Chính sách siết chặt tín dụng tại các nước Châu Âu đang thực hiện đã ít nhiều tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này trong thời gian qua. Tuy nhiên, sau Hội chợ thủy sản Châu Âu (ESE) 2012 tại Brussels, Bỉ, cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam lại rộng mở.
Thủy sản Việt Nam dã có chỗ đứng tại EU
Từ năm 2007, EU đã vượt qua Nhật Bản để trở thành đối tác nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với tốc độ phát triển nhanh và khá ổn định. Năm 2011, EU dẫn đầu với 21,8% thị phần kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đứng trước Mỹ 19,3% và Nhật Bản 16,4%.
Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2012 đạt hơn 1,3 tỷ USD, trong đó, EU vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam với 260 triệu USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với sự đa dạng về các sản phẩm xuất khẩu, Việt Nam cung cấp nhiều loại sản phẩm khác nhau đến thị trường EU, trong đó xuất khẩu cá tra là chủ lực. Cá tra xuất khẩu sang EU tương đối ổn định về sản lượng, tuy nhiên, giá biến động theo chiều hướng ngày càng thấp.
Trái lại, xuất khẩu tôm vào EU lại có dấu hiệu tốt trong 2 năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Năm 2011, xuất khẩu tôm vào EU tăng 20,3% so với năm 2010, đưa Việt Nam vào vị trí thứ 5 trong nhóm xuất khẩu tôm hàng đầu vào EU với thị phần tăng từ 6, 1% năm 2010 lên 7,5% năm 2011.
Phó chủ tịch Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu - Struan Stevenson khẳng định, cá tra, basa là thế mạnh của ngành thủy sản Việt Nam, do vậy đẩy mạnh xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam vào thị trường châu Âu là có lợi cho cả đôi bên, khi mà người tiêu dùng châu Âu đã ưa chuộng mặt hàng này. Ông cho biết, chỉ riêng trong năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu 600.000 tấn cá tra, basa sang EU và mức tăng trung bình hàng năm xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam vào EU là 30%. Từ những con số ấn tượng trên, Stevenson kết luận, ngành thủy sản Việt Nam đã thành công trong việc tạo lập được chỗ đứng tại thị trường châu Âu.
Hy vọng tìm kiếm thêm đối tác
Mặc dù nền kinh tế khu vực châu Âu đang trong thời kỳ khó khăn, nhưng dường như ngành công nghiệp thực phẩm nơi đây vẫn đang chuyển mình trỗi dậy. Bằng chứng là việc ESE 2012 có sự tham gia của nhiều gian hàng triển lãm của hơn 1.600 công ty từ 80 quốc gia, được trang trí ấn tượng trong khu vực rộng đến 34.000 m2, đặc biệt là sự xuất hiện của hơn 230 gian hàng lấp đầy 3.614m2 sảnh số 5, điều mà trước đây chưa từng có.
Năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ESE 2012 với gần 40 gian hàng được bài trí đẹp, quy mô và là một trong những gian hàng lớn nhất của hội chợ.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP cho biết, 2012 là một năm mà hình tài chính trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng VASEP vẫn chú trọng cải tiến hình thức tham gia hội chợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ lần này đã có tính chủ động hơn, cả trong khâu chuẩn bị mang tính kỹ thuật đến việc đưa các sản phẩm mới đến hội chợ.
Là một trong những công ty lớn của Việt Nam xuất khẩu hàng khô và cá biển, Công ty TNHH Hải Nam tham gia hội chợ lần này với nhiều mặt hàng khô, sản phẩm cá biển đông lạnh các loại với mục tiêu gặp gỡ khách hàng cũ và tìm kiếm thêm bạn hàng mới. Đại diện của Công ty cho biết, Châu Âu hiện chiếm đến 70% tỷ trọng xuất khẩu của Công ty nên đây là dịp để doanh nghiệp kết nối cũng như gắn chặt mối quan hệ hợp tác làm ăn với các bạn hàng.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc trong ESE 2012 là không có sản phẩm nào của Việt Nam nằm trong danh sách đoạt giải Seafood Prix d’Elite do Ban tổ chức của ESE 2012bầu chọn bởi năm nay Công ty CP Vĩnh Hoàn không có sản phẩm nào tham gia tranh tài, thay vào đó là chủ trương giới thiệu tất cả các sản phẩm giá trị gia tăng được chế biến từ cá tra đã đoạt giải từ năm 2009 – 2011 như Provocake, cá tra cuộn cá hồi, Barramundi flame grill, Seafood harmony...
Vẫn cần mở rộng thị trường
Mặc dù, thủy sản Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường EU, tuy nhiên, hiện suy thoái kinh tế khiến thị trường EU ngày càng khắt khe hơn với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là hàng “made in Việt Nam”.
Bên cạnh đó, EU còn áp dụng thêm những quy định mới như chống đánh bắt cá bất hợp pháp; Kiểm soát ký sinh trùng trong sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm... khiến cho việc xuất khẩu sang thị trường này càng trở nên khó khăn hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách siết chặt tín dụng tại các nước châu Âu đang thực hiện đã ít nhiều tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này. Và muốn có tín hiệu khả quan hơn thì không còn cách nào khác là phải chờ đợi sự mở rộng hạn mức tín dụng của ngân hàng để doanh nghiệp có nguồn tài chính tái đầu tư, ổn định sản xuất từ thị trường này.
Nhận định về triển vọng thị trường EU năm 2012 - 2013, ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công Thương cho rằng, EU vẫn đối mặt với khó khăn, nên doanh nghiệp làm ăn tại thị trường này sẽ còn gặp khó. Vì thế, các doanh nghiệp nên tính đến chuyện tìm kiếm thị trường mới, một khi EU không còn dễ làm ăn như trước./.
ESE 2012 được diễn ra trong 3 ngày từ 24 - 26/4/2012 tại Brussels, Bỉ. ESE là hội chợ thủy sản lớn nhất của châu Âu được tổ chức hàng năm kể từ tháng 4/1993, được đánh giá là sự kiện quan trọng nhất trong năm đối với ngành thủy sản toàn cầu.
|
http://www.baocongthuong.com.vn