I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2011
A. Đặc điểm tình hình, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện:
Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; những biến động chính trị, xã hội trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường đã có tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2011, cụ thể như:
- Giá cả trong nước tăng cao do tác động của tăng giá thế giới và sự điều chỉnh một số mặt hàng thiết yếu theo giá thị trường; lãi suất vay ngân hàng cao làm cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ và đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn;
- Thời tiết nắng nóng kéo dài, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh;
- Một số cơ chế, chính sách của Trung ương ban hành đã tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh như:
+ Năm 2011, Quảng Ngãi nằm trong 13 tỉnh có nguồn thu lớn và điều tiết về Trung ương, do đó Trung ương cắt giảm, không bố trí đủ vốn thực hiện các chương trình mục tiêu, trong khi nguồn thu của tỉnh không đủ để cân đối nên các chương trình, dự án bị đình trệ, không thực hiện được;
+ Do Chính phủ chưa phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất (chờ Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất của cả nước) nên Chính phủ yêu cầu tạm dừng việc thu hồi, cấp đất cho các dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh, vì vậy đã làm đình trệ, chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư;
+ Ngày 24/02/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày về các giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; theo đó Kho bạc Nhà nước Trung ương đã thực hiện tạm dừng giải ngân vốn đối với tất cả các dự án khởi công mới (công văn số 616/KBNN-KSC ngày 18/4/2011 của KBNN) nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh.
+ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 6/4/2011 gia hạn nộp thuế TNDN cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu bằng 0%, đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách của tỉnh và việc thực hiện các chỉ tiêu KH phát triển KTXH 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện có kết quả các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Ngãi năm 2011 ban hành kèm theo Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 21/01/2011 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 15/4/2011 của UBND tỉnh nên tình hình KTXH của tỉnh 6 tháng đầu năm đã đạt những kết quả tích cực.
B. Kết quả thực hiện:
1. Về lĩnh vực kinh tế
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 4.543,08 tỷ đồng (theo giá so sánh 1994), tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó khu vực nông lâm thủy sản đạt gần 691,57 tỷ đồng, giảm 3,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 2.652,72 tỷ đồng, tăng 17,5%; dịch vụ đạt 1.198,79 tỷ đồng, tăng 13,8%. Khu vực nông - lâm, thủy sản do chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết và dịch bệnh nên sản xuất giảm sút; khu vực công nghiệp và dịch vụ vẫn giữ tốc độ tăng khá.
a) Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng ước đạt gần 9.420,2 tỷ đồng, tăng 22,4% so cùng kỳ năm trước và bằng 45,2% kế hoạch năm. Khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt gần 7.617,8 tỷ đồng, tăng 23,9% so với6 tháng đầu năm 2010; khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 1.671,4 tỷ đồng, tăng 15,1%. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 131 tỷ đồng, tăng 35,6%.
Sản lượng các sản phẩm chủ yếu đều tăng (trừ nước thương phẩm giảm 7,0%),trong đó có nhiều sản phẩm tăng khá như: Thủy sản chế biến, đường RS, quần áo may sẵn, gạch các loại, phân bón, đá khai thác, dăm gỗ nguyên liệu giấy, tinh bột mỳ,…Riêng sản phẩm lọc hóa dầu đạt trên 2,96 triệu tấn, tăng 23,3% so cùng kỳ năm trước.
b) Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và tài nguyên - môi trường
Về trồng trọt: Công tác chỉ đạo lịch thời vụ và cơ cấu giống vụ Đông Xuân đã được các địa phương chú trọng nên diện tích gieo sạ đúng lịch thời vụ khá cao. Lúa Đông Xuân toàn tỉnh gieo sạ đạt 37.023 ha, tăng 0,14% (50,2 ha) so với cùng vụ năm 2010.
Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và đợt không khí lạnh kéo dài, đã hạn chế sinh trưởng của cây lúa và phát sinh nhiều loại dịch bệnh nên phần lớn diện tích lúa (chủ yếu là trà lúa sớm) đạt năng suất rất thấp, nhiều diện tích bị mất trắng (huyện Bình Sơn) nên năng suất và sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm đáng kể so với cùng vụ năm 2010: năng suất chỉ đạt 49,9 tạ/ha, giảm 5,64 tạ/ha và sản lượng lúa chỉ đạt gần 184,9 ngàn tấn, giảm 20,6 ngàn tấn.
Trong vụ Đông Xuân các loại rau, đậu thực phẩm vẫn duy trì được diện tích đã có. Giá rau đậu ổn định và đảm bảo mang lại thu nhập khá cho người trồng.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ít mưa, mực nước trên các hồ đập giảm nên nhiều khả năng trong vụ Hè Thu đến nguồn nước tưới sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là nước cung cấp cho gieo sạ lúa. Do vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng và các địa phương khẩn trương sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng, có giải pháp điều tiết nguồn nước và tưới hợp lý cho từng vùng, từng cánh đồng nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn gây ra.
Về chăn nuôi: Thời gian qua, các địa phương đã tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh ở gia cầm, gia súc như tuyên truyền cho nhân dân hiểu về bệnh, cách phát hiện bệnh, biện pháp phòng, trị bệnh; khoanh vùng dịch, sử dụng các biện pháp kỹ thuật khống chế gia súc tại chỗ, cấm không chăn thả, giết mổ; sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất sát trùng và các loại vắcxin để triển khai tiêm phòng, bao vây các ổ dịch. Dịch lở mồm long móng gia súc được khống chế và tỉnh đã ban hành quyết định công bố hết dịch LMLM trên địa bàn. Tính từ đầu năm đến khi hết dịch, toàn tỉnh có 174 thôn tại 71 xã thuộc 11 huyện trong tỉnh có phát sinh bệnh lở mồm long móng với 2.650 con gia súc bị mắc bệnh, gồm 1.039 con trâu, 1.434 con bò và 177 con lợn; trong đó đã chết và tiêu huỷ 209 con (70 con trâu, 74 con bò và 65 con lợn).
Toàn tỉnh có 3 xã thuộc 2 huyện Sơn Tịnh và Nghĩa Hành có dịch cúm gia cầm với số gia cầm mắc bệnh là có 3.356 con vịt. Toàn bộ số gia cầm bị mắc bệnh đã được tiêu hủy; các ổ dịch được bao vây, khống chế, khử trùng tiêu độc không để lây lan ra diện rộng. Từ đầu tháng 4 đến nay, không phát sinh thêm điểm dịch cúm gia cầm.
Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng được tiếp tục duy trì. Các địa phương đều tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Đã tổ chức 214 đợt kiểm tra, truy quét, phát hiện 25 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; đã xử lý 10 vụ, tịch thu 24,63 m3 gỗ xẻ và một số động vật quý hiếm, phá hủy 5 lò than trái phép; thu nộp ngân sách 243,5 triệu đồng.
Khai thác thủy sản: Mặc dù chi phí đầu vào tăng cao, song trong tháng thời tiết thuận lợi cho đánh bắt thủy sản; đồng thời giá các loại thủy sản cũng tăng mạnh, đảm bảo có lãi cho ngư dân nên việc đánh bắt vẫn diễn ra bình thường. Ước tính 6 tháng đầu năm, sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 52.472 tấn, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước, đạt 50,6% kế hoạch; trong đó khai thác trên biển đạt 52.244 tấn, khai thác nước ngọt và nước lợ 228 tấn.
Do dịch bệnh thường xảy ra, người nuôi bị thiệt hại nên nuôi tôm có chiều hướng giảm sút. Sáu tháng đầu năm toàn tỉnh thả nuôi 475 ha tôm, đạt 69,9% kế hoạch. Sản lượng tôm thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt 655 tấn, chỉ bằng 28,4%cùng kỳ năm trước và đạt 9,6% kế hoạch.
