Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/03/2014-12:32:00 PM
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 3 năm 2014

1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 3 năm 2014

Trong tháng 3 năm 2014, cả nước có 7.487 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 35.081 tỷ đồng, tăng 87% về số doanh nghiệp và tăng 82,9% về số vốn đăng ký so với tháng 2 năm 2014.

Về số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký, cả nước có 4.358 doanh nghiệp tăng 1,6% so với tháng 2 năm 2014, trong đó: Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn là 740 doanh nghiệp, giảm 18,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 2.928 doanh nghiệp, tăng 16,4%; số doanh nghiệp giải thể là 690 doanh nghiệp, giảm 20%.

Về số doanh nghiệp gặp khó khăn rơi vào trạng thái ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong tháng 3 năm 2014, cả nước có 982 doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động, giảm 28,4% so với tháng 2 năm 2014 (1.265 doanh nghiệp).

2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp Quý I năm 2014

a) Về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giải thể, ngừng hoạt động và quay trở lại hoạt động

Trong Quý I năm 2014, cả nước có 18.358 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 97.983 tỷ đồng, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và tăng 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Qua thống kê cho thấy, đây là Quý thứ tư có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng liên tiếp so với cùng kỳ năm trước. (Quý II/2013 tăng 20,1%, Quý III/2013 tăng 18,1%, Quý IV/2013 tăng 8%, Quý I/2014 tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước).

Quý I năm 2014, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động, hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 16.745 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 3.846 doanh nghiệp, tăng 7,8%; Số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 10.318 doanh nghiệp, tăng 9,3%; Số doanh nghiệp giải thể là 2.581 doanh nghiệp, tăng 13,6%.

Về số doanh nghiệp gặp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong Quý I năm 2014 là 4.622 doanh nghiệp, so với Quý IV/2013 số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 48,9%.

b) Cơ cấu doanh nghiệp đăng ký theo vùng lãnh thổ

Trong Quý I năm 2014, khu vực doanh nghiệp có sự chuyển biến rất khác nhau giữa các vùng kinh tế. Các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên có xu hướng chuyển dịch tốt nhất khi lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lần lượt là 10,5% và 133%, đồng thời số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm lần lượt là 3% và 14% so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật tại các vùng này có các địa phương:

Đắc Lắk (thành lập mới tăng 112,4%, dừng hoạt động giảm 34,2%); Gia Lai (tăng 63,8%, giảm 49,3%); Thái Bình (tăng 20,7%, giảm 72,7%); Thành phố Hà Nội (tăng 12,2%, giảm 8,3%).

Tại một số địa bàn khác, quá trình tham gia, đào thải, sàng lọc doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, khi có số doanh nghiệp gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước. Điển hình là một số địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung, Đông Nam Bộ như: Hà Giang (thành lập mới tăng 120%, dừng hoạt động tăng 55%); Bình Dương (tăng 87,3%, tăng 102,2%); Nghệ An (tăng 44,4%, tăng 36,7%); Đà Nẵng (tăng 17,4%, tăng 37,6%); Thành phố Hồ Chí Minh (tăng 6,4%, tăng 17,4%).

Ngược lại với tình hình tích cực nêu trên, cộng đồng doanh nghiệp tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long lại đang thể hiện một bức tranh đang còn nhiều khó khăn được biểu hiện như sau: số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng thấp (2,5%) trong khi số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng hoạt động lại gia tăng cao (26,1%) so với cùng kỳ, trong đó, nhiều địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh và số doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng hoạt động lại tăng cao như: Sóc Trăng (thành lập mới giảm 41,8%, dừng hoạt động tăng 615,2%); Hậu Giang (giảm 42,7%, tăng 0%); Kiên Giang (giảm 0,9%, tăng 72,1%).

c) Về cơ cấu doanh nghiệp đăng ký theo lĩnh vực hoạt động

Trong Quý I năm 2014, những ngành có xu hướng tốt lên khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước là: Hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân (thành lập mới tăng 52,1%, dừng hoạt động giảm 33%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 18,9%, giảm 14,7%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 57,3%, giảm 5,4%) .

Tại một số ngành khác đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động cùng tăng trong việc gia nhập đồng thời rút lui của các doanh nghiệp trên thị trường so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (thành lập mới tăng 42,4%, dừng hoạt động tăng 52,5%); Thông tin và truyền thông (tăng 42,4%, tăng 21,3%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 39,3%, tăng 10,2%); Kinh doanh bất động sản (tăng 22,6%, tăng 15%).

Ngược lại với các ngành có xu hướng tái cơ cấu mạnh mẽ, vẫn còn một số ngành còn thể hiện sự khó khăn so với cùng kỳ năm trước, khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng thấp trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng cao như: Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (thành lập mới tăng 2,6%, dừng hoạt động tăng 3,5%); Xây dựng (tăng 5,9%, tăng 14,2%).

3. Dự báo tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2014

3.1. Nhận định về tình hình kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới và những tác động tới khu vực doanh nghiệp

a) Tình hình kinh tế thế giới và trong nước

Kinh tế thế giới tiếp tục đón nhận những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn, như: Mỹ, Nhật Bản, EU. Sản lượng toàn cầu duy trì đà tăng trưởng; hoạt động sản xuất có mức tăng ấn tượng trong 4 tháng liên tiếp tại các nền kinh tế phát triển, như: Anh, Mỹ, Nhật Bản và Ailen. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cản trở sự phục hồi của kinh tế thế giới: tại một số nước phát triển, tình trạng nợ công vẫn chưa được cải thiện nhiều, tỷ lệ thấp nghiệp vẫn ở mức khá cao; tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, sản lượng tăng chậm hơn, tăng trưởng giảm sút.

Kinh tế Mỹ duy trì đà phục hồi: chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tăng mạnh, đạt 57,3 điểm trong tháng 02/2014; doanh số bán hàng tăng; tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 6,6-6,7%%, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2008... Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn đang phải đối mặt với vấn đề nợ công tăng cao . Kinh tế châu Âu tiếp tục có những tín hiệu phục hồi với sự chuyển biến tích cực của khu vực sản xuất: chỉ số PMI tăng 3 tháng liên tục; thương mại nội khối cải thiện... Tuy nhiên, nền khu vực này vẫn phải đối mặt với tình trạng giảm phát kéo dài và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cao. Kinh tế Nhật Bản tuy có những dấu hiệu cải thiện với việc sản xuất mở rộng nhưng thiếu vững chắc; thâm hụt thương mại và cán cân vãng lai tiếp tục trầm trọng hơn; chi tiêu dùng tăng thấp.

Tại nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tốc độ tăng trưởng vẫn suy giảm, sản lượng hàng hóa dịch vụ tăng chậm hơn; chỉ số phát triển (EMI) tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp và chưa có dấu hiệu hồi phục. Nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ suy giảm; thâm hụt thương mại tăng; sản xuất giảm mạnh (chỉ số PMI tháng 02/2014 giảm xuống còn 48,5 điểm).

Về tình hình kinh tế trong nước: trong thời gian tới, với đà phục hồi tăng trưởng trong Quý I/2014, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực; lạm phát tiếp tục được kiềm chế; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục phục hồi; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định và có những chuyển biến; khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của cả nước; hoạt động xuất khẩu sẽ vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại tệ Nhà nước; khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được quan tâm tháo gỡ; tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện hơn.

b) Cơ hội của doanh nghiệp

- Sự ổn định của kinh tế vĩ mô và lạm phát tiếp tục được kiềm chế trong năm 2014 là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp yên tâm xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất.

- Dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2014, tạo động lực thúc đẩy đà hồi phục của doanh nghiệp, tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp gia nhập thị trường và tăng thêm cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

- Hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng xuất khẩu và giảm hàng tồn kho. Là động lực để các doanh nghiệp đổi mới kỹ thuật, tìm đầu ra và hướng đi mới cho sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

- Lãi suất ngân hàng ở mức hợp lý, giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí lãi vay của doanh nghiệp.

3.2. Dự báo tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2014

Qua theo dõi những chuyển biến của tình hình đăng ký doanh nghiệp trong thời gian qua và tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, dự báo năm 2014, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn cùng với đó là những thách thức mới. Tuy nhiên, nền kinh tế vĩ mô cũng cho thấy những dấu hiệu hồi phục, niềm tin và cơ hội kinh doanh đang dần quay trở lại với doanh nghiệp. Ước tính năm 2014, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới sẽ tăng khoảng 10,3% (lên 80 nghìn doanh nghiệp) với số vốn đăng ký tăng khoảng 10,5% (lên 420 nghìn tỷ đồng) so với năm 2013. Số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động năm 2014 ước tăng khoảng 10% so với năm 2013./.


Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2157
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)