Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/04/2011-13:57:00 PM
Phát huy lợi thế so sánh, đẩy mạnh công nghiệp nông thôn
Với hàng loạt chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn, hoạt động khuyến công đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn. Thời gian tới, từng địa phương cần phát huy lợi thế so sánh để đẩy mạnh hoạt động này.

Công tác khuyến công nông thôn đã tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn

Tăng trưởng mạnh mẽ
Theo Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương, từ khi triển khai thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012, các hoạt động khuyến công đã có kết quả tích cực trên phạm vi cả nước.
Nếu giai đoạn 2001 – 2004, giá trị sản xuất khu vực công nghiệp nông thôn có mức tăng trưởng bình quân là 15,75%, đến giai đoạn 2005 – 2010 đã đạt mức 17,6%. Số lao động làm việc trong các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng 8,9%/năm, chiếm gần 55% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp.
5 năm qua đã có gần 330.000 lao động nông thôn được học nghề,hơn 17.000 lượt chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý của các cơ sở công nghiệp nông thôn đã được đào tạo.
Chẳng hạn như Yên Bái, tỉnh đã đã thực hiện 162 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ gần 7,5 tỷ đồng, góp phần động viên, khuyến khích các sơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư thu hút đạt trên 80 tỷ đồng.
Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn năm 2010 của Yên Bái đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2005.
Trong 5 năm qua, số lao động được nâng cao tay nghề, được dạy nghề, có việc làm từ hoạt động khuyến công đạt gần 1.500 người, thu nhập bình quân 1,5-1,7 triệuđồng/người/tháng, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu và phát triển đời sống văn hoá - xã hội ở nông thôn.
Tại Quảng Bình, ngay từ năm 2005, đã có nhiều chủ cơ sở sản xuất và hộ cá thể gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để phát triển sản xuất, điển hình như Xí nghiệp chế biến Tơ tằm Minh Thành, chế biến nguyên liệu mây Phương Bắc, Sản xuất nước tinh khiết Suối Mơ, Sơ chế mũ cao su Lê Hoá (Tuyên Hoá)….
Để hỗ trợ nhân lực cho các cơ sở này, nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh đã hỗ trợ đào tạo được 4.000 lao động. Ngoài ra, kinh phí khuyến công cũng hỗ trợ cho hàng trăm lượt cơ sở thay đổi công nghệ, đầu tư mở rộng sản xuất.
Tiền Giang cũng đã triển khai 143 dự án hỗ trợ các cơ sở ngành nghề công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí hơn 8,5 tỷ đồng. Khảo sát cho thấy, doanh thu tại các cơ sở được hỗ trợ tăng hơn 67%. Có tới hơn 90% lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề, nhờ đó, diện mạo nông nghiệp - nông thôn khởi sắc.
Phát huy lợi thế xây dựng các sản phẩm cạnh tranh
Để đẩy mạnh triển khai các nội dung của Nghị định 134/2004/NĐ-CP, Quyết định 136/2007/QĐ-TTg và Chương trình khuyến công địa phương đã được phê duyệt, Cục Công nghiệp địa phương đã có định hướng xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án khuyến công có trọng tâm, trọng điểm.
Đáng chú ý, từng tỉnh cần phát huy lợi thế so sánh, thế mạnh về các nguồn lực tại mỗi vùng, mỗi địa phương; xây dựng các ngành, sản phẩm tiêu biểu, có sức cạnh tranh cao; tăng cường liên kết trong vùng và liên kết vùng nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng nhanh và bền vững; tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Một số tỉnh đã có những giải pháp kịp thời về vấn đề này như tỉnh Quảng Bình, trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạnh các mặt hàng truyền thống về chế biến thủy sản tại các xã, phường ven biển; mở rộng và phát triển nghề chế biến thủy sản các địa phương ven sông Gianh, sông Nhật Lệ.
Tại Quảng Trị, ông Hồ Đại Nam - Giám đốc Sở Công Thương cho biết tỉnh sẽ quan tâm đầu tư lĩnh vực chế biến nông, lâm, hải sản giải quyết đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, chế biến gỗ rừng trồng trên cơ sở có trữ lượng gỗ rừng trồng lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, sản xuất các loại gạch từ nguồn nguyên liệu cát Silic vốn có trữ lượng rất lớn…
Mặc dù vậy, hoạt động khuyến công tại nhiều địa phương vẫn còn gặp khó khăn, phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn thiếu vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, hầu như các chủ cơ sở mới chỉ phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng tự phát…
Vì vậy, các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định số 134/2004/NĐ-CP và Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg, coi đây như một giải pháp quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường quan tâm chỉ đạo, ạo điều kiện về kinh phí, nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cấp tỉnh theo hướng chuyên nghiệp hoá để tổ chức thực hiện tốt hoạt động khuyến công tại địa bàn./.
Thu Hà
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1226
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)