Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/08/2011-13:35:00 PM
Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 7 năm 2011 tỉnh Bắc Ninh
I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN
Kết quả vụ đông xuân 2010-2011: Các cây trồng chính có năng suất và sản lượng cao hơn năm trước. Trong đó, lúa xuân năng suất ước 69,1 tạ/ha, tăng 4,5 tạ/ha so cùng vụ năm trước; sản lượng thóc ước 255.058 tấn, tăng 15.724 tấn; Cây ngô năng suất tăng 4,3%, sản lượng tăng 14,8%; Rau các loại sản lượng tăng 3%. Tính chung sản lượng lương thực có hạt đạt 267 nghìn tấn, tăng 6,8% (tương đương tăng 17 nghìn tấn) so cùng kỳ năm trước.
Tiến độ sản xuất vụ mùa: Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ gieo trồng 38.500 ha cây các loại; trong đó, lúa mùa 36.000 ha. Do thu hoạch lúa xuân hoàn thành muộn hơn so cùng vụ năm trước 20 ngày nên tiến độ sản xuất vụ mùa chậm hơn kế hoạch. Đến ngày 15/7/2011, toàn tỉnh đã làm đất 24.400 ha, đạt 63,4% kế hoạch, bằng 69,8% so cùng kỳ; gieo 3.361 ha mạ, bằng 95,3%; gieo cấy lúa mùa 2.857 ha, bằng 12,8%; Cây rau màu các loại trồng 1.053 ha, đạt 23,4%, bằng 61,7%. Hiện nay, thời tiết đang diễn biến thuận lợi nên triển vọng gieo trồng vụ mùa sẽ hoàn thành trong khung thời vụ tốt nhất.
Chăn nuôi và hoạt động thú y: Do tác động dư âm của dịch bệnh và giá thức ăn tăng cao, nên quy mô đàn lợn giảm mạnh, khiến cho giá thịt lợn tăng cao. Hiện nay, phát triển đàn lợn đang gặp khó khăn về giống. Vì vậy, cần sớm ban hành chính sách trợ giá lợn con giống và cơ chế hỗ trợ bà con nông dân khôi phục, phát triển đàn lợn nái. Đàn gia cầm vẫn trong xu hướng ổn định.
Thực hiện tiêm phòng đại trà vụ hè thu các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Trong tháng, toàn tỉnh tổ chức tiêm 31.026 liều vắc-xin các loại cho đàn gia súc; 45.665 liều vắc-xin tai xanh cho đàn lợn; 97.000 liều vắc-xin các loại cho đàn gia cầm.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN, GIAO THÔNG VẬN TẢI
1. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và bền vững. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 ước 4.780,5 tỷ đồng, tăng 4,3% so tháng trước và tăng 58,3% so cùng tháng năm trước. Sau 7 tháng, GTSX công nghiệp theo đạt 30.241,3 tỷ đồng (giá CĐ 1994), tăng 55,7% so cùng kỳ. Trong đó:
* Xét theo khu vực: Kinh tế Nhà nước, GTSX ước 268,3 tỷ đồng, tăng 3,5% so tháng trước và tăng 35,6% so cùng tháng năm trước. Kinh tế ngoài Nhà nước, GTSX ước 1.166,3 tỷ đồng, tăng 4,5% và tăng 19,2%. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng vững chắc và đóng góp lớn cho sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, GTSX chiếm tới 70%/tổng GTSX toàn ngành công nghiệp, tăng 4,2% và tăng 81,5%.
* Xét theo địa phương: Giá trị sản xuất của 7/8 địa phương có chỉ số tăng trưởng dương so tháng trước; trong đó, Quế Võ là huyện có mức tăng cao nhất, tăng 31,2%, tiếp đến là Lương Tài tăng 21,4%. So cùng tháng năm trước, cả 8 địa phương đều tăng ở mức hai con số, trong đó tăng thấp nhất thị xã Từ Sơn với 12,3%.
