Ngày 14/9, tại hội nghị "Lịch sử" ở thủ đô Oslo của Na Uy, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cùng lãnh đạo các nước, giới kinh doanh, công đoàn và học giả trên thế giới đã kêu gọi các nước cam kết phục hồi kinh tế tập trung vào tạo việc làm.
Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải hành động để đưa hàng triệu người lao động thất nghiệp trở lại có việc làm.
Giải quyết nạn thất nghiệp không chỉ quan trọng đối với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu một cách bền vững mà còn là nhân tố thiết yếu để đoàn kết xã hội và hòa bình.
Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia khẳng định bài học lớn nhất rút ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là tạo nhiều việc làm phải là mục tiêu kinh tế vĩ mô then chốt cùng với lạm phát thấp và ngân sách bền vững. Cộng đồng thế giới cần đưa tiến trình toàn cầu hóa trở lại đúng đường.
Theo ILO, số người thất nghiệp đã tăng 30 triệu người từ năm 2007. Thất nghiệp là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà Thế giới đang phải đối mặt, trong đó cái giá phải trả đối với con người thực sự là thảm kịch, đặc biệt là có tới 81 triệu thanh niên thất nghiệp, chiếm 13% lực lượng lao động toàn cầu năm 2009.
Giám đốc Strauss-Kahn nhấn mạnh rằng thế giới không được đánh giá thấp thảm kịch về một thế hệ bị tổn thương, sự gián đoạn của thị trường lao động với những tài năng và động cơ bị mất.
Tại hội nghị Oslo, IMF và ILO đã nhất trí phối hợp phát triển chính sách phục hồi kinh tế trong hai lĩnh vực đặc thù. Một là cùng nghiên cứu khái niệm “sàn bảo vệ xã hội” dành cho những người sống nghèo khổ và dễ bị tổn thương trong khuôn khổ các chính sách kinh tế vĩ mô trung và dài hạn cũng như các chiến lược phát triển. Hai là tập trung vào các chính sách thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở tạo nhiều việc làm và việc làm có chất lượng.
IMF và ILO cũng thỏa thuận vai trò trung tâm của đối thoại xã hội hiệu quả trong quá trình tăng cường sự đồng thuận cần thiết để giải quyết các thách thức bắt nguồn từ khủng hoảng, trong đó bao gồm cả hậu quả xã hội của khủng hoảng.
Hai cơ quan phát triển này của Liên hợp quốc nhấn mạnh luật chơi trước và sau khủng hoảng đã thay đổi, vì vậy Thế giới cần có tư duy khác về nền kinh tế thế giới đồng thời cũng nhất trí tăng cường hợp tác hỗ trợ nhóm G-20 và tiến trình đánh giá chung của nhóm này nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cân bằng, bền vững và mạnh mẽ./.