Chín tháng năm 2010, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 3 tỷ USD với trên 843.000 tấn thủy sản các loại.
Trung tâm Tin học thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, giá trị xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam năm 2010 nhiều khả năng sẽ đạt mức 4,74 tỷ USD, trong đó riêng kim ngạch XK cá tra sẽ đạt khoảng 1,38 tỷ USD. Nếu đạt mức này, giá trị XK thủy sản năm nay sẽ vượt so với năm 2009 là 370 triệu USD.
Nhiều thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng
Dù đây là năm ngành Thủy sản gặp nhiều khó khăn từ thiếu nguyên liệu chế biến, nhưng các mặt hàng thủy sản chính XK đều tăng trưởng khá.
Trong đó, thuận lợi nhất là tôm với kim ngạch XK đạt 1,17 tỷ USD, giữ vị trí số 1 trong các mặt hàng thủy sản XK (chiếm 39% tỷ trọng). Cá tra, basa, nhờ liên tục mở rộng thị trường nên XK cá tra vẫn tăng 2,7% đạt 894 triệu USD so cùng kỳ, giữ vị trí thứ 2, (chiếm 29,7% tỷ trọng). Nhưng cá ngừ mới là mặt hàng XK tăng trưởng mạnh nhất thời gian qua với gần 76% về giá trị đạt gần 200 triệu USD, đứng thứ 3, tỷ trọng mặt hàng này trong tổng kim ngạch XK thủy sản tăng từ 4,3% lên 6,6%.
Nhìn chung, XK thuỷ sản năm 2010 có thuận lợi như nhiều ngành hàng khác xét trong bối cảnh chung kinh tế thế giới, nhất là các nước Mỹ, EU , Nhật Bản, v.v., là những thị trường XK thuỷ sản chính của Việt Nam đang trên đà phục hồi. Thuỷ sản – mặt hàng thực phẩm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, rất dễ tăng được lượng tiêu thụ khi thu nhập dân cư ở các thị trường này tăng lên.
Một thuận lợi khác là thuỷ sản Việt Nam vừa qua đã được một số nước công nhận, đánh giá cao về chất lượng. Cuối năm 2009, Bộ Y tế và tiêu dùng Tây Ban Nha đã ra thông báo công nhận cá tra, cá basa XK của Việt Nam đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của EU. Tây Ban Nha hiện là một trong những nước tiêu thụ cá tra và cá basa của Việt Nam nhiều nhất trong số các nước EU với lượng nhập khẩu mỗi năm theo ước tính khoảng 40.000 tấn.
Một số thị trường khác cũng rất quan trọng như Hàn Quốc (tiêu thụ trung bình khoảng 7.300 tấn tôm mỗi năm cho Việt Nam), Nga, Trung Đông đang trở thành những thị trường không thể bỏ qua với các doanh nghiệp XK thuỷ sản Việt Nam không chỉ năm 2010 mà các năm về sau.
Thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Bộ Công Thương, khó khăn cho XK thuỷ sản năm 2010, chủ yếu vẫn là xu hướng bảo hộ thương mại, các hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch chặt chẽ và thường xuyên ban hành các tiêu chuẩn mới khắt khe hơn về dư lượng kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một thực tế nữa là năm 2010, các doanh nghiệp phải đứng trước khó khăn về thiếu nguyên liệu trong nước để sản xuất trong khi thuế nhập khẩu nguyên liệu một số mặt hàng vẫn chưa đưa về mức 0%. Hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến thuỷ sản chỉ hoạt động được khoảng 70% công suất do thiếu nguyên liệu chế biến.
Số nhà máy chế biến hải sản không ngừng tăng lên trong khi năng lực nuôi trồng, khai thác trong nước có hạn, cạnh tranh trở nên gay gắt. Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu nguyên liệu. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng đủ nhu cầu chế biến XK, sắp tới nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản của Việt Nam sẽ tăng từ 8 – 10%/năm, với giá trị khoảng 200 triệu USD/năm.
Ngoài ra, có thể nói đến một số khó khăn đáng kể khác như chất lượng con giống (để nuôi trồng thuỷ sản). Nguyên liệu sản xuất thiếu trong khi thuế nhập khẩu nguyên liệu ở mức cao, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa vùng sản xuất với chế biến. Bên cạnh đó, yếu kém trong khâu tiếp thị và thiếu đội ngũ các nhà quản lý cũng như lao động có trình độ cũng là khó khăn đối với ngành Thuỷ sản./.
Công Trí
Cổng thông tin điện tử Chính phủ