Để thực hiện mục tiêu tăng sản lượng lúa cả nước trong năm 2011, vai trò của vụ sản xuất lúa thu - đông tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất lớn, với mục tiêu tăng ít nhất 500.000 tấn.
|
Lúa hè - thu năm 2011được giá, nông dân phấn khởi
|
Tăng thêm 100.000ha lúa
Ngày 13/7, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức giao ban tình hình sản xuất vụ lúa hè - thu và thu - đông năm 2011 khu vực Nam bộ.
Vụ hè - thu năm nay, khu vực Nam bộ xuống giống 1,736 triệu ha, trong đó vùng ĐBSCL xuống giống 1,614 triệu ha. Đến nay cả khu vực Nam bộ đã thu hoạch trên 530.000ha, năng suất 5,63 tấn/ha. Dự kiến năng suất bình quân toàn khu vực đạt 5,15 tấn/ha. Sản lựợng cả vụ ước đạt 8,9 triệu tấn, tăng hơn 288.000 tấn so vụ hè thu năm 2010. Hiện lúa hè - thu năm nay được giá, nông dân phấn khởi.
Đạt được kết quả đáng phấn khởi trên là nhờ các tỉnh trong khu vực tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật tiên tiến; tăng cường sử dụng các giống cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, kháng sâu bệnh, chịu mặn, phèn, hạn.
Việc xuống giống tuân thủ chặt chẽ phương pháp đồng loạt, né rầy. Tuy sâu bệnh xuất hiện trên 67.000 ha nhưng không gây thiệt hại đáng kể nhờ các địa phương đều kịp thời phòng trị.
Căn cứ điều kiện thủy lợi, thổ nhưỡng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu - đông tại các tỉnh ĐBSCL.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ về việc tăng thêm 100.000ha lúa thu đông, các địa phương có hệ thống thủy lợi nội đồng khép kín, hoàn chỉnh đều đăng ký mở rộng diện tích, người dân cũng nhiệt tình hưởng ứng chủ trương.
Theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 500.000ha đất trồng lúa có thể sản xuất vụ thu đông. Năm 2011, qua rà soát và mở rộng, diện tích vụ này có thể đạt đến 600.000ha. Đến nay, các tỉnh xuống giống trên 171.000 ha.
Đảm bảo mùa thắng lợi
Hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL đang khẩn trương rà soát lại các vùng đăng ký tăng diện tích vụ thu - đông để đảm bảo vụ mùa sản xuất đạt thắng lợi.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết, để tăng diện tích sản xuất lúa thu - đông trong năm 2011, ngành nông nghiệp TP đã kiểm tra kỹ lưỡng trước khi quy hoạch vùng sản xuất. Đồng thời, có kế hoạch sản xuất vụ hè thu sớm hơn 1 tháng tại các vùng sản xuất lúa thu đông để có thời gian cho đất nghỉ ngơi, tránh rủi ro do mưa lũ.
Theo ông Quỳnh, thành phố hiện có 365 cơ sở xay xát và kinh doanh lúa gạo, trong đó có 20% là các công ty lớn. Vì vậy, nếu phát triển vụ thu đông với các giống lúa chất lượng cao thì việc tiêu thụ không phải lo lắng…
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ đề xuất kinh phí khoảng 200 tỷ đồng để hỗ trợ ĐBSCL gia cố bờ bao, bơm tưới và tiêu thoát nước tại các vùng quy hoạch sản xuất lúa thu đông.
Để đạt dự kiến năng suất bình quân 4,76 tấn/ha, sản lượng cả vụ ước đạt 2,87 triệu tấn, Bộ khuyến cáo các địa phương kết thúc xuống giống từ ngày 20/8 đến 30/8/2011. Cần sử dụng các giống chống chịu rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá.
Ngoài ra, Cục Trồng trọt còn đề xuất hỗ trợ cho nông dân 196,5 tỷ đồng để đổi giống mới (9.400 tấn), bơm tát, gia cố đê bao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhắc nhở các địa phương tăng cường kiểm tra đồng rụộng, nhất là việc tuân thủ lịch xuống giống, vì hiện có một số nơi đã xuống giống lúa thu - đông không tập trung, không đồng loạt, có nguy cơ dẫn đến tái bùng phát dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá và nhiều loại dịch hại khác…
ĐBSCL cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ như tuân thủ tốt lịch thời vụ, né rầy, củng cố hệ thống đê bao để thực hiện thắng lợi vụ sản xuất lúa thu - đông, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng nhấn mạnh. /.
Công Trí
Cổng thông tin điện tử Chính phủ