Công tác quản lý tàu cá được tăng cường, ước 6 tháng đầu năm thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật cho 246 tàu cá, nâng tổng số tàu đăng ký trong toàn tỉnh lên 5.608 tàu với tổng công suất 562.372 CV (có 1.466 tàu công suất dưới 20 CV do huyện quản lý); cấp 80 sổ danh bạ cho thuyền viên và 146 giấy phép khai thác thủy sản.
Tài nguyên và môi trường: Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đăng ký đất đai được triển khai theo kế hoạch; triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất tỉnh, huyện, xã đến năm 2020, các địa phương đang tiến hành điều tra, thu thập số liệu, điều chỉnh, bổ sung báo cáo thuyết minh quy hoạch sử dụng đất.
Phối hợp với cơ quan chức năng và cảnh sát môi trường kiểm tra, giám sát sự cố tràn dầu FO ra sông Trà Khúc của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi; hiện hồ sơ vụ việc đang được xem xét, giải quyết theo pháp luật bảo vệ môi trường. Tiến hành thẩm tra hồ sơ, cấp giấy phép thu hồi quặng titan trong cát tại các xã Bình Chánh, Bình Thạnh huyện Bình Sơn cho công ty Cổ phần khoáng sản Mai Linh. Thực hiện công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
c) Thương mại, hoạt động vận tải
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 10.511,7 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ 2010 và bằng 48,8% kế hoạch năm; trong đó kinh tế nhà nước đạt 776,45 tỷ đồng, tăng 11,9 %; kinh tế cá thể đạt 7.325,5 tỷ đồng, tăng 20,4%; kinh tế tư nhân đạt 2.402,7 tỷ đồng, tăng 24,3%.
Công tác quản lý thị trường được duy trì thường xuyên, các Đội quản lý thị trường tập trung thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, chống vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, đầu cơ nâng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân. Kết quả cho thấy tình hình thị trường đã có nhiều diễn biến tích cực, góp phần tích cực phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 70,93 triệu USD, giảm 61,16% so với cùng kỳ 2010 và bằng 23,3% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh là do Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ xuất khẩu sản phẩm dầu FO, còn các sản phẩm khác như: Propylen, dầu KO,... có giá trị xuất khẩu lớn trong năm 2010 nhưng 6 tháng đầu năm 2011 không xuất khẩu, chỉ dùng để phục vụ nhu cầu trong nước.
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt 2.235 triệu USD, tăng 72,4% so với cùng kỳ 2010 và bằng 66,5% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu tăng cao so cùng kỳ năm trước chủ yếu là do Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất nhập khẩu nguyên liệu dầu thô cho sản xuất 2.161,77 triệu USD, tăng 76,7% so cùng kỳ năm trước; ngoài ra một số mặt hàng nhập khẩu khác cũng tăng như: sắt thép đạt 30,83 triệu USD, tăng 207,5%; bao bì đạt gần 7,62 triệu USD, tăng 62,9%.
Hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm tiếp tục ổn định và phát triển. Vận chuyển hành khách ước đạt 1.123 ngàn lượt khách, tăng 21,5% so với cùng kỳ 2010; khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.889,36 ngàn tấn, tăng 28,77% so với cùng kỳ 2010. Doanh thu vận tải và các hoạt động dịch vụ vận tải 6 tháng đầu năm ước đạt 348,85 tỷ đồng, tăng 49,16% so với cùng kỳ 2010.
d) Tài chính, giá cả thị trường và tình hình thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 8.808,2 tỷ đồng, bằng 47% dự toán năm và tăng 84,5% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó, thu nội địa ước đạt 4.698,2 tỷ đồng, bằng 35,97% dự toán năm và tăng 127% so với cùng kỳ năm 2010; thu hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 4.000 tỷ đồng, bằng 74,1% dự toán năm; thu bổ sung từ ngân sách trung ương đạt 419,75 tỷ đồng, bằng 50,7% dự toán năm. Hầu hết các nguồn thu truyền thống của địa phương đạt khá cao và đảm bảo tiến độ, đạt trên 50% dự toán năm và tăng so với cùng kỳ năm 2010, như thu từ khu vực ngoài quốc doanh, thuế nhà đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thu phí xăng dầu, lệ phí trước bạ, thu từ quỹ đất công ích... Tuy nhiên, thu nội địa đạt thấp so dự toán được giao chủ yếu do thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ đạt 35% (Nguyên nhân là do ảnh hưởng giá dầu thô tăng làm tăng thuế giá trị gia tăng đầu vào và thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu giảm làm giảm số thu thuế giá trị gia tăng và không phát sinh số thu điều tiết). Ngoài ra, thu tiền sử dụng đất đạt thấp, bằng 12,7% dự toán năm; do các dự án lớn đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng (Khu dân cư Phú Mỹ, Sơn Tịnh); hoàn chỉnh hạ tầng, chuẩn bị đấu giá (trục đường Bàu Giang - Cầu Mới) hoặc chưa triển khai (Khu dân cư Nam, Bắc Gò Đá phường Lê Hồng Phong…) nên số thu chưa phát sinh.
Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm ước đạt 2.110,72 tỷ đồng, bằng 38% dự toán năm, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 682,6 tỷ đồng, bằng 34,3% dự toán năm, tăng 47,3% so với cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 1.302,29 tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2010... Hầu hết các khoản chi đều đạt thấp so dự toán.
Thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành, trong 6 tháng đầu năm 2011, ngân sách đảm bảo hơn 410 tỷ đồng để phân bổ cho các địa phương, đơn vị, đảm bảo nhu cầu kinh phí để thực hiện: chi hỗ trợ dầu hoả thắp sáng cho 11.680 hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới (1,2 tỷ đồng); chi bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi (168,64 tỷ đồng); chi hỗ trợ học bổng học sinh dân tộc nội trú (13,56 tỷ đồng); chi hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II (12,41 tỷ đồng); thực hiện chính sách bảo trợ xã hội (142,68 tỷ đồng);chi hỗ trợ xây dựng nhà ở (66,57 triệu đồng)...
Nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát theo Nghị quyếtsố 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chủ động sắp xếp lại nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại năm 2011 là 49,83 tỷ đồng. Trong điều kiện đó, để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn đã được giao đầu năm, các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai: giảm tối đa số lượng, quy mô và kinh phí chi hội nghị, hội thảo, lễ hội, tổng kết, sơ kết, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập,... các đoàn công tác trong và ngoài nước sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; thực hiện tiết kiệm tối đa trong việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; ngừng các khoản chi cho các nhiệm vụ khác chưa thật sự cấp bách, nội dung không thiết thực. Đồng thời, tạm dừng trang bị mới xe ô tô, mua sắm tài sản có giá trị lớn, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng,... Đối với các cơ quan đơn vị đã ký hợp đồng mua xe ôtô, điều hoà nhiệt độ, thiết bị văn phòng với nhà cung cấp theo đúng trình tự, thủ tục quy định trước ngày 24/02/2011 thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, phấn đấu tăng thu 7,6% ngân sách nhà nước năm 2011.
Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến thời điểm 30/4/2011 đạt 11.238 tỷ đồng, giảm 25,23% so với cuối năm 2010. Tổng dư nợ cho vay tăng không đáng kể so với cuối năm 2010, đạt 16.868 tỷ đồng, tăng 4,44%; trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất là 2.178 tỷ đồng chiếm 12,91% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu là 1,77% tổng dư nợ. Từ ngày 01/5/2011, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng.
