Tại Hội nghị Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Hong Kong năm 2005, các quốc gia phát triển đã cam kết tăng cường hỗ trợ các quốc gia đang phát triển hội nhập thương mại toàn cầu.
|
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Tập đoàn thủy sản Minh Phú, tỉnh Cà Mau
|
Theo cam kết, chỉ trong năm 2009, các quốc gia công nghiệp đã dành ra 40 tỷ USD cho mục đích này.
Theo thống kê trong báo cáo "Thương mại Toàn cầu năm 2011" của WTO được công bố trong khuôn khổ "Rà soát Toàn cầu lần thứ 3 về Phát triển Thương mại," diễn ra từ ngày 18 tới 19/7, từ 2002-2009, các quốc gia phát triển đã dành tới 238 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động thương mại quốc tế của các quốc gia đang phát triển.
Bà Valentine Rugwabiza, Phó Tổng Giám đốc WTO phụ trách mảng hỗ trợ phát triển thương mại cho biết, trong số 238 tỷ USD nêu trên, có cả những khoản kinh phí hỗ trợ cho phát triển. Không có gì là lạ khi những khoản đầu tư cho hạ tầng đường xá được tính là những khoản hỗ trợ cho phát triển thương mại, bà Valentine Rugwabiza nói.
Donald Kaberuga, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi còn đi xa hơn khi kêu gọi tăng cường hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối năng lượng tại châu Phi.
Mặt khác, bà Rugwabiza cũng cho hay, chưa tới thời điểm để có thể tính toán chính xác tác động của hàng tỷ USD nêu trên tới hoạt động xuất khẩu của những nước được hỗ trợ. Theo bà Phó Tổng Giám đốc WTO, điều quan trọng nhất là sự hỗ trợ này trước mắt giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của những nước được trợ giúp.
Việt Nam cùng 3 cường quốc thương mại mới nổi của châu Á là Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia nằm trong Top 10 quốc gia được hỗ trợ về phát triển thương mại nhiều nhất.
Bà Valentine Rugwabiza cho rằng, các nhà tài trợ có thể làm được nhiều hơn thế nữa, đặc biệt là về điều phối và thông tin về hoạt động của họ tại các quốc gia đang phát triển.
Cũng theo bà Phó Tổng Giám đốc WTO, hỗ trợ phát triển thương mại chỉ là một trong nhiều yếu tố có thể thúc đẩy hoạt động xuất khẩu./.
10 quốc gia được hỗ trợ thuận lợi hóa thương mại nhiều nhất từ 2002-2009:
1. Ấn Độ : 16,3 tỷ USD.
2. Iraq : 15,2 tỷ USD.
3. Việt Nam : 14,8 tỷ USD.
4. Afghanistan : 8,9 tỷ USD.
5. Indonesia : 8,6 tỷ USD.
6. Bangladesh : 6,9 tỷ USD.
7.Pakistan : 5,8 tỷ USD.
8. Trung Quốc : 5,6 tỷ USD.
9. Ethiopia : 5,4 tỷ USD.
10. Ai Cập : 4,9 tỷ USD.
(Nguồn Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế)
|