Bộ Thương mại Mỹ ngày 14/6 cho biết, tổng doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng Năm giảm 0,2%, lần giảm đầu tiên trong 11 tháng qua.
|
Tại trung tâm mua sắm ở Columbia, Maryland
|
Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ không bao gồm ôtô tăng 0,3% và doanh số bán lẻ trong tháng trước giảm là do doanh số bán lẻ ôtô giảm 2,9%. Đây là mức giảm mạnh nhất của ngành công nghiệp ôtô Mỹ kể từ tháng 2/2010. |
Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, doanh số bán ôtô giảm vì việc sản xuất ôtô đình trệ do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tại Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần.
Ngoài ra, nguyên nhân còn là do người tiêu dùng Mỹ không còn được hưởng ưu đãi của các hãng ôtô Mỹ trong khi phải tiếp tục đối phó với giá xăng dầu và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Các nhà kinh tế cho rằng, doanh số bán lẻ giảm chỉ là hiện tượng tạm thời và họ hy vọng nền kinh tế Mỹ sẽ phát triển ở mức 2% đến 2,5% trong quý II này sau khi đạt mức tăng trưởng 1,8% trong quý đầu năm.
Một cuộc khảo sát tiến hành đối với 135/200 giám đốc điều hành công ty là thành viên của tổ chức Bàn tròn Doanh nghiệp (Business Roundtable) cho thấy, gần 90% số người được hỏi dự đoán trong năm 2011, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,8% vì họ đều tin rằng doanh số bán hàng sẽ tăng trong những tháng tới.
Có 51% cho biết họ sẽ tăng nhân công trong mấy tháng tới và 60% cho rằng doanh số bán hàng sẽ tăng, chủ yếu là từ việc bán máy vi tính, phần mềm và máy móc.
Trong khi đó, theo kết quả cuộc khảo sát do Hiệp hội Quốc gia các nhà Kinh doanh Độc lập (National Federation of Independent Business) tiến hành, 71% chủ doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, bây giờ là thời kỳ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ phát triển do kinh tế hồi phục chậm và chi tiêu tiêu dùng thấp, đặc biệt là chi tiêu cho dịch vụ, một ngành mà các doanh nghiệp nhỏ đóng vai trò lớn.
Cũng trong ngày 14/6, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cảnh báo, việc Chính phủ Mỹ không nâng được mức trần nợ công 14.300 tỷ USD có nguy cơ sẽ làm mất lòng tin về khả năng trả nợ của Mỹ.
Ông Bernanke nói rằng, nếu không nhanh chóng thông qua việc nâng mức trần nợ công, Mỹ có thể đánh mất vị trí xếp hạng tín dụng AAA, trong khi vị thế đặc biệt của đồng USD - đồng tiền dự trữ quốc tế - có thể bị tổn hại./.