Đầu tháng 3/2011, ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP đến các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các văn bản của ngành về lãi suất, về cho vay, mua, bán bằng ngoại tệ, về việc chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng, tiến hành điều tra, kiểm tra một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn về việc cho vay bất động sản, kinh doanh chứng khoán, cho vay tiêu dùng; thường xuyên theo dõi, giám sát các chi nhánh ngân hàng trong việc thực hiện lãi suất huy động bằng tiền Việt Nam và đô la Mỹ; phối hợp với Chi cục quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh về quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động mua bán ngoại tệ trên địa bàn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 5 tháng đầu năm diễn biến phức tạp và không theo quy luật thường niên. Thường giá cả tăng mạnh trong tháng Tết Nguyên đán, những tháng sau đó không tăng hoặc giảm so tháng trước, nhưng năm nay giá cả diễn ra khác quy luật: tháng 01 tăng 3,93%, tháng 02 tăng 1,86%, tháng 3 tăng 0,65%, tháng 4 tăng 2,93%, tháng 5 tiếp tục tăng nhưng có xu hướng chững lại, tăng 1,30%, đưa chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 11,10%. Đây là mức tăng giá cao nhất trong những năm gần đây.
So với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 11,10%. Trong đó tăng mạnh ở các nhóm hàng hóa và dịch vụ như: lương thực tăng 17,10%; thực phẩm tăng 15,17%; nhà ở, chất đốt và VLXD tăng 14,06%; giao thông tăng 18,08%; giáo dục tăng 16,49%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng thấp hơn mức tăng chung; riêng nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giảm (giảm 2,08%). Nguyên nhân tăng giá mạnh trong 5 tháng đầu năm là do: Giá các mặt hàng chủ yếu trên thị trường thế giới biến động tăng, nhất là giá dầu thô, gây sức ép lên hầu hết các loại hàng hóa, làm cho thị trường giá cả trong nước diễn biến hết sức phức tạp. Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước vào các ngày 24/2 và 29/3 cũng như việc tăng giá bán điện từ ngày 01/3 đã kéo theo sự tăng giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm lên trên 11%.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương trong việc khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; dự kiến chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong tháng 6 vẫn tăng nhưng có xu hướng chững lại so với tháng 5, khả năng chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm sẽ tăng dưới 12%.
đ) Đầu tư phát triển và tình hình rà soát, sắp xếp, điều chuyển vốn, cắt giảm đầu tư công
* Về công tác giải ngân
Tổng kế hoạch vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 là 1.982,72 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách cân đối cho các dự án là 1.677,179 tỷ đồng (chưa tính 500 tỷ vốn vay KBNN do chưa vay được và đã trừ các khoản trả nợ); vốn trái phiếu Chính phủ là 305,54 tỷ đồng.
- Giá trị giải ngân vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ 5 tháng đạt 523 tỷ đồng, bằng 26,4% kế hoạch. Trong đó: Vốn ngân sách đạt 456,4/1.677,179 tỷ đồng, bằng 27,2% kế hoạch (vốn ngân sách trong cân đối đạt 26,4%, vốn hỗ trợ có mục tiêu đạt 18,2%, vốn nước ngoài đạt 53,4% so với kế hoạch, vốn Chương trình mục tiêu do kế hoạch mới giao vào cuối tháng 3 và chủ yếu là dự án khởi công mới nên chưa giải ngân); Vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt 66,7/305,54 tỷ đồng, bằng 21,8% kế hoạch.
- Ước giải ngân vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ 6 tháng đạt 939,8tỷ đồng, bằng 47,4% kế hoạch. Trong đó: Vốn ngân sách ước đạt 741,6 tỷ đồng, bằng 44,2% kế hoạch (vốn ngân sách trong cân đối đạt 46,7%, vốn hỗ trợ có mục tiêu đạt 37,5%, vốn nước ngoài đạt 67,6% so với kế hoạch); Vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt 198 tỷ đồng, bằng 64,8% kế hoạch.
* Về tiến độ thực hiện và tình hình rà soát, sắp xếp, điều chuyển vốn, cắt giảm đầu tư công
- Các dự án chuyển tiếp: trong năm triển khai 87 dự án chuyển tiếp, dự kiến đến cuối năm hoàn thành 57 dự án; tiến độ thực hiện của các dự án chuyển tiếp chậm, nhiều dự án thi công có khối lượng nhưng chưa nghiệm thu nên khối lượng đăng ký KBNN và giải ngân thấp.
- Các dự án khởi công mới: phần tỉnh giao kế hoạch gồm 44 dự án khởi công mới; trong đó, có 5 dự án nguồn xổ số kiến thiết, 7 dự án nguồn hỗ trợ có mục tiêu và 32 dự án nguồn ngân sách trong cân đối.
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, tỉnh đã rà soát giãn tiến độ 4 dự án trong số 32 dự án sử dụng vốn ngân sách trong cân đối là dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Sa Kỳ, Đường 30-4 (đoạn Trương Quang Giao đến Lê Thánh Tôn), Xây dựng khán đài A sân vận động tỉnh Quảng Ngãi, Nhà làm việc Công an thị trấn Châu Ổ. Trong số 44 dự án khởi công mới, giãn tiến độ 4 dự án còn 40 dự án, đến nay có 20 dự án đã khởi công, 8 dự án đã hoàn chỉnh thủ tục lựa chọn nhà thầu chuẩn bị khởi công, các dự án còn lại đang thực hiện công tác bồi thường, lập thiết kế, chờ cấp địa điểm,...
- Phân cấp các huyện, thành phố: với kế hoạch vốn phân cấp là 214,74 tỷ đồng, các huyện, thành phố phân bổ nhiều danh mục, gồm 217 dự án; trong đó, có 58 dự án trả nợ, 43 dự án chuyển tiếp và 115 dự án khởi công mới, hầu hết là các dự án có quy mô nhỏ và khả năng hoàn thành trong năm. Thực hiện Nghị quyết 11, các huyện, thành phố cũng tiến hành rà soát lại danh mục dự án khởi công mới, đến nay huyện Bình Sơn cắt giảm bớt 6/17 dự án, thành phố Quảng Ngãi cắt giảm 1/6 dự án, các huyện khác đang rà soát.
- Chương trình 30a: kế hoạch vốn là 171 tỷ đồng, tiếp tục triển khai 6 huyện miền núi với 42 dự án trả nợ khối lượng, 47 dự án thực hiện đầu tư, trong đó có 20 dự án khởi công mới. Hầu hết các dự án thực hiện đảm bảo tiến độ, tuy nhiên do một số huyện chọn công trình có quy mô quá lớn trong khi nguồn vốn có hạn nên mức vốn bố trí hàng năm thấp so với tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thi công hoàn thành dự án.
- Các công trình trọng điểm: Nghị quyết HĐND phê duyệt 10 công trình trọng điểm, trong đó có 7 công trình đang thực hiện đầu tư nhưng nhìn chung tiến độ chậm như dự án Di dân, tái định cư hồ Nước Trong, các công trình giao thông và thoát nước trên địa bàn thành phố, trường Đại học Phạm Văn Đồng, đường Bàu Giang – Cầu Mới, đập dâng sông Trà Khúc; 03 công trình đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong đó dự án Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc các hạng mục ngoài hàng rào và giải phóng mặt bằng tỉnh đã thực hiện xong, phần xây dựng và thiết bị dự án thực hiện bằng vốn ODA của Hàn Quốc nhưng do gói thầu số 1- gói thầu tư vấn (Tổng cục dạy nghề làm chủ đầu tư) bị chậm nên các gói thầu xây lắp và thiết bị chưa triển khai được, dự kiến đến tháng 6 sẽ mời thầu, cuối năm triển khai thi công.
