Cùng với sự phục hồi của các nền kinh tế trong khu vực, tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng đã đạt những kết quả quan trọng với sự hình thành vững chắc của Khu vực thương mại tự do ASEAN về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, việc triển khai một số chương trình hợp tác trọng điểm như Cơ chế hải quan một cửa và Chương trình thuận lợi hóa thương mại. Đặc biệt, tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo sẽ xem xétKế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN cũng như việc lập Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN để hỗ trợ đắc lực cho liên kết nội khối và tạo tiền đề cho liên kết khu vực rộng lớn hơn ở Đông Á. Hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác cũng có những tiến triển khả quan, nhất là việc hoàn tất các thoả thuận về Khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với 6 đối tác ở khu vực Đông Á cũng như Thoả thuận đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai trong khuôn khổ ASEAN+3. Hiệp hội cũng đã có nhiều nỗ lực hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo định hướng nêu trong Tuyên bố ASEAN về phục hồi và phát triển bền vững được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 16.
"Chúng ta vui mừng về những thành tựu to lớn đã đạt được, đồng thời cũng nhận thức rõ những nhiệm vụ cần được tiếp tục trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, với những cơ hội và thách thức đan xen. Chúng ta cũng phấn khởi trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ giữa ASEAN với các đối tác trong năm qua, thông qua việc tăng cường đối thoại thường xuyên ở các cấp và những kết quả quan trọng trong việc thực hiện các Kế hoạch hành động triển khai các Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện" (Trích Diễn văn khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng)
|
Tại Hội nghị lần này, ngoài Hội nghị cấp cao hàng năm ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác Australia, NewZealand, Nga và Liên hợp quốc. ASEAN cũng đã họp Hội nghị cấp cao lần hai với Hoa Kỳ nhằm thoả thuận nâng quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ lên tầm cao mới. Cùng với quan hệ đối tác chiến lược đã có với Trung Quốc và Nhật Bản, dịp này ASEAN và Hàn Quốc sẽ xem xét và quyết định nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược.
Triển khai quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 tiếp tục bàn phương hướng và biện pháp bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của các diễn đàn khu vực hiện có do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, kể cả việc mở rộng phạm vi của Hội nghị cấp cao Đông Á để Nga và Hoa Kỳ tham gia nhưng vẫn bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức và ưu tiên của Diễn đàn.
Với tư cách là Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận một số vấn đề quan trọng như:
Thứ nhất, cần tiếp tục đề ra và tiến hành các giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là các giải pháp để tạo ra sự chuyển biến thực sự về “văn hóa thực thi”.
Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN thông qua các kế hoạch và biện pháp cụ thể để hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN; chủ động thúc đẩy quan hệ với các đối tác thông qua khuôn khổ ASEAN+1 lên tầm cao mới.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình trên cơ sở các quyết định của Cấp cao ASEAN-16. ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để các đối tác tham gia sâu rộng và đóng góp xây dựng hơn vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực trên cơ sở bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN và hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Thứ tư, tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của ASEAN là nhân tố quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, cần tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh để nâng cao hiểu biết và tin cậy giữa các quốc gia;đẩy mạnh hợp tác rộng rãi nhằm đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh an toàn trên biển…
Thứ năm, ASEAN cần thể hiện vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay, nhất là khủng hoảng tài chính - kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...
Theo đó, ASEAN cần tiến hành những biện pháp cụ thể nhằm gia tăng hợp tác nội khối, đồng thời thúc đẩy hợp tác với khuôn khổ khu vực rộng lớn hơn và đóng góp tích cực cho những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, kể cả những hoạt động liên quan của Liên hợp quốc./.