|
Nguồn số liệu: Từ 2005- 2009: Niên giám Tổng cục Thống kê; năm 2010: Tổng cục Hải quan; 2 tháng năm 2011: Báo cáo quý I của Tổng cục Thống kê
|
Từ các thông tin trên, có thể thấy một số vấn đề. Thứ nhất, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ nước này trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam nếu năm 2005 mới đạt 16,1% thì năm 2010 lên đến 23,6%, cao gấp đôi tỷ trọng của nước đứng thứ 2 là Hàn Quốc.
Trong các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có 23 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, cao nhất là máy móc, dụng cụ, phụ tùng khác (gần 4,5 tỷ USD), tiếp đến là vải (trên 2,2 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (gần 1,7 tỷ USD), sắt thép (trên 1,5 tỷ USD); xăng dầu (gần 1,1 tỷ USD).
Thứ hai, nhập siêu từ Trung Quốc cũng thuộc loại lớn nhất trong các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ buôn bán.
Việc nhập siêu lớn từ Trung Quốc do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do nước này đã trở thành “nông trại” và “công xưởng” sản xuất hàng hóa của thế giới. Hàng hóa của Trung Quốc với lợi thế có nguồn nguyên vật liệu trong nước dồi dào, có giá nhân công rất thấp, đã tràn ngập trên khắp thị trường thế giới. Trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc, hầu hết các nước đều ở vị thế nhập siêu từ Trung Quốc.
Có nguyên nhân hàng hóa của Trung Quốc có giá cả, chủng loại, mẫu mã hợp với túi tiền, thị hiếu của một bộ phận không nhỏ người dân. Có nguyên nhân do Việt Nam có đường biên giới khá dài giáp Trung Quốc, có hệ thống chợ biên giới trải rộng, các chợ này tiêu lẫn đồng tiền của nhau, nên mậu dịch biên giới rất phát triển, ước tính năm 2010 lên đến 2,8 tỷ USD.
Có nguyên nhân do các doanh nghiệp của Trung Quốc biết tranh thủ cơ hội khi Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập; mở rộng thị phần tiêu thụ trên thị trường Việt Nam khi gặp “trục trặc” ở các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới.
Có nguyên nhân do các doanh nghiệp Việt Nam thường chậm chân hoặc chưa tranh thủ xuất khẩu sang thị trường rộng lớn nhất nhì thế giới này.
Thứ ba là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong các năm trước còn chiếm tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới thấp và giảm (năm 2005 đạt xấp xỉ 10%, năm 2006 đạt 8,1%, năm 2007 đạt 7,5%).
Trong các nhóm mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, có 11 nhóm mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, cao nhất là cao su (1,421 tỷ USD), than đá (962 triệu USD), máy tính điện tử và linh kiện (659 triệu USD), sắn và sản phẩm sắn (517 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ (405 triệu USD)...
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã cao hơn tốc độ tăng của kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc (năm 2010 là tăng 49% so với 21,8%; 2 tháng năm 2011 tăng 60,9% so với 25%).
Một trong những nguyên nhân quan trọng là do đồng Nhân dân tệ đã lên giá so với đồng USD, trong khi VND của Việt Nam lại giảm giá so với USD.
Tỷ giá hối đoái bình quân năm của NDT/USD, nếu 2005 là 9,19 thì năm năm 2008 còn 6,95 và đến nay còn khoảng 6,54 (tức là đầu tháng 4/2011 so với năm 2004, NDT đã tăng khoảng 21% so với USD). Trong khi đó, VND/USD bình quân năm 2005 là 15.865, năm 2008 là 16.583, năm 2009 là 18.118, năm 2001 là 19.509 và ước quý I/ 2011 khoảng 20.230 (tức là đầu năm 2011 so với năm 2004, VND đã giảm giá khoảng 21,5%).
Ngoài ra, do lạm phát gia tăng, nhập khẩu từ Việt Nam của Trung Quốc đối với lương thực, thực phẩm có thể sẽ gia tăng.
Đây là một tin vui, đồng thời cũng là thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và cũng là thời cơ giảm nhập siêu từ thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất này./.