Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/07/2010-10:09:00 AM
Ứng phó biến đổi khí hậu: Phát triển kinh tế theo hướng carbon thấp
Sử dụng công nghệ hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, phát thải ít khí carbon – khí gây hiệu ứng nhà kính là hướng phát triển kinh tế “xanh”, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Phát triển các nguồn năng lượng sạch góp phần giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu
Đó là ý kiến mà các chuyên gia, nhà quản lý nêu ra tại cuộc tọa đàm vừa qua do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức với chủ đề “Hànhđộng thiết thựcứng phó vớibiếnđổi khí hậu”.
Thạc sĩ Trương Đức Trí, Thư ký Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Trưởng phòng Kế hoạch Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhận thức rõ các tác động khôn lường của biến đổi khí hậu (BĐKH), Chính phủ đã chỉ đạo việc hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó BĐKH.
“Việt Nam là một trong là một trong số ít các quốc gia đã xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH”, ông Trí cho hay.
Mục tiêu chiến lược của Chương trình (được ban hành theo Quyết định 158/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) là đánh giá được mức độ tác động của BĐKH với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả BĐKH cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.
Theo ông Trí, việc đẩy mạnh triển khai Chương trình sẽ giúp chúng ta đảm bảo sự phát triển bền vững, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp.
Bên cạnh Chương trình hành động này, chúng ta có nhiều chính sách góp phần định hướng con thuyền kinh tế tới mô hình tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường.
Trong bài viếtmới đây với chủ đề “Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược phát triển KT-XH của đất nước ta”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường; chủ động đối phó với hiểm họa nước biển dâng; sử dụng công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, phát triển kinh tế xanh là nội dung có tác động mạnh nhất đến phát triển bền vững.
Nội dung này sẽ được thể hiện trong toàn bộ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như trong từng lĩnh vực, ở từng địa phương, đơn vị.
Một trong những dấu ấn cho việc “phát triển xanh” là gần đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 567/2010 về “Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020”. Theo đó, đến năm 2015 phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung với tỷ lệ 20-25% và nâng lên 30-40% vào năm 2020, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây.
Quyết định này rất có ý nghĩa khi biết rằng để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp, và 150.000 tấn than, thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường.
Năm 2007, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 130/2007/QĐ-TTg về một số chính sách, cơ chế tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM).
Và từ đó đến nay, ngày càng nhiều dự án CDM đã được triển khai ở nước ta như dự án "Thu hồi và sử dụng khí thải tại bãi rác Nam Sơn-Hà Nội", dự án tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực nồi hơi công nghiệp, dự án thu gom khí đồng hành mỏ Rạng Đông… Từ những dự án này, chúng ta đã giảm thiểu hàng trăm ngàn tấn CO2 phát thải vào môi trường.
Phát triển năng lượng sạch
Đồng tình quan điểm với ông Trương Đức Trí về phát triển kinh tế theo hướng carbon thấp, ông Đỗ Mộng Hùng, Trưởng Ban kỹ thuật sản xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh vấn đề phát triển năng lượng sạch, tái tạo.
Ông Hùng cho rằng, phát triển thuỷ điện là một trong những lựa chọn ưu tiên. Việt Nam với địa hình nhiều sông ngòi nên thủy điện là một lợi thế để phát triển. Tính đến tháng 6/2010, công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống là trên 19.000 MW, trong đó hơn 6.500 MW là thủy điện, chiếm 34,2%.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong quy hoạch phát triển điện lực, tỷ lệ thủy điện trong cơ cấu nguồn điện sẽ giảm xuống so với hiện nay, dự kiến đến năm 2020 chiếm khoảng 26% tổng công suất đặt của hệ thống điện và đến năm 2030 chỉ còn chiếm khoảng 16%, để giảm ảnh hưởng bất lợi của BĐKH đến khả năng phát điện của hệ thống.
“Giảm nhẹ tác nhân gây BĐKH trong sản xuất điện bằng cách tập trung đầu tư xây dựng các tổ máy điện hạt nhân đầu tiên và đưa vào vận hành vào năm 2020 và các năm tiếp theo, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện như điện gió, điện mặt trời”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, cần tập trung bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng đầu nguồn để duy trì nguồn nước bền vững cho các nhà máy thủy điện hoạt động lâu dài, không bị cạn kiệt nguồn nước.
Ông Hùng bày tỏ mong muốn, người tiêu dùng cùng góp sức giảm thiểu tác hại của BĐKH bằng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Các doanh nghiệp cần đầu tư thiết bị có hiệu suất cao, áp dụng công nghệ hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, tiêu tốn ít điện năng, giảm phát thải khí carbon./.
Minh Huệ
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1003
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)