- Vốn trái phiếu Chính phủ: kế hoạch năm 2011 gồm 19 dự án chuyển tiếp (chưa tính các dự án thuộc chương trình kiên cố hóa trường, lớp học), nhìn chung tiến độ thực hiện các dự án còn chậm như dự án quốc lộ 24 – Ba Giang, đường Trà Phong – Trà Thanh, hồ Hóc Xoài, hồ Thới Lới,… một số dự án đã có khối lượng nhưng chưa nghiệm thu để giải ngân. Có 15 dự án hoàn thành trong năm 2011, trong đó có 4 dự án hoàn thành trước 30/6.
* Những khó khăn vướng mắc trong thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011
- Về nguồn vốn: Kế hoạch vốn năm 2011 thấp hơn năm 2010 do một số nguồn hỗ trợ có mục tiêu bị cắt giảm (vì Quảng Ngãi nằm trong 13 tỉnh có nguồn thu lớn và điều tiết về Trung ương), vốn trái phiếu Chính phủ giảm và chưa xin được nguồn thu thuế TTĐB từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tổng kế hoạch vốn năm 2011 thấp hơn so với năm 2010 là 1030 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách giảm 641,3 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ giảm 388,9 tỷ đồng.
Nhu cầu vốn cần thiết phải bổ sung để thực hiện kế hoạch năm 2011 khoảng 650 tỷ đồng. Ngày 24/05/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 3260/BKHĐT-TH về việc bổ sung vốn kế hoạch năm 2011 từ nguồn vượt thu và kế dư Ngân sách Trung ương, với số vốn bổ sung là 339,9 tỷ đồng. UBND tỉnh sẽ tiến hành phân bổ và thông báo cho các đơn vị sử dụng trước ngày 06/6/2011.
- Về bồi thường, giải phóng mặt bằng: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là trong việc thực hiện Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND ngày 21/10/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành đơn giá bồi thường, nhiều dự án trên cùng địa bàn nhưng dự án phê duyệt phương án bồi thường trước và sau khi Quyết định 28 có hiệu lực có sự chênh lệch đáng kể về chi phí bồi thường nên các hộ dân vùng dự án có sự so sánh và gây khó khăn cho việc giao mặt bằng thi công.
Bên cạnh đó công tác bồi thường các dự án trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, làm chậm việc thi công hoàn thành dự án, như: Dự án đường Bàu Giang-Cầu Mới vẫn chưa giải tỏa được các hộ dân phía đường Quang Trung, đường Nguyễn Trãi giai đoạn 2 thì chi phí bồi thường quá lớn (trên 80 tỷ đồng), trong khi vốn mới bố trí được 25 tỷ đồng nên khó thực hiện, các tuyến đường do thành phố đầu tư cũng chậm do công tác bồi thường phức tạp.
Các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ có 02 dự án công tác bồi thường lớn là dự án Di dân, tái định cư hồ Nước Trong và dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh. Trong đó; Dự án di dân, tái định cư Hồ Nước Trong khá phức tạp, đến nay khu vực lòng hồ còn 01 phương án bồi thường (31 tỷ đồng) đã phê duyệt đang chi trả bồi thường, 01 phương án (17,5 tỷ đồng) đang trình thẩm định, 02 phương án (48 tỷ đồng) đang lập.
e) Đăng ký kinh doanh và tình hình thu hút đầu tư
Về Đăng ký kinh doanh và Sắp xếp, đổi mới công ty nhà nước: 6 tháng đầu năm đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 308 doanh nghiệp với với tổng vốn đăng ký 2.818 tỷ đồng; bao gồm: 28 doanh nghiệp tư nhân, 91 Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, 154 Công ty TNHH 1 thành viên và 35 Công ty Cổ phần.
Hoạt động đăng ký và quản lý doanh nghiệp được tốt hơn do cơ bản đã hoàn thành hệ thống đăng ký doanh nghiệp Quốc gia. Tuy nhiên, do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên số lượng doanh nghiệp đăng ký mới 6 tháng đầu năm không tăng (năm 2010 có 332, năm 2011 có 308). Tỉnh đã thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới công ty nhà nước theo đúng kế hoạch được phê duyệt.
Về tình hình thực hiện các dự án FDI: Trong 6 tháng đầu năm 2011, không có dự án có vốn FDI được cấp mới. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 19 dự án có vốn FDI với tổng vốn đăng ký gần 3,73 tỷ USD; trong đó, Khu kinh tế Dung Quất 13 dự án với tổng vốn đăng ký 3.695,8 triệu USD, Khu công nghiệp tỉnh 01 dự án với tổng vốn đăng ký 5 triệu USD, tại các nơi khác ngoài các Khu công nghiệp và Khu kinh tế là 05 dự án với tổng vốn đăng ký là 29,2 triệu USD.
Vốn thực hiện của các dự án FDI trong 6 tháng đạt khoảng 3 triệu USD, bằng 54% so với cùng kỳ năm 2010 và bằng 3% so với dự kiến cả năm (90 triệu USD). Tình hình triển khai các dự án FDI khá chậm so với tiến độ đề ra, nguyên nhân chủ yếu là tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nên việc thu hút FDI, vốn thực hiện của các dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Luỹ kế từ trước đến nay, tổng vốn FDI thực hiện trên địa bàn tỉnh khoảng 449 triệu USD, chỉ chiếm khoảng hơn 12% tổng vốn đăng ký.
Tình hình cấp giấy phép đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư trong nước: Có 09 dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong nước được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 10.214 tỷ đồng; trong đó, Khu kinh tế Dung Quất có 04 dự án với vốn đăng ký 214 tỷ đồng; khu vực còn lại của tỉnh có 05 dự án với vốn đăng ký trên 10.000 tỉ đồng. Như vậy, cho đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 258 dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong nước được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 104.448 tỷ đồng.
Vốn thực hiện của các dự án đầu tư trong nước trong 6 tháng đầu năm đạt 3.000 tỷ đồng, bằng 34% so với tổng vốn đăng ký và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. Tỉnh cũng đã cương quyết thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của 09 dự án chậm triển khai, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010.
f) Kinh tế đối ngoại
- Công tác vận động các chương trình, dự án ODA đã có sự chuyển biến bước đầu, đến nay 02 dự án mà tỉnh đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đã được Bộ có văn bản ghi nhận để đưa vào đàm phán với ADB và IFAD. Tuy nhiên, xuất hiện một số thay đổi, đó là xu hướng giảm ưu tiên ODA cho Việt Nam, do nước ta đứng vào nhóm các nước có thu nhập trung bình; một số nhà tài trợ song phương thay đổi chiến lược viện trợ và dần rút khỏi Việt Nam; nên công tác vận động trong thời gian đến dự báo là khó khăn.
- Tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA: Năm 2011, tổng vốn đầu tư cho các Chương trình, dự án ODA là 395,69 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 350,69 tỷ đồng, vốn đối ứng là 45 tỷ đồng. Hiện có 6 nhà tài trợ chính: ADB 131,5 tỷ đồng (37,5%), WB 91,45 tỷ đồng (26,1%), JICA 70 tỷ đồng (20%), Úc 50,99 tỷ đồng (14,5%), Đức 6,2 tỷ đồng (1,8%), Hà Lan 0,5 tỷ đồng (0,1%) với 19 Chương trình, dự án thuộc các ngành như sau: Nông nghiệp 192,24 tỷ đồng, Công nghiệp 60 tỷ đồng, Giao thông Vận tải 8 tỷ đồng, Cấp và thoát nước 50 tỷ đồng, Y tế 11 tỷ đồng, Giáo dục và Đào tạo 9,45 tỷ đồng, Tài nguyên Môi trường 20 tỷ đồng. Trong đó, có 9 dự án do tỉnh là cơ quan chủ quản với tổng vốn ODA 214,64 tỷ đồng, chiếm 61,2%; 10 dự án do Bộ, ngành làm chủ quản với tổng vốn 136,05 tỷ đồng, chiếm 38,8%.
