Ngày 11/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Nâng tầm quan hệ thương mại Việt Nam-EU.”
|
Việt Nam xuất khẩu sang EU 5 nhóm mặt hàng chủ lực gồm thủy hải sản, càphê, dệt may, da giày
|
Hàng năm, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam-EU tăng trung bình từ 15-20%. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD (năm 2010).
Việt Nam xuất khẩu sang EU 5 nhóm mặt hàng chủ lực gồm thủy hải sản, càphê, dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, còn EU xuất khẩu sang Việt Nam các nhóm mặt hàng như máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép các loại…
Ngoài ra, theo kết quả đánh giá về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong quý II/2011 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thì có 51% doanh nghiệp thuộc EU đang kinh doanh tại Việt Nam muốn gia tăng khoản đầu tư và 26% sẽ duy trì kế hoạch đầu tư như dự kiến.
EU còn là nhà tài trợ song phương thứ hai về viện trợ phát triển chính thức (ODA) và trong nhiều năm liên tiếp, là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất, giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, hội nhập quốc tế…
Đồng thời, EU cũng đang triển khai nghiên cứu cơ chế tài trợ mới khi Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, cơ chế tài trợ hiện tại sẽ kết thúc vào năm 2013.
Ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ EU tại Việt Nam nhận định tại thị trường EU, hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh gần 20% thị phần, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ, giảm thuế nên hàng hóa nhập khẩu vào EU còn gặp khó khăn.
Do đó, Việt Nam và EU nên tích cực xúc tiến vòng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) EU-Việt Nam, để tăng cường hợp tác thương mại giữa hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, cải thiện sản xuất, dịch vụ, thu hút đầu tư…
Nhân dịp này, đại diện VCCI đã hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng hữu hiệu cổng thông tin (về giá, thị trường, phương thức giao dịch, chính sách thuế, mức độ cạnh tranh ngành hàng…) nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu tại thị trường EU.
Các tổ chức tín dụng xuất khẩu EU cũng giới thiệu các sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa nhà máy, thiết bị và tăng cường tính cạnh tranh cho sản phẩm./.