Sở giao dịch hàng hóa Triệu Phong (TPE), ở phường 8, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức ra mắt vào ngày 20/10, do ông Nguyễn Duy Phương làm Tổng giám đốc, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2011.
|
Sàn giao dịch càphê là một trong 3 cơ cấu của TPE
|
Đây là sở giao dịch hàng hóa đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam.
Sở giao dịch hàng hóa Triệu Phong có vốn điều lệ ban đầu 150 tỷ đồng, dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng sau một năm và 1.000 tỷ đồng vào năm 2015, niêm yết cổ phiếu vào năm 2014, phấn đấu khai thác triệt để và tiên phong trong giao dịch hàng hóa tương lai tại thị trường Việt Nam.
Ba mặt hàng chủ yếu của Sở được Bộ Công Thương cấp phép gồm càphê, cao su và thép. Cơ cấu của TPE gồm “Trung tâm thanh toán bù trừ,” “Sàn giao dịch càphê, cao su, thép” và “Trung tâm giao nhận kiểm định hàng hóa.”
Sở được thành lập nhằm làm đầu mối quản lý các giao dịch hàng hóa trên thị trường Việt Nam như cung cấp thêm công cụ tài chính cho doanh nghiệp sản xuất, thương mại bảo hiểm, rủi ro biến động giá; kết nối nhu cầu mua bán; trung gian thực hiện hoạt động thanh toán bù trừ cho các giao dịch giữa các nhà đầu tư tham gia qua Sở.
Sở còn cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng và đầy đủ về tình hình sản xuất và nhu cầu thị trường, tiết giảm chi phí marketing; chuẩn hóa quy trình giao nhận đối với hàng hóa vật chất; đảm bảo cơ chế khớp lệnh được thông suốt và hiệu quả.
Ngoài ra, sự hình thành sở giao dịch hàng hóa sẽ góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam với bạn bè quốc tế trong các cuộc đàm phán, giao thương nước ngoài.
Nền kinh tế Việt Nam đang hòa nhập mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, biểu hiện qua dòng chảy mạnh mẽ về vốn, kỹ thuật và hàng hóa trong hoạt động thương mại, xuất khẩu.
Tại Việt Nam, ngoài các kênh đầu tư truyền thống như tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và vàng, hàng hóa là một kênh đầu tư tương đối mới mẻ, nhiều tiềm năng.
Sự hình thành sở giao dịch hàng hóa sẽ thực hiện chức năng đầu mối giao dịch hàng hóa nhằm giảm thiểu chi phí, đưa hàng hóa Việt Nam đến gần với các chuẩn giao dịch trên thế giới, tránh thiệt thòi về giá, tạo công cụ bảo hiểm biến động giá, tăng cường thanh khoản và bổ sung kênh đầu tư mới cho thị trường./.