Kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước ASEAN đã tăng lên nhanh chóng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như các nước thành viên của Hiệp hội.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và các nước ASEAN trong 2 quý đầu năm 2010 tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 18% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trong số các nước ASEAN, Sinhgapore luôn là đối tác lớn nhất với tổng trị giá hàng hoá trao đổi giữa hai nước là 3,25 tỷ USD. Tiếp theo là Thái Lan: 3,12 tỷ USD và Malaixia: 2,43 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt hơn 5,24 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2009 và chiếm 16,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo Tổng cục Hải quan, nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN tăng mạnh trong 6 tháng năm 2010 là do trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng tăng đột biến như hàng sắt thép tăng 162 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng 153 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 135 triệu USD; điện thoại di động tăng gần 120 triệu USD và đồng tinh luyện tăng 67 triệu USD… Chỉ tính riêng 5 nhóm hàng này, kim ngạch tăng đã đóng góp 637 triệu USD, chiếm tới gần 80% trong tổng số 800 triệu USD tăng thêm của kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN 6 tháng đầu năm nay.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường ASEAN vẫn là gạo và dầu thô với trị giá chiếm xấp xỉ 37% tổng kim ngạch hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, 2 mặt hàng này đều đạt tốc độ tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm.
Con số nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam thời gian qua cũng cho thấy Việt Nam đang nhập siêu từ khu vực này.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ thị trường các nước ASEAN hơn 7,58 tỷ USD, giảm 28,3% so với 6 tháng năm 2009 và chiếm tới 19,6% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước từ tất cả các thị trường trên thế giới.
Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như: xăng dầu các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; chất dẻo nguyên liệu; giấy… Trị giá 4 nhóm hàng này chiếm hơn 37% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường ASEAN trong 2 quý đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước tới 2,47 tỷ USD chủ yếu do trị giá nhập khẩu một số nhóm hàng chủ lực tăng mạnh như xăng dầu các loại tăng 174 triệu USD; đồng tăng 108 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng 90 triệu USD; linh kiện & phụ tùng xe máy tăng 87 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 84 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 79 triệu USD và linh kiện ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống tăng 72 triệu USD…
Như vậy trong 6 tháng đầu năm 2010, cán cân thương mại giữa Việt Nam và ASEAN tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam với mức thâm hụt 2,34 tỷ USD, gần bằng 45% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này và bằng 37% mức nhập siêu của cả nước.
Tổng cục Hải quan cho rằng, thị trường ASEAN được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, những nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là nguyên liệu thô và sơ chế nên hàm lượng giá trị gia tăng chưa cao.
Mặt khác, những mặt hàng này sẽ từng bước được cắt giảm do nguồn nguyên liệu tự nhiên đang cạn kiệt dần cũng như việc thực hiện chính sách hạn chế tài nguyên xuất khẩu. Chính vì vậy, để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này chúng ta cần có những biện pháp cũng như cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như dệt may, hàng giày dép, hàng thuỷ sản…
Các chuyên gia thương mại cũng khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho hàng hóa, tận dụng những lợi thế ASEAN là thị trường gần, có nhiều nét tương đồng, dân số đông, tốc độ tăng trưởng cao, chi phí cho quảng cáo và tiếp thị thấp. Những cơ hội này nếu biết tận dụng sẽ giúp các doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào các nước thành viên ASEAN để tăng thị phần và xây dựng thương hiệu của mình./.