(MPI Portal) - Sáng ngày 27/6 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo về mua sắm Chính phủ trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội thảo có ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Jean Grier, Chuyên gia cao cấp về đàm phán đấu thầu, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Shannon Coe, Luật sư kiêm Cố vấn, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đại diện các chuyên gia phòng Thương mại Hoa Kỳ và các Bộ ngành liên quan của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Văn Tăng tin tưởng rằng, Hội thảo chính là cơ hội để Việt Nam làm quen và tìm hiểu về công tác mua sắm Chính phủ, đặc biệt trong thời kỳ Việt Nam mở cửa mua sắm đấu thầu công. Ông cũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia vào đàm phán TPP một cách nghiêm chỉnh và đầy trách nhiệm.
|
Bà Jean Grier, Chuyên gia cao cấp về đàm phán đấu thầu, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trình bày tại Hội thảo. Ảnh: Lê Tiên (Báo Đấu thầu)
|
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe bà Jean Grier trình bày Tổng quan về Chương mua sắm Chính phủ trong Hiệp định TPP. Theo bà, các hoạt động đấu thầu được quy định trong Chương trình mua sắm Chính phủ của Hiệp định TPP sẽ căn cứ vào các tiêu chí. Các tiêu chí này sẽ được cụ thể hóa đối với từng Bên tham gia Hiệp định TPP, cụ thể là các cơ quan Chính phủ ở cấp trung ương, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, các thủ tục áp dụng trong mua sắm Chính phủ thuộc Hiệp định TPP sẽ được tiến hành minh bạch, có thể dự báo trước và công bằng.
Việt Nam là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư. Đây là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, hiện đại hóa các hoạt động dịch vụ, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mở cửa thị trường mua sắm. Bên cạnh đó, TPP cũng tạo nhiều cơ hội thuận lợi đối với các ngành xuất khẩu của Việt Nam như giảm, miễn thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt ở các nước tham gia Hiệp định TPP, giảm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu dệt may, da giày, thủy sản.
|
Hội thảo về mua sắm Chính phủ trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Ảnh: Lê Tiên (Báo Đấu thầu)
|
Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương với tư cách là thành viên liên kết từ tháng 3/2009. Sau một thời gian tham dự với tư cách trên, vừa qua Việt Nam đã tham gia đàm phán Hiệp định TPP một cách chính thức và hiệu quả. Phiên đàm phán lần thứ 7 trong khuôn khổ Hiệp định TPP đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 20-24/6/2011 với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ 9 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định TPP bao gồm Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Hoa Kỳ, Singapore và Việt Nam./.
Thủ tục áp dụng với Mua sắm Chính phủ quy định trong Hiệp định TPP:
- Công bố thông tin về các phương pháp đấu thầu: mỗi Bên tham gia Hiệp định TPP phải công bố hoặc công khai các thông tin về hệ thống đấu thầu của mình, như luật, quy định, quyết định của tòa và các thủ tục liên quan tới mua sắm chính phủ;
- Công bố thông báo về dự kiến đấu thầu: đối với mỗi hoạt động đấu thầu được quy định trong Hiệp địnhTPP, bên mời thầu phải công bố một thông báo về dự kiến đấu thầu, trừ trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế;
- Đấu thầu công khai:toàn bộ các nhà cung ứng có quan tâm đều có thể nộp hồ sơ dự thầu;
- Đấu thầu lựa chọn: bên mời thầu mời những nhà cung ứng đáp ứng các yêu cầu về trình độ chuyên môn nộp hồ sơ dự thầu;
- Đấu thầu hạn chế: bên mời thầu liên lạc với một hoặc nhiều nhà cung ứng mà mình lựa chọn, với điều kiện là nhà cung ứng đó đáp ứng một trong số những tiêu chí nhất định;
- Thời hạn đấu thầu tối thiểu: thời hạn đấu thầu tối thiểu là 40 ngày, trong một số trường hợp nhất định, có thể được giảm xuống tới không dưới 10 ngày, bao gồm cả trường hợp khi một thông báo về dự kiến đấu thầu hoặc một dự báo thường niên đã được công bố trước không quá 12 tháng và bao gồm những thông tin nhất định;
- Xây dựng Thông số kỹ thuật: thông số kỹ thuật không được xây dựng, phê duyệt hoặc áp dụng với mục đích hoặc có tác dụng tạo ra những rào cản không cần thiết đối với thương mại.
- Hồ sơ mời thầu: bên mời thầu phải cung cấp cho các nhà cung ứng hồ sơ mời thầu trong đó có toàn bộ các thông tin cần thiết để các nhà cung ứng có thểchuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu của mình;
- Điều kiện tham gia: bên mời thầu chỉ được giới hạn các điều kiện tham gia của các nhà cung ứng trong các điều kiện chủ yếu nhằm đảm bảo rằng nhà cung ứng có khả năng pháp lí, kỹ thuật và tài chính để thực hiện đấu thầu;
- Đánh giá hồ sơ dự thầu và trao hợp đồng: bên mời thầu phải đánh giá tất cả các hồ sơ dự thầu theo các thủ tục đảm bảo tính công bằng của quy trình đấu thầu và bảo mật các hồ sơ dự thầu;
- Minh bạch hóa thông tin trao hợp đồng: bên mời thầu phải thông báo cho các nhà cung ứng tham gia đấu thầu về các quyết định trao hợp đồng, và phải cung cấp cho các nhà cung ứng không trúng thầu, khi có yêu cầu, về lí do họ không được chọn;
- Các thủ tục xem xét trong nước đối với các khiếu nại của nhà cung ứng: các Bên phải quy định các thủ tục xem xét trong nước cho phép nhà cung ứng có thể khiếu nại về việc tiến hành đấu thầu lên một cơ quan xem xét độc lập và trung lập.
|
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư