Một trong những vấn đề lớn nhất được các đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý về tình hình, phương hướng phát triển KT-XH là chất lượng tăng trưởng.
|
Quốc hội thảo luận tại hội trường
|
Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011 ngày 1/11/2010, các đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ.
Năm nay 15/21 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được nguy cơ lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009. Bên cạnh đó lĩnh vực an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả, đời sống nhân dân ổn định và phát triển. Tăng trưởng GDP năm 2010 khoảng 6,7% cao hơn dự kiến của Quốc hội đưa ra (6,5%).
“Có được kết quả đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự giám sát tích cực có hiệu quả của Quốc hội, sự phấn đấu nỗ lực và sáng tạo của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nền kinh tế nước ta vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, nhất là nguy cơ về chất lượng tăng trưởng còn thấp, lạm phát có xu hướng tăng cao.
Trong số 6 chỉ tiêu không hoàn thành chủ yếu là các chỉ tiêu xã hội như tỷ lệ dân số đô thị được dùng nước sạch, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom và tỷ lệ che phủ rừng…
Trong năm 2011, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung xử lý những vấn đề như ô nhiễm môi trường; khắc phục tình trạng thiếu điện, ách tắc giao thông, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp nông thôn.
Cũng về chất lượng tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) dẫn số liệu báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hệ số giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục giảm, từ 0,62 (năm 2008) xuống 0,53 (năm 2009). Dự kiến năm 2010 chỉ còn 0,43.
Điều đó cho thấy tốc độ tăng giá trị gia tăng không tương xứng với tốc độ tăng quy mô sản xuất mà tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tăng nguồn vốn và tăng nguồn lao động. Điều đó phản ánh tăng trưởng kinh tế chưa bền chặt.
“Tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá chặt chẽ hơn cơ cấu đầu tư, chỉ tập trung đầu tư những dự án mũi nhọn thiết thực và hiệu quả, phải cương quyết dừng những dự án chưa thật sự cấp bách và hiệu quả kém”, đại biểu góp ý.
Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) bổ sung, có số liệu cho thấy tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào vốn (chiếm 52-53%), lao động (19-20%).
Tỷ trọng đóng góp của vốn cao gấp 3 lần tỷ trọng của lao động, trong khi nguồn vốn nước ta còn thiếu, nguồn lao động lại dồi dào hơn. Theo đại biểu, nếu kéo dài tình trạng này, sẽ không có bước tiến mang tính đột phá về phát triển.
Bên cạnh đó, nông thôn nước ta chiếm trên 50% trong tổng số lao động các khu vực, đóng góp trên 20% GDP vàđây cũng là lĩnh vực chủ yếugiúp nước ta vượt quakhó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua.Trong khiđó,đây là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro và bị ảnh hưởng thiên tai hàng năm.
Lao động qua đào tạo ở nông thôn chỉ chiếm trên dưới 10% so với 25% ở khu vực thành thị. Đây cũng là những khó khăn cho phát triển.
Các đại biểu đề xuất đầu tư hơn nữa cho an sinh xã hội, nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Các đại biểu cho rằng, tăng trưởng kinh tế gắn với tăng chất lượng đời sống nhân dân thì đó mới là sự tăng trưởng chất lượng cao
“Hơn 70% dân số ở khu vực nông nghiệp và nông thôn, vì thế phải phấn đấu làm sao tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển đời sống của nhân dân và làm thế nào để người nông dân thực sự nếm được vị ngọt của tăng trưởng kinh tế”, đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) bày tỏ.
Với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP năm 2011 là 7-7,5%, theo nhiều đại biểu, cử tri mong rằng đằng sau con số đó là công ăn việc làm ngày càng tăng, thu nhập được ổn định, không bị lạm phát ngốn mất, trẻ em đến trường không chỉ được dạy chữ mà còn biết lễ nghĩa, có kỹ năng sống và biết gắn kết với cộng đồng, người bệnh vào viện không phải nằm đôi, nằm ba, ra đường không bị kẹt xe, ngập nước...
Hồng Phong
Cổng thông tin điện tử Chính phủ