Từ đầu năm đến nay, hầu hết các chủ đầu tư đã tích cực triển khai và đôn đốc các đơn vị thi công nên một số công trình chuẩn bị kết thúc và công trình đã hoàn thành thủ tục bước sang giai đoạn thực hiện đầu tư nên đã có khối lượng và giải ngân vốn ODA tăng mạnh như: Dự án khôi phục các hồ chứa nước quy mô nhỏ tỉnh Quảng Ngãi (47,584 tỷ đồng), đang triển khai thi công tại tất cả 7 hồ chứa nước; Dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung (44,6 tỷ đồng), đang hoàn thành các hạng mục cuối cùng và hoàn chỉnh các thủ tục để đóng dự án vào tháng 6/2011; Dự án phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung (30 tỷ đồng), đã triển khai thi công 13 gói thầu xây lắp; Tiểu dự án Trà Câu (25,834 tỷ đồng), đang triển khai thi công 7 gói thầu của Hợp phần Diên Trường và 8 gói thầu của hợp phần Liệt Sơn – Chóp Vung, Dự án năng lượng nông thôn II (29,106 tỷ đồng), cũng đã hoàn thành 50/51 công trình của giai đoạn II,…
2. Lĩnh vực Văn hoá - Xã hội
a) Văn hóa, thể thao, du lịch và phát thanh truyền hình
Ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Đài phát thanh truyền hình, Báo Quảng Ngãi đã tập trung tuyên truyền chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; tuyên truyền, phản ánh hoạt động triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016,... Đồng thời, bằng nhiều hình thức tuyên truyền như: xe thông tin cổ động, pa nô, khẩu hiệu, tranh cổ động,... đã tạo không khí sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân nhằm chào mừng các ngày Lễ kỷ niệm lớn trong năm và phản ánh các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tổ chức thành công Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2011 tại đình làng An Vĩnh, Lý Sơn; lễ phát động Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 13 tại Quảng Ngãi; tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận Di tích Trường Luỹ... Các ngành và các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí của tỉnh đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội dung của Nghị Quyết số 11/NQ-CP và Chương trình hành động Nghị quyết số 11/NQ-CP để tổ chức triển khai thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác nhất là các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, tiền tệ, giá cả, các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ các hỗ nghèo trực tiếp chịu tác động của việc thực hiện điều chỉnh giá điện để nhân dân hiểu, đồng tình.
Phong trào thể dục thể thao ở các đơn vị, địa phương tiếp tục phát triển; hoạt động thể dục thể thao được tổ chức rộng khắp đến các xã, phường, thị trấn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Ngành thể dục thể thao đã tổ chức thành công các giải: Cờ tướng, Boxing, Bóng đá, Bóng chuyền,.. Ngoài ra, tại nhiều địa phương hoạt động thể dục thể thao “Mừng Đảng – Mừng Xuân” được tổ chức rộng khắp đến các xã, phường, thị trấn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, với các môn thể thao đậm chất lễ hội dân tộc như: Đua thuyền, Cờ tướng, Võ thuật cổ truyền, lắc thúng và các trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, cà kheo).
Về du lịch: Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, tổng doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 125,13 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2010 và đạt 50% kế hoạch năm; trong đó, thu bằng ngoại tệ ước đạt 2,5 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2010 và bằng 50% kế hoạch năm. Tổng lượt khách ước đạt 190.040 lượt người, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước và bằng 53% so với kế hoạch năm; trong đó khách quốc tế ước đạt 13.942 lượt, đạt 51% so với kế hoạch năm. Để triển khai các chương trình du lịch trong năm 2011, tỉnh đã phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động du lịch chào mừng các ngày lễ lớn; các hoạt động quảng bá du lịch về đảo Lý Sơn và Quảng Ngãi trong dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tổ chức Hội thảo về bảo tồn và phát huy di tích Trường lũy Quảng Ngãi gắn với du lịch.
b) Y tế
Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được tăng cường; thường xuyên giám sát dịch tễ, phát hiện sớm những ca bệnh và ngăn chặn kịp thời không cho dịch lớn xảy ra. Do chủ động triển khai phòng chống dịch ngay từ đầu năm, nên số bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đến hết tháng 4/2011, tổng số ca mắc bệnh trong toàn tỉnh là 186 ca, không có tử vong.
Các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch trong nhân dân, huy động cộng đồng tham gia bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Tổ chức lễ phát động và triển khai các hoạt động truyền thông về Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phầm năm 2011.
Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, hạn chế tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng; xây dựng kế hoạch, nội dung công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; chú trọng trong công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, tăng cường về kỹ năng tuyên truyền cho cộng tác viên các tuyến, duy trì hoạt động theo dõi, giám sát tăng trưởng của trẻ em, nên tỷ lệ suy dinh trẻ em dưới 5 tuổi giảm dần trong thời gian qua, ước 6 tháng đầu năm đạt 18,9%.
Công tác khám, chữa bệnh được quan tâm đúng mức, toàn ngành tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ, nâng cao y đức, cứu chữa kịp thời các trường hợp khẩn cấp và tổ chức khám, chữa bệnh lưu động phục vụ các xã khó khăn trong tỉnh; tổ chức kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức tiêm chủng mở rộng cho các cháu trong độ tuổi và phụ nữ có thai. Hiện nay, công suất sử dụng giường bệnh bình quân chung các bệnh viện khá cao, riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục trong tình trạng quá tải (có lúc 143,32%).
c) Giáo dục và Đào tạo
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện chuyển đổi 97 trường mầm non bán công ở nông thôn sang loại hình trường công lập theo Nghị quyết 03/2010/NQ-HĐND và quyết định số 150/QĐ-UBND về việc chuyển đổi trường mầm non bán công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sang loại hình trường công lập. Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng các đề án: chuyển đổi 6 trường trung học phổ thông bán công sang công lập; đề án học phí mới.
Ngành đã phối hợp tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12; thi Giải toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh; tổ chức giáo viên dạy giỏi ngành học mầm non; thi tự làm và sử dụng đồ dùng dạy học tự làm đối với giáo viên trung học cơ sở; thi học sinh giỏi lớp 5 toàn tỉnh, thi tốt nghiệp nghề phổ thông; tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho 14 học sinh đạt giải giải toán bằng máy tính cầm tay khu vực và 20 học sinh giỏi quốc gia; phối hợp hướng dẫn học sinh tham gia viết thư Quốc tế UPU...
Thực hiện kiểm tra công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 2 huyện Trà bồng và Tây Trà. Kết quả, 2 huyện đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đến nay, toàn tỉnh có 14/14 huyện thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học năm học 2010-2011, Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến thành lập 25 cụm thi, 38 hội đồng coi, với tổng số thí sinh đăng ký 19.508; trong đó: giáo dục phổ thông 16.678 thí sinh, giáo dục thường xuyên 2.830 thí sinh. Hoàn thành việc thu nhận và bàn giao 39.585 hồ sơ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2011.
Xây dựng Đề án phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi. Kiểm tra phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực tại cơ sở.
d) Lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Công tác lao động - tiền lương - bảo hiểm xã hội, quản lý đào tạo nghề,chính sách thương binh - liệt sĩ và người có công, bảo trợ xã hội - phòng chống tệ nạn xã hội và công tác trẻ em, hoạt động Quỹ bảo trợ trẻ em được triển khai theo kế hoạch.
Thực hiện Đề án xuất khẩu lao động giai đoạn 2009-2011, ước 6 tháng đầu năm 2011 có khoảng 684 người đi xuất khẩu lao động (đạt 34.2% kế hoạch năm), trong đó số lao động đi xuất khẩu lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg là 85 người. Mặc dù, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, công tác xuất khẩu lao động của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, số lao động xuất khẩu đạt thấp so với kế hoạch được giao. Ước sáu tháng đầu năm đào tạo nghề ngắn hạn cho 4.420 học sinh, đạt 29,96% kế hoạch, đào tạo hệ Trung cấp nghề cho 850 học sinh, đạt 12,40 % kế hoạch, liên kết đào tạo hệ Cao đẳng nghề cho 500 học sinh, đạt 55,55% kế hoạch.
