Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2011 có thể đạt khoảng 84,5-85,5 tỷ USD, tăng 17,0-18,4% so với năm 2010, cao hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho ngành tới 6,1 tỷ USD.
Số liệu trên được đưa ra tại cuộc tháng sơ kết sáu tháng đầu năm và phương hướng sáu tháng cuối năm của ngành công thương, tổ chức sáng nay, 4/7 tại Hà Nội.
Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng
Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 42,3 tỷ USD, trong đó, yếu tố tăng giá ước đạt 15,6% và yếu tố tăng do lượng ước đạt 14,7%.
So với chỉ tiêu Quốc hội đề ra năm 2011 là 79,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thì đến nay đã đạt 53% kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ kế hoạch, các mặt hàng chủ lực vẫn đóng góp tích cực vào kim ngạch chung.
Cụ thể, nhóm hàng nông sản thủy sản dự báo sẽ đạt giá trị xuất khẩu khoảng 19 tỷ USD trong năm nay, tăng 25% so với năm 2010. Nhóm nhiên liệu và khoáng sản dự kiến đạt 10,6 tỷ USD, còn nhóm hàng công nghiệp dự kiến đạt 45 tỷ USD.
Mặt hàng dệt may cũng đạt con số xuất khẩu ấn tượng với 6,16 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm và đạt tỷ lệ xuất siêu 2,16 tỷ USD. Tính chung cả năm 2011, xuất khẩu dệt may dự báo có thể cán đích 13 tỷ USD.
Tính chung nửa đầu năm qua, đã có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Sau khi trừ yếu tố vàng, giá trị xuất khẩu tuyệt đối của sáu tháng đầu năm đã tăng 10,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, nhận xét xuất khẩu tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái là một kết quả khả quan trong khi chịu tác động từ một loạt yếu tố trong nước như: lạm phát, chi phí đầu vào và lãi suất tăng cao, cộng với những tác động bên ngoài từ động đất ở Nhật Bản, bất ổn ở châu Phi bất ổn và khủng hoảng nợ ở châu Âu…
“Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam có nhập khẩu vàng nên việc tái xuất vàng không có gì là bất thường cũng như không tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu,” ông Chinh nhấn mạnh.
Không chủ quan với nhập siêu
Mặc dù đạt được những thành tích ấn tượng trong xuất khẩu, nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương thì lãi suất và giá cả một số mặt hàng như điện, xăng dầu, sắt thép vẫn tăng cao.
Cơ cấu tăng trưởng một số mặt hàng xuất khẩu vẫn chưa đồng đều, lượng nhập khẩu vẫn tập trung mạnh vào nhóm nguyên nhiên vật liệu trong khi giá đầu vào của nhóm này đang tăng mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề nhập siêu trong thời gian tới.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng kiến nghị, với hơn 30 doanh nghiệp sản xuất thép cán xây dựng và 20 doanh nghiệp thép phôi thì lượng thép đang dư thừa khá lớn (khoảng 800 tấn thép cán nguội), nếu không xuất khẩu được sẽ gây gánh nặng cho nhập siêu.
Trong các thị trường nhập khẩu thì châu Á vẫn là thị trường chủ yếu, lên tới 32,5 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm. Trong đó, thị trường ASEAN là 8,5 tỷ USD, tăng 36%, tiếp theo là Hàn Quốc là 4,9 tỷ USD, tăng 45,6%, Nhật Bản là 3,9 tỷ USD, tăng 19,2%, Đài Loan là 3,7 tỷ USD, tăng 37,3% và Trung Quốc là 9,1 tỷ USD, tăng 23,1%.
Theo dự báo của Bộ Công thương, nhập khẩu sáu tháng cuối năm khoảng 49,5-50,5 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu của cả năm đạt khoảng 99,0 tỷ USD. Ước tính lượng nhập siêu cả năm 2011 sẽ vào khoảng 14-14,5 tỷ USD, bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu.
Trong số các giải pháp để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương chú trọng vào việc kiểm soát chặt các mặt hàng xa xỉ và làm tốt công tác cấp phép tự động đối với một số mặt hàng trong nước sản xuất được.
Ông Nguyễn Tiến Vỵ cho biết hiện các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chặt các mặt hàng xa xỉ như: điện thoại di động, rượu, mỹ phẩm chỉ được thực hiện tại 3 cảng quốc tế chính là Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, với thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương có hiệu lực (ngày 26/6) quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi chở xuống, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc sẽ giảm khá mạnh.
Ước tính số lượng nhập khẩu xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi đã giảm từ 5.300 chiếc trong tháng Năm xuống còn 4.800 chiếc trong tháng Sáu, đạt kim ngạch 85 triệu USD.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thông tư 24/2010/TT-BCT về cấp phép tự động đối với một số mặt hàng, như Thép và một số sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được để bình ổn thị trường trong nước.
Một trong những đòn bẩy cho xuất khẩu thời gian tới chính là các hiệp định thương mại tự do đã ký được với nhiều đối tác.
Theo đó, việc tận dụng được các C/O ưu đãi, mở cửa về thuế sẽ là điểm nhấn trong sáu tháng cuối năm và là một giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có lợi thế./.