Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/04/2011-10:03:00 AM
Xuất khẩu sang Nhật Bản phục hồi nhanh
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Sau thảm họa động đất và sóng thần, nhiều mặt hàng như thủy hải sản, rau củ quả, may mặc, da giày, đồ nội thất, gỗ xây dựng... đang có nhu cầu lớn ở Nhật Bản và dự báo tăng mạnh thời gian tới.

Nhật Bản nhập khẩulượngthủy sản trị giátới 900 triệu USDtừ Việt Nam trong năm 2010

Nhu cầu nông, thủy sản rất lớn
Có nhiều ý kiến lo ngại rằng sau thảm họa kép ở Nhật Bản thì lượng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ bị suy giảm. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này thì người nhập khẩu chưa từ chối một đơn hàng đã ký và lượng hàng đặt mua tiếp vẫn diễn ra bình thường so với tiến độ của các năm trước đây.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Ủy ban Tôm, thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ khi xảy ra động đất và sóng thần tại Nhật Bản, các đơn hàng của công ty vẫn xuất sang nước này đều đặn và đối tác phía Nhật Bản cho biết thị trường tiêu thụ vẫn bình thường.
Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam với khoảng 200 doanh nghiệp thường xuyên xuất khẩu sang nước này. Năm 2010,kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 900 triệu USD, trong tổng số gần 5,5 tỷ USD giá trịxuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Ông Phạm Văn Phụng, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Lâm Đồng cho biết, khoảng một tuần nay, xuất khẩu các loại rau củ tươi cấp đông đi Nhật Bản tăng thêm trên 10% do đối tác ở Nhật Bản yêu cầu đột xuất.
Hiện tại các cảng ở TP.HCM như Cát Lái, Tân Cảng, Phước Long... lượng hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Nhật đang tập trung về khá nhiều. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng tất bật chuẩn bị nguồn hàng vì nhu cầu đang tăng lên rõ rệt. Các lô hàng bánh tráng, bánh tôm, bánh hẹ, bún gạo, thủy hải sản, các loại bàn làm bằng gỗ cao su, ván ép được tháo rời, đóng trong các container liên tục đưa ra cảng...
Đồ gỗ và hàng may mặc vẫn có đơn hàng
Năm 2010, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Nhật Bản đạt hơn 16 tỷ USD. 11 tháng đầu năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật 6,9 tỷ USD (9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu), và nhập khẩu từ Nhật 8,1 tỷ USD (11,3% tổng kim ngạch nhập khẩu).
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong năm 2010 chủ yếu là nông sản thực phẩm, hải sản, may mặc, gỗ, da giày...
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho rằng Nhật Bản đang trong thời kỳ tái thiết sau thảm họa. Do vậy, nhu cầu sử dụng các sản phẩm đồ gỗ của người dân Nhật Bản vốn đã rất lớn nay càng cần nhiều hơn.
Mới đây, Hiệp hội Gỗ và lâm sản đã tiếp nhiều công ty môi giới xuất khẩu. Họ có nhu cầu tiếp cận doanh nghiệp Việt Nam để mua hàng và bán lại cho những doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu về đồ gỗ nội thất, gỗ xây dựng...
“Tuy nhiên, chúng tôi đã từ chối và khẳng định sẽ bán hàng trực tiếp với những đối tác người Nhật có nhu cầu. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam” - ông Quyền nói.
Các doanh nghiệp môi giới xuất khẩu nhận định, với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đã đạt 454 triệu USD, nếu doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Nhật Bản có thể tiệm cận mốc 1 tỷ USD trong năm nay.
Hiện Hiệp hội Gỗ và lâm sản đã làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để thông qua tổ chức này làm việc trực tiếp với Hiệp hội Gỗ Nhật Bản, nhằm tăng cường xuất hàng sang Nhật trong năm nay. Dự kiến tháng 5 sẽ chính thức làm việc với phía Nhật Bản.
Ngoài ra, Hiệp hội Gỗ và lâm sản cũng đang thống kê các mặt hàng có nhu cầu lớn nhất tại Nhật Bản để thông báo cho các doanh nghiệp, đặc biệt những đơn vị đã có kim ngạch xuất hàng lớn sang thị trường Nhật Bản trong năm qua.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, một trong những doanh nghiệp có bạn hàng tại Nhật Bản lớn nhất trong ngành may mặc hiện nay, cho biết Sài Gòn 3 đã có hợp đồng đến hết năm với ba đối tác tại Nhật Bản , tổng giá trị lên đến 60 triệu USD, xuất khẩu đều đặn 400.000-500.000 sản phẩm/tháng, tương ứng 4-5 triệu USD.
Ông Hồng khẳng định các kế hoạch giao hàng vẫn được thực hiện đúng như ký kết ban đầu.
Bà Phạm Minh Hương - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú, dự báo lượng đơn đặt hàng dự kiến sẽ tăng vì trước khi biến động xảy ra, các nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. “Bởi phần lớn các doanh nghiệp này đều không muốn tập trung quá nhiều vào một thị trường sẽ có nhiều rủi ro. Hiện đã có nhiều nhà đặt hàng từ Nhật Bản đến đặt vấn đề với Phong Phú”.
Chỉ riêng trong ba tháng đầu năm 2011, Phong Phú đã xuất qua Nhật Bản sản phẩm khăn các loại với tổng giá trị lên đến 4 triệu USD. “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng cho thị trường Nhật Bản khoảng 15% so với năm trước và hi vọng sẽ đạt được mục tiêu này” - bà Hương chia sẻ./.
Vũ Trọng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1220
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)