Ông Stanislaw, Thủ hiến bang Sachsen chia sẻ, từ một bang lạc hậu phát triển dựa trên các ngành công nghiệp truyền thống như: công nghiệp dệt, công nghiệp nặng, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, trải qua thời kỳ khắc phục và giải quyết những vấn đề về ô nhiễm môi trường do việc phát triển các ngành công nghiệp này tạo ra, đến nay, Sachsen đã có những thay đổi vượt bậc, phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm mức tiêu thụ năng lượng. Với 1,3 tỷ Euro đầu tư, 99,2% người dân Sachsen được sử dụng nước sạch. Nhờ những chính sách phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, bang Sachsen đã chuyển biến từ một vùng công nghiệp ô nhiễm trước đây thành một địa điểm sinh sống và du lịch hấp dẫn hiện nay ở CHLB Đức. Sachsen muốn truyền kinh nghiệm và công nghệ của Đức về bảo vệ môi trường, cấp thoát nước, xử lý nước thải khu dân cư, khu công nghiệp và hoàn nguyên khu khai thác mỏ cho Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong kế hoạch 5 năm 2006-2010, tỷ lệ các KCN của Việt Nam đi vào hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung được vận hành đã tăng lên đáng kể, từ gần 35% trong năm 2006 lên 60% năm 2011. Dự kiến Kế hoạch 5 năm 2011-2015, 100% các KCN đi vào hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
|
Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế như: Công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trong cho các KCN chưa được thực hiện đồng bộ, còn khá nhiều KCN đã vận hành, đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao nhưng chưa xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung. Ngoài 101 KCN đã hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thực tế khoảng 340.000 m3/ngày đêm, 32 KCN đang xây dựng với tổng công suất trên 160.000 m3/ngày đêm, hiện còn 127 KCN chưa xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, trong đó có gần 50 KCN đã vận hành cần phải khẩn trương xây dựng. Chất lượng xử lý chất thải, đặc biệt là xử lý cục bộ tại các doanh nghiệp KCN còn yếu kém. Công tác vận hành, quản lý các nhà máy xử lý nước thải còn nhiều hạn chế (vận hành chưa đúng công suất, vận hành đối phó). Công tác xử lý khí thải, tiếng ồn KCN chưa được quan tâm thực hiện. Công nghệ xử lý nước thải giống nhau, chưa có công nghệ xử lý nước đặc thù theo ngành nghề sản xuất kinh doanh của từng KCN.
Mục tiêu của các KCN, đến năm 2015, 100% các KCN đã đi vào hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Để đạt được mục tiêu đó cần đầu tư cho khoảng 400.000-450.000 m3/ngày đêm, vốn đầu tư dự kiến khoảng 250 – 300 triệu USD./.