Tổ chức đi thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng và viếng Nghĩa trang liệt sĩ nhân dịp Tết Tân Mão; quyết định trợ cấp và hướng dẫn các huyện trong tỉnh tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 48 mẹ; phân bổ nguồn kinh phí 12,29 tỷ đồng điều dưỡng tập trung và tại gia đình cho người có công với cách mạng trong năm 2011; tổ chức đưa 200 người có công với cách mạng đi điều dưỡng tập trung tại Quảng Nam; Chỉ đạo các huyện, thành phố lập danh sách 47.233 đối tượng được hưởng trợ cấp khó khăn theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền 10,27 tỷ đồng.
Hoàn thành việc cấp 2.000 tấn gạo cho 121.917 khẩu hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trong năm 2010 cho các địa phương trong tỉnh; tổ chức tặng quà cho 93 cụ đến năm Tân Mão tròn 100 tuổi, mỗi suất quà 500.000 đồng, với tổng số tiền 46,5 triệu đồng;...
Triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chăm sóc trẻ em, thực hiện chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo năm 2011, chương trình hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và chương trình hỗ trợ giảm nghèo đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2009/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ. Tổng hợp nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn ở 14 huyện, thành phố, 24 cơ sở dạy nghề và 40 doanh nghiệp để chuẩn bị thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
Thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định số 167/2008/ QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã phân bổ kinh phí để xây dựng 12.744 nhà đối tượng nghèo, đến nay đã xây dựng xong, đưa vào sử dụng 11.941 nhà, đang trển khai xây dựng 288 nhà, đang tập kết vật tư chuẩn bị xây dựng 174 nhà, chưa triển khai xây dựng 341 nhà. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp phải tập trung hoàn thành dứt điểm trong tháng 6/2011.
đ) Công tác dân tộc và miền núi
Nhân dịp tết Nguyên đán năm 2011, UBND tỉnh đã hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo, cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu như: nước mắm, dầu ăn, bột ngọt cho tất cả các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đón tết vui vẻ, ổn định. Tổng kinh phí thực hiện là 3,988 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Các chương trình dự án và chính sách đối với đồng bào dân tộc và miền núi được các ngành, địa phương chú trọng triển khai thực hiện như: Hợp phần nâng cao năng lực và học hỏi thuộc Chương trình Hỗ trợ thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (ISP), Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg, Chính sách theo Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg, Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, Chính sách theo Quyết định số 289/QĐ-TTg,... góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Riêng Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 75/109 công trình, các công trình còn lại đang tiếp tục triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2011. Kế hoạch vốn năm 2011 bố trí trả nợ 42 công trình hoàn thành, chuyển tiếp cho 27 công trình và thực hiện đầu tư, chuẩn bị đầu tư cho 47 công trình.
e) Khoa học và Công nghệ
Đã hướng dẫn triển khai Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015; tổ chức 03 cuộc Hội thảo khoa học về đề tài “Nghiên cứu phát triển làng nghề tỉnh Quảng Ngãi” và đề tài “Nghiên cứu quy hoạch phòng chống và tiêu thoát lũ sông Trà Khúc và sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi”. Nghiệm thu kết quả đề tài khoa học “Nghiên cứu một số cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ ban hành các cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực”; bổ sung 09 đề tài, dự án KH&CN triển khai thực hiện mới trong năm 2011.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ được tăng cường đã góp phần nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hạn chế những sai phạm trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ,... Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện thẩm tra dây chuyền thiết bị công nghệ 02 dự án: Nhà máy chiết ga Thành Tài và Nhà may chế biến hạt điều. Hướng dẫn cho 04 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Thẩm định và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho Bệnh viện đa khoa huyện Bình Sơn. Tiếp nhận 08 Hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình khoa học và Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015.
Thực hiện kiểm định 12.128 phương tiện đo (PTĐ) các loại, trong đó đạt yêu cầu 11.871 PTĐ chiếm (97,88%). Tổ chức kiểm tra và hiệu chỉnh cân đối chứng tại chợ Quảng Ngãi và Đức Phổ. Tiếp tục giám định công tơ điện 1 pha của dự án Năng lượng Nông thôn II tại Quảng Ngãi.
f) Thông tin và Truyền thông
Ngành Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu và phối hợp thực hiện Đề án Phát triển thông tin, tuyền thông nông thôn giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định 119/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 40 – 2011.
Chỉ đạo và hướng dẫn vận hành mạng viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc, an ninh thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2011 và phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngành Viễn thông tiếp tục phát triển khá và ổn định so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, do các thuê bao điện thoại cố định chuyển sang dùng điện thoại di động là chủ yếu nên số điện thoại cố định lắp đặt hàng năm hiện nay có xu hướng giảm. Số điện thoại trên 100 dân trên toàn địa bàn tỉnh ước khoảng 85,58 máy/100 dân; số cổng internet ước khoảng 53.000 cổng; tỷ lệ người sử dụng internet/100 dân là 40/100.
3. Lĩnh vực nội chính và tổ chức Nhà nước
a) Công tác Tư pháp
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2011 và ban hành chỉ thị về tăng cường công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh. Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền 6 tháng đầu năm 2011 là các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016: ban hành Kế hoạch; tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản về bầu cử; tổ chức biên soạn, in và cấp phát 20.000 tờ rơi với nội dung “Hỏi đáp về bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân” để phục vụ công tác bầu cử.
Công tác quản lý, đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài được thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật. Hoạt động công chứng, chứng thực được thực hiện tương đối tốt; công tác chứng thực ở các huyện, thành phố nhìn chung đáp ứng yêu cầu của tổ chức và công dân. Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã tiến hành 42 đọt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã thuộc các huyện trong tỉnh. Qua đó, trung tâm đã thực hiện tư vấn, giải đáp pháp luật cho 277 vụ việc trên các lĩnh vực pháp luật, nhất là các lĩnh vực pháp luật về đất đai, khiếu nại – tố cáo, hôn nhân gia đình, bảo vệ và phát triển rừng, chế độ chính sách. Bên cạnh việc tư vấn pháp luật Trung tâm đã tuyên truyền, phổ biến một số văn bản pháp luật,... để các đối tượng có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu kỹ hơn về các lĩnh vực pháp luật.
b) Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác thanh tra
Các cơ quan hành chính trong tỉnh đã tiếp 1.410 lượt người khiếu nại, tố cáo, giảm 32,53% so với cùng kỳ năm 2010; tiếp nhận 1.791 đơn của 1.1543 vụ khiếu nại, tố cáo, giảm 40,2% số đơn so với cùng kỳ năm 2010; có 12 vụ khiếu nại đông người (giảm 02 vụ so với cùng kỳ năm 2010).
Trong 6 tháng đầu năm, tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh là 82 vụ khiếu nại; đã ban hành quyết định giải quyết và văn bản xử lý 45 vụ việc, đạt tỷ lệ 54,2%. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các Sở, ngành là 27 vụ; đã giải quyết được 13 vụ, đạt tỷ lệ 48,14%. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các huyện, thành phố là 285 vụ; đã giải quyết được 118 vụ, đạt tỷ lệ 41,4%.