* Sản phẩm chủ yếu: Thị trường xuất khẩu ổn định, lượng tiêu thụ trong nước tăng nên sản xuất trong tháng của nhiều sản phẩm đều tăng 2 con số so tháng trước và so cùng tháng năm trước, như: sữa tươi, sữa chua tăng 12,9% so với tháng trước và tăng 24,7% so cùng tháng năm trước; bia các loại tăng 44,3% và tăng 15,7%; ống nhựa cứng và phụ tùng nối ống tăng 10,9% và tăng 19,7%; điện thoại di động tăng 10% và tăng 119,2%…
2. Đầu tư xây dựng cơ bản
Mặc dù giá vật liệu xây dựng ít biến động, nhất là giá sắt thép vẫn trong xu hướng giảm, nhưng việc giải phóng mặt bằng ở một số công trình tiếp tục gặp khó khăn, nguồn vốn vay tín dụng bị kiểm soát chặt chẽ. Thêm vào nữa, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, đến nay toàn tỉnh đã xác định 65 công trình, dự án thuộc diện tạm dừng, đình hoãn, giãn tiến độ thi công. Đây là những nguyên nhân chủ yếu làm cho vốn đầu tư tăng thấp. Tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước do địa phương quản lý tháng 7 ước 146,1 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng tháng năm trước. Sau 7 tháng,tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước ước 911,8 tỷ đồng, đạt 41% KH năm, giảm 7,2% so với cùng kỳ.
3. Giao thông vận tải
Hoạt động vận tải tháng 7 có xu hướng tăng cao hơn tháng trước và cùng tháng năm trước. Nguyên nhân là do diễn ra các đợt thi đại học, cao đẳng nên nhu cầu đi lại của người dân tăng.Bên cạnh đó, đang là mùa nghỉ mát, an dưỡng nên nhu cầu thuê xe cũng gia tăng.
Vận tải hàng hoá: Khối lượng vận chuyển ước 2.083 tấn, tăng 2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng tháng năm trước; Luân chuyển ước 92.615 nghìn tấn.km, tăng 1,9% và tăng 24,5%.
Vận tải hành khách: Khối lượng vận chuyển ước đạt 886 nghìn người, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng tháng năm trước; Luân chuyển ước 25.468 nghìn người.km, tăng 1,3% và tăng 13,4%.
Doanh thu vận tải: Ước 139,2 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước, tăng 37% so với cùng tháng năm trước.
Sau 7 tháng, toàn tỉnh vận chuyển hàng hóa ước 14 triệu tấn, tăng 7,5%; luân chuyển 638 triệu tấn.km, tăng 6,8% so cùng kỳ; Vận chuyển hành khách ước 6,3 triệu lượt, tăng 15,5%; luân chuyển 182,2 triệu lượt hành khách.km, tăng 14%. Tổng doanh thu vận tải ước 916,1 tỷ đồng, tăng 23,5%.
Tình hình an toàn giao thông: Mặc dù các ngành chức năng, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT nhưng tình trạng vi phạm vẫn thường xuyên diễn ra. Trong tháng, đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hơn 3,5 nghìn lượt phương tiện cơ giới vi phạm, thu nộp ngân sách trên 500 triệu đồng.
III. THƯƠNG MẠI – TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG
1. Thương mại
Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước 1.684 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 24,3% so cùng tháng năm trước. Sau 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước 12.164,5 tỷ đồng, tăng 26,2% so cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng: Mặc dù, giá cả có xu hướng tăng chậm lại, một số nhóm hàng hoá giá giảm nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 vẫn tăng 1,08% so tháng trước; tăng 25,73% so cùng tháng năm trước; tăng 16,87 so với tháng 12 năm 2010; bình quân cùng kỳ tăng 19,51%.
Xuất, nhập khẩu([1]): Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 7 ước 390,1 triệu USD, tăng 4,8% so tháng trước và tăng 3,6 lần so cùng tháng năm trước; Nhập khẩu ước 355,2 triệu USD, tăng 2,6% và tăng 1,6 lần. Sau 7 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2.056,2 triệu USD, tăng 3,2 lần so cùng kỳ; Nhập khẩu ước 2.008,8 triệu USD, tăng 2,5 lần.
2. Tài chính
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, thu ngân sách tiếp tục ổn định. Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 7 ước 481,9 tỷ đồng, tăng 51,7% so với tháng trước, giảm 3% so cùng tháng năm trước; Tổng chi ngân sách ước 336,3 tỷ đồng, tương đương tháng trước, giảm 9,7% so cùng tháng năm trước. Sau 7 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước 3.407,4 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ; Chi ngân sách ước 3.144,3 tỷ đồng và tăng 13,1%.
