Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/07/2011-10:00:00 AM
Hà Nội triển khai nhiều biện pháp kiểm soát giá, bình ổn giá
Chủ trương bình ổn giá hàng hóa của thành phố Hà Nội là để phục vụ người dân lao động. Do đó, thành phố xác định thực hiện nhiều biện pháp để góp phần bình ổn giá chứ không chỉ từ quỹ bình ổn giá.

Ông Nguyễn Huy Tưởng

Cụ thể là, bên cạnh việc chi 475 tỷ đồng từ quỹ dự trữ tài chính cho các doanh nghiệp thương mại vay với lãi suất bằng 0 để dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu, thành phố đang đẩy mạnh việc triển khai thực hiện phủ kín các thị trấn, thị tứ hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn để bán lẻ, đồng thời bán buôn để phục vụ các chợ dân sinh ở các xã.
Đây là những thông tin ông Nguyễn Huy Tưởng Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp HĐND thành phố lần thứ 2.
Tăng cường hạ tầng thương mại
Ông Nguyễn Huy Tưởng khẳng định, mục đích của việc bán hàng bình ổn giá là phục vụ người dân. Tuy nhiên do hệ thống kinh doanh thương mại chưa đủ rộng khắp đến các vùng thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường hạ tầng thương mại và phát triển mạnh các tổ chức thương mại để có thể đáp ứng được yêu cầu này. Chủ trương của Hà Nội là tạo hành lang pháp lý thuận lợi không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân khi tham gia kinh doanh thương mại ở nông thôn.
Ví dụ Công ty tư nhân Lan Chi là mô hình tốt để thực hiện chủ trương bình ổn giá của thành phố. Trong vòng 3 năm kể từ khi hợp nhất Hà Nội đến nay, công ty này đã mở 10 siêu thị ở các huyện ngoại thành như Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phúc Thọ, với số vốn đầu tư mỗi siêu thị khoảng 20 tỷ đồng.
Trong năm nay, thành phố sẽ thông qua hệ thống 10 siêu thị của Lan Chi để đưa hàng bình ổn giá đến với người dân ở các huyện ngoại thành và khu công nghiệp. Cũng theo cách này, thành phố đã giao Công ty 12/9 của Ứng Hòa xây dựng siêu thị ở vùng Mỹ Đức, Ứng Hòa. Còn khi chưa xây dựng kịp các siêu thị ở nông thôn thì thành phố sẽ tiếp tục chương trình đưa hàng về nông thôn, quyết tâm phủ kín thị trấn, thị tứ những trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn để bán lẻ, đồng thời bán buôn để phục vụ các chợ dân sinh ở các xã.
Tăng cường kiểm soát giá cả và dự báo, tuyên truyền
Trước tình hình giá lương thực, thực phẩm tăng cao, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ, thành phố đã yêu cầu Sở Tài chính, Sở công Thương có dự báo kịp thời để thông tin với các đơn vị thương mại chủ động ký hợp đồng, chủ động nguồn hàng.
Hiện nay, thành phố có 660 điểm bán hàng bình ổn giá. Để thực hiện hiệu quả công tác này, thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký nhận nhiệm vụ bình ổn giá sẽ phối hợp với các ban quản lý của các chợ dân sinh để “nối dài tay” các doanh nghiệp bình ổn giá. Nghĩa là những hộ tiểu thương trong chợ dân sinh có đến lấy hàng của các doanh nghiệp bình ổn giá để bán cho người tiêu dùng.
Thành phố giao Sở Công Thương và Sở Tài chính tăng cường kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng để hàng bình ổn giá đến với người tiêu dùng; yêu cầu các công ty thương mại niêm yết tất cả các loại hàng hóa chứ không chỉ niêm yết riêng mặt hàng bình ổn giá.
Ông Tưởng cho rằng có một thực tế là nhiều người dân chưa có thói quen vào siêu thị mua hàng vì cho rằng siêu thị là nơi tầng lớp trung lưu và người giàu thường lui đến. Do vậy, công tác tuyên truyền cần chú ý nêu rõ hàng trong siêu thị lấy trực tiếp từ nhà cung cấp, chỉ qua 1 khâu trung gian nên nhiều mặt hàng giá rẻ hơn chợ dân sinh. Thêm nữa, hàng hóa hầu hết được đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hơn là các chợ bên ngoài.

Một điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn thành phố

Bình ổn giá cũng cần có những biện pháp lâu dài
Theo ông Tưởng, biện pháp lâu dài cho vấn đề kiểm soát giá cả hàng hóa là cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các vùng chăn nuôi tập trung về vốn, phòng chống dịch bệnh để giảm thiểu độ rủi ro của người chăn nuôi.
Tại kỳ họp lần thứ 5, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tổ chức hôm 11/7, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban chỉ đạo chương trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế chính sách để tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp cao hơn trồng trọt.
Theo yêu cầu của Thường vụ Thành ủy, những chương trình công tác của thành phố trong đó có chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới phải hoàn thành việc xây dựng các đề án, cơ chế chính sách cụ thể để đến đầu năm 2012, phần lớn các cơ chế chính sách này phải được ban hành.
Như vậy, trong năm 2012, một loạt cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất, trồng trọt chăn nuôi của Thành phố Hà Nội cũng được ban hành để đưa vào thực hiện, góp phần phát triển bền vững cho giai đoạn 2011 – 2015./.
Việt Hà
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1543
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)