Ngành thanh tra đã triển khai 24 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 53 đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện tổng giá trị sai phạm 3,393 tỷ đồng và 28.400m2 đất; đã kiến nghị thu hồi vào ngân sách Nhà nước 2 tỷ đồng và 28.400m2 đất; kiến nghị xử lý khác 1,232 tỷ đồng; và đề xuất nhiều kiến nghị chấn chỉnh việc chấp hành chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội.
c) Công tác phòng, chống tham nhũng
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu và kê khai bổ sung theo quy định của Chính phủ, đến nay hầu hết cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập theo quy định đã hoàn thành việc kê khai theo mẫu quy định.
Tập trung công tác chuyên môn có liên quan đến công tác nhân sự bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, thực hiện Kế hoạch số 240/KH-TTCP ngày 21/02/2011 của Thanh tra Chính phủ trong công tác kê khai tài sản, thu nhập và thực hiện công tác xác minh theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử.
Trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra tỉnh đã thực hiện 03 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại 30 đơn vị. Qua thanh tra cho thấy: công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng đến toàn thể cán bộ, công chức chưa được chú trọng đúng mức; hầu hết các đơn vị đều chưa niêm yết công khai Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định; chưa xây dựng kế hoạch và lập danh sách cán bộ, công chức viên chức phải chuyển đổi vị trí công tác; chưa thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo đúng quy định.
d) Về An ninh, quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Lực lượng vũ trang tỉnh duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; công tác tuyển quân đảm bảo các bước từ vận động, tuyên truyền đến việc giao nhận quân, đạt 100% kế hoạch đề ra. Công tác bảo vệ an ninh vùng biển được tăng cường, các lực lượng vũ trang đã chủ động năm chắc diễn biến tình hình, xử lý kịp thời và có hiệu quả các vụ việc xảy ra, đấu tranh phòng chống tội phạm đạt kết quả tốt, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển của tỉnh.
Lực lượng Công an toàn tỉnh phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, tuần tra kiểm soát trên các tuyến và địa bàn trọng điểm, các tụ điểm phức tạp về tai nạn giao thông, hỗ trợ giải toả và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Tai nạn giao thông được kiềm chế nhưng chưa cơ bản và vững chắc: Trong 4 tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông, làm chết 52 người, bị thương 45 người. Tai nạn giao thông đường sắt và đường thuỷ không xảy ra.
đ) Về công tác ngoại vụ
Công tác xúc tiến, vận động viện trợ phi chính phủ trong 06 tháng đầu năm tiếp tục được duy trì và mở rộng, tổng giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài đạt trên 40 tỷ đồng với 18 chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế cộng đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ trẻ em nghèo, người khuyết tật. Công tác Lễ tân - Lãnh sự - Báo chí được thực hiện nhanh, gọn, đảm bảo tính trọng thị, chu đáo; đã hướng dẫn và quản lý hoạt động của 56 đoàn vào với 283 lượt khách quốc tế đến thăm, làm việc, hoạt động nhân đạo, từ thiện, tìm hiểu cơ hội đầu tư, hoạt động nhân đạo, từ thiện và tác nghiệp báo chí.
Công tác bảo hộ ngư dân và tàu thuyền của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ tiếp tục được duy trì thường xuyên. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 03 tàu gồm 48 ngư dân bị các nước Malaysia, Phillipines bắt giữ khi đang hành nghề khai thác thủy sản tại vùng biển giáp ranh với Malaysia, Phillipines. Để kịp thời bảo hộ ngư dân, tỉnh đã báo cáo và đề nghị cơ quan ngoại giao có biện pháp can thiệp hữu hiệu để đưa số ngư dân bị bắt, bị phạt tù trong thời gian qua về nước. Kết quả đã đưa được 32 ngư dân về nước, ổn định cuộc sống và đoàn tụ gia đình. Tính đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 26 tàu và 135 ngư dân đang bị các nước bắt giữ.
e) Về công tác tổ chức nhà nước
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các Sở, ban ngành trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện đúng nhiệm vụ phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức; áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa hiện đại trên các lĩnh vực theo quy định của Chính phủ. Nhờ đó đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, công dân đến quan hệ công tác; đảm bảo trật tự kỷ luật, kỷ cương hành chính trong bộ máy quản lý nhà nước.
Chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của một số Sở, ban ngành cho phù hợp với các hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và tình hình thực tế của địa phương; tiếp tục thực hiện xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường; các đơn vị sự nghiệp đã chủ động hoạt động theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ có hiệu quả.
Công tác cán bộ từ khâu quy hoạch, tuyển chọn, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ ngày càng đi vào nề nếp, đảm bảo đúng quy trình của Đảng và Nhà nước. Thực hiện đúng quy trình Luật quy định về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; tổng số cử tri trong toàn tỉnh tham gia bầu cử là 878.674/883.237 cử tri trong danh sách, trong đó, nam: 426.150, nữ: 452.524, đạt tỷ lệ 99,48%. Tổng số đại biểu được bầu: 54 đại biểu HĐND tỉnh, 07 đại biểu Quốc hội và 464 đại biểu HĐND cấp huyện, 4.706 đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn; trong cuộc bầu cử HĐND các cấp diễn ra vào ngày 22/5 vừa qua tại các địa phương đã bầu thiếu 01 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 06 đại biểu HĐND cấp huyện và 38 đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn. Do vậy, các địa phương bầu chưa đủ số lượng đại biểu sẽ được bầu thêm. Dự kiến, sự kiện này sẽ diễn ra đồng loạt vào ngày 05/6/2011 (ngày Chủ nhật).
Công tác quản lý địa giới hành chính không có xảy ra tranh chấp, tuân thủ theo đúng qui định của Nhà nước; công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, thi đua khen thưởng và văn thư lưu trữ thực hiện theo đúng quy định pháp luật và đã giúp các cấp, các ngành uốn nắn kịp thời các sai sót và phát huy mặt tích cực.
Cùng với cả nước, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trên địa bàn tỉnh đã diễn ra an toàn, đúng luật và thành công tốt đẹp. Việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử kịp thời; lập và niêm yết danh sách cử tri chặt chẽ; tổ chức hiệp thương giới thiệu người ứng cử theo đúng quy trình; công tác tuyên truyền thực hiện tốt; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử ổn định. Tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu là 878.674 người, đạt tỷ lệ 99,48%.
Tóm lại: 6 tháng đầu năm 2011, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện có kết quả Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 21/01/2011 của UBND tỉnh về các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2011, đã tập trung tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động thực Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ và đã đạt được những kết quả bước đầu trong quản lý tiền tệ, tín dụng, lãi suất, quản lý ngoại tệ và vàng, trong việc rà soát, sắp xếp, điều chuyển vốn, cắt giảm đầu tư công và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên theo chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ sản xuất, khuyến khích xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội nên kinh tế của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2010: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) tăng 12,8%, Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 19,3%, giá trị sản xuất dịch vụ tăng 14,7%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 20,6%; nhiều sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp tăng cao,.... Mặt khác, nhiều dự án đầu tư bước đầu phát huy hiệu quả thiết thực, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh diễn ra sôi nổi; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững,... đã góp phần làm cho tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm vẫn ổn định.