3. Ngân hàng - Tín dụng
Thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, đảm bảo an toàn, hiện nay các ngân hàng và tổ chức tín dụng chủ yếu tập trung cho hoạt động huy động vốn; đồng thời giảm dần tỷ trọng tín dụng đầu tư phi sản xuất. Tổng nguồn vốn huy động tín dụng đến cuối tháng 7 ước 15.700 tỷ đồng, tăng 21% so cùng thời điểm năm trước và chỉ tăng 11,6% so thời điểm cuối năm 2010. Đến hết tháng 7, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh ước 25.250 tỷ đồng, tăng 28,5% so cùng thời điểm năm trước, tăng 9,6% so với thời điểm cuối năm 2010. Dự nợ quá hạn giảm từ 1.167 tỷ của tháng 6 xuống còn 1.150 tỷ đồng trong tháng 7; tỷ lệ nợ xấu là 4,55%, xấp xỉ bằng thời điểm cuối năm 2010 (4,56%); so cùng thời điểm năm trước, tỷ lệ nợ xấu tăng thêm 0,14%.
Cùng với việc thực hiện tốt các nghiệp vụ tiền tệ, dịch vụ kho quỹ, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ phục vụ trả lương qua tài khoản. Hoạt động cung ứng tiền mặt và dịch vụ thanh toán luôn đáp ứng tốt nhu cầu về tiền mặt các tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Tổng thu tiền mặt 7 tháng ước 96.703,7 tỷ đồng, tăng 77,1% so cùng kỳ năm trước; tổng chi tiền mặt ước 96.548,9 tỷ đồng, tăng 73,9% và bội chi tiền mặt 154,8 tỷ đồng.
IV. HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ XÃ HỘI
1. Giáo dục – Đào tạo
Trong tháng, ngành Giáo dục - Đào tạo tổ chức thành công và công bố điểm chuẩn dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 với gần 15.700 thí sinh đăng ký dự thi vào 23 trường THPT công lập trên địa bàn. Các trường THPT dân lập sẽ dựa vào kết quả thi tuyển này để xét tuyển cho năm học 2011-2012; Khối các trường THCN, CĐ và ĐH trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyển sinh năm học mới, dự kiến sẽ công bố điểm chuẩn vào trung tuần tháng 8, tổ chức tuyển sinh vào cuối tháng 8.
2. Hoạt động Y tế
Thời tiết liên tục thay đổi do nắng mưa bất thường, là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh phát sinh nhiều hơn. Để chủ động trước dịch bệnh, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho người dân. Đồng thời, dự trữ trang thiết bị, hoá chất, thuốc khử khuẩn, xử lý môi trường và triển khai các biện pháp phòng chống khi có dịch hoặc mưa bão, lũ lụt xảy ra. Bên cạnh đó, ngành cũng chỉ đạo các tuyến y tế cơ sở tăng cường công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, trong tháng đã khám chữa bệnh 12,2 nghìn lượt người, tăng 5,2% so tháng trước; điều trị nội trú 9,2 nghìn lượt người (tăng 6,9%), với 72,6 nghìn ngày (tăng 7,3%). Đặc biệt, đã phối hợp với các địa phương tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng thuộc gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng.
3. Hoạt động Văn hoá, Thể dục thể thao
Hoạt động văn hoá, thông tin tiếp tục với công tác tuyên truyền cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng chống ma túy”; “Tháng hành động phòng chống ma túy”; kỷ niệm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ (9/7), ngày Dân số thế giới (11/7), ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7)...
Các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các sự kiện lớn diễn ra được các ngành và địa phương tổ chức sôi động. Hoạt động thể thao thành tích cao được quan tâm, trong tháng đã tổ chức tập huấn và cử các vận động viên tham gia thi đấu các giải quốc gia như giải vô địch Boxing thiếu niên trẻ nam nữ tại Đăklăk, giải Cầu lông thiếu niên toàn quốc tại Thừa Thiên Huế, giải Karatedo Cúp các CLB mạnh tại Đà Nẵng, giải Vật vô địch quốc gia các lứa tuổi tại Thanh Hóa, giải Cờ vua trẻ Đông Nam Á tại Indonesia. Kết quả, các VĐV của tỉnh đạt 14 HCV, 12 HCB và 16 HCĐ./.

([1]) Số liệu xuất nhập khẩu đánh giá trong báo cáo này chỉ bao gồm các đơn vị hạch toán độc lập

Website Bắc Ninh

    Tổng số lượt xem: 1552
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)