhằm mục đích cho phép một nước thành viên được miễn trừ trách nhiệm đối với các cam kết thuế quan quy định tại Hiệp định CEPT đối với hai mặt hàng là gạo và đường.
Cho đến nay, hai nước là Indonesia và Philippines áp dụng Nghị định thư này.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 (tháng 2/2009 tại Thái Lan), các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) để thay thế cho Hiệp định CEPT/AFTA và các Hiệp định liên quan.
Do Nghị định thư về Đối xử đặc biệt với gạo và đường năm 2007 được dẫn chiếu đến Hiệp định CEPT/AFTA nên sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ ngày 17/5/2010, các nước nhất trí sẽ đàm phán và ký kết Nghị định thư sửa đổi nhằm thay đổi nguồn dẫn chiếu các quy định trong Nghị định thư từ Hiệp định CEPT/AFTA sang Hiệp định ATIGA.
Được xây dựng với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN, Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư về Đối xử đặc biệt với gạo và đường trong ASEAN đã góp phần giải quyết vấn đề thủ tục, mang tính kỹ thuật và rà soát pháp lý mà các nước ASEAN buộc phải thực hiện khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực.
Việc Việt Nam tham gia ký kết Nghị định thư góp phần khẳng định nỗ lực và sự tích cực trong tiến trình hội nhập khu vực, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam được yêu cầu miễn trừ trách nhiệm đối với các cam kết thuế quan về hai mặt hàng gạo và đường trong ASEAN trong trường hợp cần thiết./.