Tuy nhiên, sức ép tăng giá cả hàng hóa và nguy cơ lạm phát tăng cao tại nhiều nước trên thế giới cùng với phản ứng tâm lý và dây chuyền sau khi có sự điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa thiết yếu trong nước, như: xăng dầu, điện.., một số cơ chế chính sách của Trung ương thay đổi đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất – kinh doanh, đầu tư phát triển và đời sống của nhân dân trong tỉnh; sản lượng lương thực đạt thấp trong vụ Đông Xuân do thời tiết và dịch bệnh, tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài hiện nay dẫn đến nguy cơ thiếu nước trong vụ Hè Thu; tiến độ thi công và giải ngân các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn chậm; khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; việc tạm dừng giải ngân đối với các công trình khởi công mới trong năm 2011; thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất và thu tiền sử dụng đất đạt thấp,... là những khó khăn không nhỏ đối với các ngành, các cấp để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 trong 6 tháng còn lại của năm 2011.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2011
Cùng với việc triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Ngãi năm 2011 kèm theo Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 21/01/2011 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 15/4/2011 của UBND tỉnh; UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ban ngành tỉnh và huyện, thành phố trong tỉnh theo lĩnh vực được phân công tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII; Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chương trình hành động của UBND tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; Chương trình công tác năm 2011 của UBND tỉnh. Công bố quy hoạch cắm mốc và quản lý quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất mở rộng 45.320 ha theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2012; tổ chức kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2011, bàn giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2012; ban hành các quyết định: Giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012; một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
3. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, các công trình lớn, trọng điểm của tỉnh và giải ngân vốn đầu tư, vốn trái phiếu Chính phủ thuộc kế hoạch năm 2011 và thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về rà soát, sắp xếp, điều chuyển vốn, cắt giảm đầu tư công:
a) Tiếp tục huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó tập trung khai thác quỹ đất và các nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt tỉnh được để lại, ưu tiên sử dụng nguồn vượt thu ngân sách cho đầu tư phát triển để bù vào phần vốn giảm so với năm trước. Điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế về bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án. Tiếp tục làm việc với các Bộ ngành Trung ương xin bổ sung kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ, vốn từ nguồn thu Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
b) Trực báo thường xuyên, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án nhất là các dự án chuyển tiếp, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
c) Thủ trưởng các sở, ban ngành là đầu mối giao kế hoạch, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nghiệm thu lên phiếu giá để giải ngân kế hoạch vốn.
- Đối với Chương trình 30a, khẩn trương giải ngân kế hoạch vốn năm 2010 chuyển sang, thời hạn thanh toán đến 30/6/2011; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững ở 6 huyện miền núi.
- Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ các dự án đều là dự án chuyển tiếp nên phải khẩn trương giải ngân, dự án nào đến 30/6/2011 chưa giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao sẽ điều chuyển cho dự án khác.
- Đối với các dự án đã tạm ứng vốn cho đơn vị thi công, đề nghị Chủ đầu tư đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn ứng khối lượng đã tạm ứng.
- Các công trình giao thông, thủy lợi cần chọn điểm dừng kỹ thuật hợp lý để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.
d) UBND các huyện, thành phố rà soát danh mục dự án thuộc nguồn vốn được phân cấp năm 2011 theo hướng cắt giảm bớt các dự án khởi công mới, tập trung cho các dự án hoàn thành trong năm, báo cáo UBND tỉnh, đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước 15/6/2011.
đ) Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư, các chủ đầu tư sớm hoàn chỉnh thủ tục để trình duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật nhằm đủ điều kiện bố trí vốn thực hiện đầu tư năm 2012. Các dự án lập thủ tục để xin vốn cũng tranh thủ hoàn chỉnh hồ sơ để có cơ sở xin vốn từ Trung ương hoặc vốn ODA.
e) Rà soát và bổ sung cơ chế chính sách về thu hút đầu tư và tổ chức thực hiện xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, thu hút nguồn vốn đầu tư vào địa bàn tỉnh. Tập trung bổ sung cơ chế chính sách, mô hình tổ chức, các giải pháp thực hiện công tác đền bù và GPMB, tái định cư cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là ở Khu kinh tế Dung Quất.
4. Thực hiện việc điều hành ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của Chính phủ và Nghị quyết HĐND tỉnh, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán. Ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm và các chính sách an sinh xã hội. Thường xuyên kiểm tra các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí hành chính; thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên và tạm dừng mua xe ô tô công, máy điều hòa nhiệt độ, trang thiết bị văn phòng theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Kiểm tra và tham mưu chặt chẽ cho UBND tỉnh các khoản tạm ứng, bổ sung ngân sách ngoài dự toán; việc vay và trả nợ vay của tỉnh trong năm 2011. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế của các đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh, đôn đốc đẩy mạnh công tác thu ngân sách, đặc biệt là các khoản nợ đọng thuế và tiền thu từ khai thác quỹ đất nhằm phấn đấu đạt dự toán được giao.
5. Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu năm 2011 đảm bảo đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống; cung ứng đủ và kịp thời giống lúa, hoa màu cho nông dân; tổ chức thực hiện các biện pháp chống hạn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu; phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác, đốt rừng, mua bán, vận chuyển gỗ và lâm sản trái phép; đề cao cảnh giác và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; kiểm soát tình hình dịch bệnh nuôi trồng thuỷ sản đặc biệt là dịch bệnh tôm.
6. Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
7. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo, tạo việc làm. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo tại 6 huyện miền núi của tỉnh theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia; các chương trình, dự án và các giải pháp, chính sách an sinh xã hội đã ban hành để hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng bị thiên tai. Tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ giá điện cho người nghèo.
8. Tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục theo dõi, giám sát các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện Chỉ thị 01/CT và các văn bản quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất, huy động và cho vay vốn. Đặc biệt, tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các chi nhánh NHTM trong việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tập trung vốn ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất; đồng thời giám sát chặt chẽ nợ xấu phát sinh.
9. Tổ chức kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với hàng hoá có biến động tăng giá; tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý giá, đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và công khai thông tin về giá theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Theo dõi chặt chẽ, kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách thương mại nội địa, triển khai tốt chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
10. Tăng cường kiểm tra công tác xử lý chất thải, nhất là chất thải y tế trên địa bàn, đồng thời kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Khu Kinh tế Dung Quất và tại các địa phương để kịp thời xử lý.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; làm tốt công tác chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; đẩy mạnh công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, có biện pháp dập tắt nhanh chóng, kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.
11. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian cho tổ chức và công dân. Thực hiện tốt công tác xây dựng chính quyền, củng cố bộ máy chính quyền cơ sở ngay sau cuộc bầu cử HĐND các cấp. Phối hợp thực hiện xét tuyển trí thức trẻ ưu tú, có trình độ Đại học tham gia Dự án 600 Phó Chủ tịch xã.
Tập trung chỉ đạo giải quyết có kết quả khiếu nại, tố cáo của công dân; có giải pháp hợp lý và hiệu quả nhằm giải quyết tốt các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài; kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại mới phát sinh. Tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng về việc chấp hành chính sách, pháp luật Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế. Thanh tra, kiểm tra các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản; việc quy hoạch sử dụng đất; việc triển khai thực hiện các dự án cụm công nghiệp, làng nghề; việc thực hiện công tác đền bù ở một số dự án; việc quản lý thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công,... gắn với việc thanh tra chức trách công vụ của cán bộ, công chức khi thực hiện các nhiệm vụ nói trên. Thực hiện tốt chương trình hành động của UBND tỉnh về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
12. Giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác bảo vệ chủ quyền vùng biển, tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh phòng, chống tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải trái phép và sử dụng vật liệu nổ đánh bắt hải sản; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát ngư dân và tàu thuyền khai thác thủy sản trên biển, xử lý kiên quyết đối với các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không có biển số nhằm hạn chế rủi ro về tính mạng và tài sản của ngư dân. Tiếp tục triển khai các biện pháp trấn áp tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội; kiềm chế tai nạn giao thông. Triển khai công tác gọi công dân nhập ngũ đợt II, huy động lực lượng dự bị động viên và phương tiện kỹ thuật đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao. Xây dựng công trình quốc phòng đúng tiến độ và tổ chức diễn tập cơ chế cho 3 huyện và 25% xã, phường, thị trấn. Xây dựng Đề án nguồn nhân lực chuyên ngành quân sự đến 2015 và giáo dục quốc phòng – an ninh đạt chỉ tiêu./.