Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/11/2010-14:28:00 PM
Thúc đẩy hợp tác công – tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT chủ trì Diễn đàn đối tác khu vực công và tư: Cơ hội đầu tư trong ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh như vậy khi chủ trì Diễn đàn đối tác khu vực công và tư: Cơ hội đầu tư trong ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chiều nay (10/11).
Những nỗ lực này không chỉ hướng đến mục tiêu đạt lợi nhuận cao trong nông nghiệp mà còn nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất tinh thần cho người nông dân, để người nông dân làm chủ nông thôn mới.
Trong bối cảnh hiện nay, khi dòng vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp còn nhỏ so với những lĩnh vực khác, có thể nói hình thức hợp tác công tư (Public Private Partneship – PPP) mang ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tận dụng được nguồn lực, công nghệ, quản lý và thị trường của các Tập đoàn đa quốc gia.
Thông qua cách tiếp cận mới, đối tác PPP sẽ huy động tốt nguồn lực của tư nhân và sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Đây cũng là tiền đề tạo ra các bước đột phá nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay đẩy mạnh thực hiện chương trình nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
PPP là phương thức hợp tác mà ở đó các dự án công được tư nhân cấp vốn thực hiện.
Hiện nay có hơn 100 quốc gia áp dụng phương thức hợp tác này có hiệu quả, với các loại dự án điển hình là nhượng quyền thu phí; thiết kế, xây dựng, cấp vốn và vận hành; nhượng quyền kinh doanh và tư nhân hóa.
Tại các nước công nghiệp hóa, hình thức PPP đã cho phép chuyển giao các dịch vụ công cho khu vực tư nhân với tư cách là một phần của chính sách của Nhà nước.
Tại Diễn đànnày, các doanh nghiệp quốc tế, các tập đoàn lớn tại Việt Nam và thế giới như Metro Cash and Cary, Nestle, Unilever, Sygenta, Foods, Pepsi, Yara International, Monsanto, Bunge… đãthảo luận sôi nổi và trao đổi với Bộ NNPTNT cùng các bộ, ngành liên quan về các dự án thí điểm theo hình thức này nhằm thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng lực, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, kinh nghiệm quản lý của khu vực tư nhân, quảng bá và mở rộng thị trường nông lâm, thuỷ sản Việt Nam…
Hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao những nỗ lực, sáng kiến và chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là Chương trìnhphát triển nông thôn mới trong đó xác định nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới.
Các đại biểu gợi ý một số mô hình PPP có thể đẩy mạnh như xây dựng chuỗi hàng hóa mà người nghèo, nông dân có thể phát huy thế mạnh của mình; tập trung vào những sản phẩm, hàng hóa cụ thể trong kinh doanh, sản xuất ở nông thôn; áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; xã hội hóa đầu tư cho nông nghiệp nông thôn…
Hiện nay đã tiến hành thành lập 5 Nhóm đặc trách chuyên biệt về các loại nông sản khác nhau, đồng chủ trì các Nhóm là đại diện Bộ NNPTNT và một tập đoàn quốc tế cùng các thành viên khác tham gia gồm các doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng nông sản, địa phương vùng triển khai các dự án, các Viện nghiên cứu, đại diện các cơ quan chứng nhận quốc tế khác.
Trước mắt 5 Nhóm đặc trách chuyên biệt PPP được thành lập bao gồm rau, hoa quả; cà phê, chè, thuỷ sản và Nhóm hàng hoá chung.
Bên cạnh đó, để thu hút các nhà đầu trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng quan trọng, hiện Chính phủ Việt Nam đang xây dựng quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, trong đó sẽ các cơ chế ưu đãi cụ thể và các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án đặc thù này./.
Kiều Liên
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1590
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)